08:50 22/08/2024

Trào lưu du lịch cùng thú cưng tác động không nhỏ đến ngành hàng không

Tường Bách

Năm 2023, khảo sát của Forbes Advisor với 10.000 người nuôi chó ở Mỹ cho thấy 33% mang chó theo khi du lịch bằng máy bay; 37% thấy khó chịu nếu không thể mang thú cưng đi cùng trong chuyến đi…

Ảnh: USA Today
Ảnh: USA Today

Một cuộc khảo sát mới đây ở Anh cũng chỉ ra 69% khách du lịch chọn bạn đồng hành là thú cưng thay vì bạn bè và người thân. Cụ thể, The Grand Brighton and Richmond Hill Hotel thực hiện cuộc khảo sát, lấy ý kiến của hơn 2.000 nhân viên tư vấn du lịch trên khắp nước Anh và rút ra được một kết quả thú vị: Khoảng 30% khách du lịch sẽ bỏ qua các khách sạn không cho phép mang thú cưng theo.

Giám đốc Marketing của khách sạn The Grand Brighton and Richmond Hill Hotel, Sophie Porter nhận định: “Thời điểm giãn cách xã hội cho phép chúng ta giành nhiều thời gian hơn cho thú cưng. Nhiều người, đặc biệt là những người trẻ sống độc thân đã không thể vượt qua quãng thời gian giãn cách bí bách và cô độc nếu không có thú cưng bên cạnh. Chính vì vậy, sau đại dịch, thú cưng vẫn là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của họ”.

Trước thực tế đó, từ tháng 5/2024, thú cưng sẽ luôn được chào đón tại hơn 100 khách sạn Meliá trên toàn thế giới. Đây là chương trình “Thân thiện với thú cưng” dành cho những du khách đi cùng thú cưng vừa được tập đoàn này triển khai. Bà Susanna Mander, Giám đốc Tiếp thị của Meliá Hotels International chia sẻ: “Chúng tôi triển khai chương trình này nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của du khách khi đi du lịch cùng thú cưng. Chúng tôi đảm bảo rằng mọi thành viên trong gia đình đều được tận hưởng một kỳ nghỉ đáng nhớ tại các khách sạn thân thiện”.

Chương trình lưu trú “Thân thiện với thú cưng” đã được Meliá Hotels International triển khai.
Chương trình lưu trú “Thân thiện với thú cưng” đã được Meliá Hotels International triển khai.

Các khách sạn tham gia chương trình này đều được trang bị đầy đủ tiện nghi và chỗ ở cho tối đa hai thú cưng mỗi phòng. Thú cưng khi lưu trú tại các khách sạn sẽ được ra vào các khu vực ngoài trời không giới hạn và được phép đi cùng chủ nhân đến hầu hết các khu vực của khách sạn, ngoại trừ một số khu vực như spa, hồ bơi trong nhà và phòng tập gym để tránh ảnh hưởng đến những du khách khác. Chi phí của dịch vụ này khác nhau tùy thuộc vào từng khách sạn.

Tại Trung Quốc, theo nghiên cứu từ công ty tư vấn iiMedia, gần 70% chủ sở hữu vật nuôi là thế hệ Millennials với bằng cấp tốt và thu nhập tương đối cao. Đi cùng với đó, các homestay thân thiện với vật nuôi có công suất cho thuê cao hơn 23% so với các loại hình lưu trú khác. Zhu Bing, người đồng sáng lập công ty du lịch thú cưng Banchongyou, chia sẻ với Sixth Tone rằng họ đã hợp tác cùng hơn 30 khách sạn trên toàn quốc để tạo ra các tour du lịch cùng thú cưng.

Do ngày càng nhiều người mang thú cưng đi cùng, một số công ty lữ hành và hãng hàng không đã phải bắt kịp xu hướng bắng cách đơn giản hóa quy trình mang theo vật nuôi trong các chuyến đi. Mới đây, phòng chờ cho thú cưng tại ga hàng hóa nội địa, sân bay quốc tế Bảo An Thâm Quyến đã chính thức đi vào hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển thú cưng, với dịch vụ chuyên nghiệp và thân thiện.

Các hãng hàng không đã phải bắt kịp xu hướng bắng cách đơn giản hóa quy trình mang theo vật nuôi trong các chuyến đi. 
Các hãng hàng không đã phải bắt kịp xu hướng bắng cách đơn giản hóa quy trình mang theo vật nuôi trong các chuyến đi. 

Phòng chờ được chia thành hai khu vực dành cho chó và mèo, đảm bảo đủ không gian riêng cho tất cả thú cưng. Bên cạnh đó, phòng chờ đặc biệt này cung cấp các dịch vụ đi kèm như đặt vé máy bay cho thú cưng, cùng một số thủ tục giấy tờ khác. Tổng giám đốc ga hàng hóa nội địa sân bay quốc tế Bảo An Thâm Quyến cho biết sân bay còn triển khai các khu vực kiểm tra an ninh, với hành lang lên máy bay riêng dành cho thú cưng. Ngoài ra, trong trường hợp vật nuôi bị kẹt hoặc hoãn chuyến bay, sân bay sẽ cung cấp dịch chăm sóc và cung cấp thức ăn miễn phí.

Tại Mỹ, Bark - công ty chuyên bán thức ăn và các sản phẩm vật nuôi – thậm chí đã lấn sân sang ngành hàng không bằng cách thành lập hãng bay Bark Air dành riêng cho thú cưng. Hãng đã chính thức khai thác chuyến bay thương mại đầu tiên dành cho thú cưng vào ngày 23/5 vừa qua. Theo USA Today, dự án đầy tham vọng này đánh dấu khởi đầu cho dịch vụ hàng không sang trọng với mong muốn những chú chó thuộc mọi kích cỡ cùng với chủ của chúng sẽ được bay một cách "thật thoải mái và phong cách".

Giám đốc điều hành Matt Meeker cho biết hãng sử dụng máy bay Gulfstream G5, có sức chứa 15 người nhưng hãng chỉ bán 10 vé để tạo không gian rộng rãi, thoải mái nhất cho 10 chú chó. Hiện tại, Bark Air khai thác các chuyến bay giữa Sân bay White Plains của khu vực đô thị Thành phố New York, Sân bay Van Nuys gần Los Angeles và Sân bay Biggin Hill của London. Được biết, Bark Air đã nhận được hơn 15.000 yêu cầu về điểm đến mới chỉ trong tuần đầu tiên.

Bark Air đã chính thức khai thác chuyến bay thương mại đầu tiên dành cho thú cưng vào ngày 23/5 vừa qua.
Bark Air đã chính thức khai thác chuyến bay thương mại đầu tiên dành cho thú cưng vào ngày 23/5 vừa qua.

So sánh với dịch vụ gửi thú cưng trên các máy bay thương mại thông thường, dịch vụ của BARK Air khá đắt đỏ. Giá vé cho 1 hành khách cùng cún cưng là 8.000 USD (tương đương 200 triệu đồng) cho chuyến bay quốc tế một chiều và 6.000 USD (hơn 150 triệu đồng) cho chuyến bay nội địa. Tuy nhiên mức giá này có thể thay đổi trong tương lai để nhiều người có thể tiếp cận hơn. “Chúng tôi đang đo lường nhu cầu của khách hàng và thấy được tiềm năng phát triển trong tương lai,” ông Matt Meeker nói.

Còn theo báo cáo của Hãng hàng không Jeju Air, Hàn Quốc, 11.324 hành khách nước này đã lựa chọn đi du lịch cùng thú cưng trong 7 tháng đầu năm 2024, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm ngoái và cao gấp 2,7 lần so với năm 2019. Tuy nhiên, trong số các chuyến bay cho phép mang theo vật nuôi của Jeju Air có khoảng 95,1% là các chuyến bay nội địa. Các chuyến bay quốc tế chỉ chiếm 4,9%.

Từ ngày 15/7, Eastar Jet, một hãng hàng không giá rẻ khác của xứ sở kim chi, bắt đầu mở rộng quy định thân thiện với vật nuôi từ các chặng bay nội địa sang các chặng bay quốc tế, sau khi nhận thấy nhu cầu mang theo thú cưng trong các chuyến bay quốc tế ngày càng tăng, theo báo Korea Times.

Bên cạnh các hãng hàng không giá rẻ, Hãng hàng không quốc gia Hàn Quốc Korean Air cũng ghi nhận 33.252 trường hợp mang theo vật nuôi lên các chuyến bay từ tháng 1 đến tháng 7/2024, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Korean Air thống kê, ngày càng có nhiều hành khách lựa chọn mang theo thú cưng lên các chuyến bay quốc tế hơn các chuyến bay nội địa, chiếm 63,6% với khoảng 21.141 trường hợp, so với 36,4% từ các chuyến bay nội địa.

Tại Hàn Quốc, 11.324 hành khách nước này đã lựa chọn đi du lịch cùng thú cưng trong 7 tháng đầu năm 2024.
Tại Hàn Quốc, 11.324 hành khách nước này đã lựa chọn đi du lịch cùng thú cưng trong 7 tháng đầu năm 2024.

Hiện cả Jeju Air, Korean Air và Eastar Jet đều yêu cầu hành khách phải đặt chó, mèo hoặc chim trong lồng hoặc túi vận chuyển khi mang lên máy bay. Giới hạn về cân nặng của vật nuôi và kích thước túi hoặc lồng vận chuyển khác nhau dựa trên quy định của từng hãng. Jeju Air và Korean Air cho phép mang vật nuôi nặng tối đa 7kg, trong khi Eastar Jet cho phép mang vật nuôi nặng tối đa 9kg.

 

Tại Việt Nam, hiện có một số đơn vị nổi tiếng với dịch vụ vận chuyển thú cưng. Chẳng hạn, Nascoexpress có giá vận chuyển thú cưng dưới 7kg dao động 1 - 1,5 triệu đồng đối với các chặng khứ hồi, tùy thành phố. Từ kg tiếp theo, mức giá được tính là 100.000 đồng/kg.

Ngoài ra, các hãng hàng không cũng cung cấp dịch vụ vận chuyển thú cưng. Vietnam Airlines và Vietjet Air đều cho phép mang thú cưng lên máy bay theo dạng hành lý ký gửi với những điều kiện tương đồng, chỉ khác nhau về lệ phí.