Triệt phá đường dây vận chuyển trái phép hơn 4.355 tỷ đồng ra nước ngoài
Ngày 11/7/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; Quyết định khởi tố bị can, áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với 05 bị can về tội Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, quy định tại Khoản 3 Điều 189 Bộ luật Hình sự năm 2015.
CO3 Bộ Công an đang đấu tranh, làm rõ vụ án Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, xảy ra tại TP Hà Nội, TP HCM và một số địa phương liên quan.
Kết quả điều tra xác định, Đào Thị Oanh (Giám đốc các Công ty TNHH Thương mại dịch vụ ADIA, Công ty TNHH Hỗ trợ dịch vụ khu công nghiệp Việt Nam, Công ty TNHH East Global Việt và Công ty TNHH Tư vấn du học DO Việt Nam) cùng đồng phạm có mục đích làm dịch vụ chuyển tiền ra nước ngoài cho các cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu.
Oanh cùng một số đối tượng khác đã thành lập và điều hành hàng chục công ty, mở tài khoản ngân hàng, lập các hợp đồng nhập khẩu hàng hóa khống để làm thủ tục chuyển tiền điện tử qua ngân hàng, theo hình thức tạm ứng thanh toán trước từ 50% đến 70% giá trị hợp đồng nhập khẩu.
Sau khi chuyển tiền ra nước ngoài, các đối tượng không làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa, không khai báo thuế, cho giải thể công ty để che giấu hành vi phạm tội.
Với thủ đoạn trên, trong thời gian từ năm 2021 đến năm 2022, Oanh và đồng phạm đã chuyển trái phép hơn 4.355 tỷ đồng ra nước ngoài.
Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được trong quá trình điều tra, ngày 11/7/2023 Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; Quyết định khởi tố bị can, áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với Đào Thị Oanh, Nguyễn Hồng Anh (Giám đốc Công ty Phương Diễm; Kế toán trưởng Công ty FuTu), Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Kế toán trưởng Công ty Phương Diễm), Vũ Thùy Linh (Giám đốc Công ty Alpha) và Mai Thị Thu Hà (Giám đốc Công ty Earth Vibes) về tội Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, quy định tại Khoản 3 Điều 189 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Sau khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 3) phê chuẩn, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thi hành các Quyết định và Lệnh tố tụng đối với 05 bị can nêu trên theo đúng quy định của pháp luật.
Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang khẩn trương điều tra, củng cố tài liệu chứng cứ về hành vi phạm tội của các bị can, mở rộng điều tra vụ án đối với các tổ chức, cá nhân liên quan, xác minh, kê biên tài sản để thu hồi.
Theo Khoản 3 Điều 189 Bộ luật Hình sự năm 2015, người nào vận chuyển qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá 500 triệu đồng trở lên thì bị phạt tiền tử 1 tỷ đồng – 3 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 5 năm – 10 năm.
Trước đó, vào cuối năm 2022, TAND TP Hà Nội đã xử phạt đường dây vận chuyển trái phép hơn 30.000 tỷ đồng ra nước ngoài do Nguyễn Thị Nguyệt (SN 1985) cầm đầu với các mức án từ 27 tháng tù tới 7 năm 6 tháng tù.
Qua thực tiễn tố tụng có thể thấy, thủ đoạn chung là các đối tượng là dùng các pháp nhân “bình phong” để ký hợp đồng khống để có tờ khai hải quan. Sau đó mua hồ sơ tạm nhập, tái xuất để chuyển trái phép tiền qua biên giới. Các công đoạn được thực hiện theo vòng tròn khép kín với sự tham gia của nhiều người, trong đó bao gồm các giám đốc "hờ".
Trong vụ án Nguyễn Thị Nguyệt, cơ quan tố tụng còn xác định có sự thiếu sót của cán bộ hải quan, tuy nhiên do họ không hưởng lợi nên không đề cập xử lý.