Triệu chứng Covid-19 ở trẻ em khác người lớn, cần cảnh giác
Trẻ em thường có ít hoặc không có triệu chứng của Covid-19 nhưng các em không miễn dịch với virus và vẫn có thể bị bệnh nặng...
Việc kiểm tra những người bị phơi nhiễm chưa xuất hiện các triệu chứng của Covid-19 là rất quan trọng, giúp xác định và hỗ trợ những người có nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Đặc biệt, ở nhiều quốc gia hiện nay, trẻ em và cả người lớn không có triệu chứng có thể không cần xét nghiệm, ngay cả khi họ đã tiếp xúc gần với người được biết là mắc Covid-19. Điều này sẽ làm tăng thêm nguy cơ lây nhiễm cộng đồng.
Một nghiên cứu mới đây được công bố trên tạp chí Scientific Reports đã xem xét dữ liệu của hơn 12.000 trẻ em dương tính với SARS-CoV-2. Theo đó, các bé thường có diễn biến nhẹ hơn khi mắc Covid-19 và có 11 triệu chứng chính. Đó là sốt, khó chịu, đau cơ hoặc khớp, rối loạn khứu giác hoặc vị giác, khó thở, ho, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, phát ban, đau đầu.
Tác giả nghiên cứu Pakaj Arora từ Đại học Birmingham ở Alabama (Mỹ) cho biết, hơn 18% trẻ em trong khảo sát có các triệu chứng như sốt, khó chịu, đau cơ hoặc khớp và rối loạn khứu giác hoặc vị giác.
Như vậy, các triệu chứng trên hệ hô hấp không xuất hiện điển hình ở các ca bệnh trẻ nhỏ nhiễm Covid-19. Bình luận về nghiên cứu, Tiến sĩ Julian Tang, Đại học Leicester (Anh) nhận định, những phát hiện này làm dấy lên lo ngại về việc trẻ em lây lan virus ra cộng đồng.
Ông Tang cũng cho biết, theo thông tin từ một bệnh viện địa phương, khoảng 20% bệnh nhi Covid-19 phải nhập viện (16 trên tổng số 80 bé) không có triệu chứng điển hình như sốt, ho hoặc khó thở. "Tỷ lệ này lớn hơn thống kê ở bệnh viện nhiều bởi khảo sát cả những trẻ bị bệnh nhẹ, không phải điều trị,” Tiến sĩ Tang nói.
Trước đó, các nhà nghiên cứu tại Đại học Queen's ở Belfast, Bắc Ireland, Vương quốc Anh, cũng đã cho biết, tiêu chảy, nôn mửa và đau quặn bụng ở trẻ em có thể là dấu hiệu của việc mắc Covid-19.
Theo nghiên cứu này, nếu chỉ kiểm tra những đứa trẻ với triệu chứng thông thường là sốt, ho hoặc thay đổi mùi vị thì sẽ chỉ xác định được 26 trong 34 - chiếm 76% - các ca mắc Covid-19 có biểu hiện triệu chứng. Trong khi, các triệu chứng tiêu hóa sẽ xác định được gần như tất cả các ca Covid-19 ở trẻ em, cụ thể trong nghiên cứu là 33 trong số 34 ca - chiếm tới 97%.
Tiến sĩ Waterfield , người chủ trì nghiên cứu này tại Đại học Queen's nhận định: “Chúng tôi nhận thấy rằng tiêu chảy và nôn mửa là một triệu chứng đáng kể ở một số trẻ và tôi nghĩ rằng việc bổ sung vào danh sách các triệu chứng đã biết là điều nên xem xét''.
Còn theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí JAMA Pediatrics, các chuyên gia tại Hàn Quốc cho thấy virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại trong đường hô hấp ở trẻ em không có triệu chứng trong 14 - 17,6 ngày trước khi được chẩn đoán xác định.
Như vậy, một số lượng lớn trẻ em bị nhiễm bệnh có thể sẽ bị bỏ sót khi sử dụng chiến lược xét nghiệm chỉ tập trung vào những bệnh nhân có triệu chứng trên hệ hô hấp. Hoặc việc xét nghiệm sẽ không thể chính xác do triệu chứng Covid-19 quá nhẹ hoặc ít có.
Theo nghiên cứu của Hàn Quốc, dấu hiệu phổ biến nhất ở trẻ mắc Covid-19 là mệt mỏi, tiếp theo là đau đầu (53%), sốt (49%), chán ăn (35%), phát ban (15%).