15:13 19/12/2016

Trời lạnh, da bị bệnh!

PV

Trời lạnh, da bị bệnh! - Ảnh 1

Bệnh da của mùa lạnh
Vào mùa đông, số người đến khám vì bị ngứa, mẩn đỏ, thậm chí da nổi sẩn thành từng mảng, phù lại tăng. Trong đó nổi mày đay vì lạnh là một bệnh dị ứng khá phổ biến. Bác sĩ Vũ Mạnh Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu Hà Nội cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh như: yếu tố vật lý nóng, lạnh, tiếp xúc với dị nguyên lạ: có người dị ứng sơn, cỏ may, cây cỏ, ăn uống, thuốc..., trong đó có nổi mày đay do lạnh. Có người không thể ở trong phòng điều hòa vì cứ vào là bị ngứa, nổi mày đay. Đặc trưng của bệnh là các mảng sẩn đỏ trên da, đường kính từ vài mm đến vài cm, có người bị sẩn cả mảng rất to.
Bác sĩ Nguyễn Thành, Bệnh viện Da liễu Trung ương (Hà Nội) cũng cho biết, ngứa là triệu chứng điển hình nhất của bệnh. Ngứa rất dữ dội, càng gãi càng ngứa. Có khi gãi đến chảy cả máu vẫn không đỡ. Da của người bệnh thường bị sẩn, phù, xuất hiện rất nhanh ở bất kỳ vùng da nào. Kích thước và hình dáng của các mảng sẩn thay đổi nhanh chóng, khi lặn đi thường không để lại dấu vết gì. Tại phòng khám do BS Nguyễn Thành, dù chưa hết buổi sáng số bệnh nhân đến khám đã lên đến hơn 60 người. Chị Hoàng Minh Hà (Lĩnh Nam, Hà Nội) đang chờ đến lượt khám chia sẻ: “Cứ đến mùa rét, tôi lại khốn khổ vì ngứa, nhất là vùng đùi và chân. Tôi biết bệnh của mình nên ngay khi trời sang thu tôi đã mua kem dưỡng ẩm để chăm chỉ thoa hàng ngày, mà vẫn không có tác dụng. Tôi đã gãi đến sạm cả đùi để giải tỏa cơn ngứa. Kết quả là càng gãi, những chỗ ngứa càng ngứa hơn…” Không chỉ người lớn mà trẻ nhỏ cũng bị mẩn ngứa do thời tiết thay đổi. Nhiều em bé được mẹ đưa vào khám với hai bên má sưng nhẹ và đỏ ửng như bôi son. Thực tế là da của trẻ rất nhạy cảm nên dễ bị dị ứng khi thời tiết thay đổi. Mẹ của bé Vũ Văn Việt (Thổ Quan, Hà Nội) chia sẻ: “Trước đây một tuần, trên má cháu nổi vài chấm đỏ, tưởng cháu chỉ bị nẻ nên tôi mua nước kem trị nẻ bôi cho con nhưng không đỡ. Vết đỏ trên má cháu ngày càng lan rộng, tôi ra hiệu thuốc hỏi thì được tư vấn mua thuốc mỡ để bôi, nhưng được một hôm thì da má cháu bị dị ứng, sưng phồng lên, cháu cứ kêu đau và rát nên tôi vội vàng đưa cháu đến đây khám”. Theo BS Nguyễn Thành, vào mùa đông thường hay gặp ngứa do dị ứng thời tiết và viêm da cơ địa. Khi dị ứng trên da sẽ nổi những nốt sần, phù, màu đỏ và gây ngứa những phần hở, từ đó có thể lan toàn thân. Nguyên nhân do mùa lạnh tuyến mồ hôi ít hoạt động làm da khô, người bệnh lại lười uống nước nên lượng nước cung cấp cho da bị thiếu. Triệu chứng khô da sẽ kích thích dây thần kinh ở đầu mút da khiến cho người bệnh gặp phải triệu chứng da khô mốc lên, gây ngứa toàn thân. BS Đinh Doãn Thạch, Trưởng Khoa khám bệnh (BV Da liễu Hà Đông) cho biết một nguyên nhân nữa là do mùa đông giá lạnh, nhất là nhiệt độ giữa ngày và đêm thay đổi lớn làm kích thích cơ địa ở những người có sức khỏe yếu, làn da mẫn cảm gây dị ứng da. Nhiều trường hợp vào khám trong tình trạng da bị dị ứng nặng, vết viêm da bị nhiễm trùng do người bệnh chủ quan không chữa trị ngay hoặc tự mua thuốc điều trị không đúng chỉ định, hướng dẫn của thầy thuốc…

Trời lạnh, da bị bệnh! - Ảnh 2

Biểu hiện dị ứng dễ nhận thấy
Thông thường, mỗi người sẽ có những phản ứng khác nhau đối với một tác nhân gây dị ứng nào đó, cũng như việc tiếp xúc với tác nhân đó nhiều hay ít cũng sẽ dấn đến các triệu chứng khác nhau; nhẹ có thể là mẩn ngứa, nổi mề đay, nặng có thể khiến ta bị nôn mửa, tụt huyết áp và thậm chí là tử vong.
Các triệu chứng thường bắt đầu với một vài chấm đỏ xuất hiện trên da, khi đó người bệnh thấy ngứa ngáy khó chịu và gãi theo phản xạ tự nhiên. Càng gãi, các chấm đỏ càng lan rộng thành đám nhỏ, đám lớn nổi khắp trên da mà không thoả mãn cơn ngứa.
Khi người bệnh bị ngứa đến mức khó chịu nổi, việc gãi liên tục sẽ gây trầy xước da, có trường hợp ban ngứa, mề đay làm tổn thương niêm mạc ruột gây đau bụng dữ dội, và thậm chí gây phù nề thanh phế quản làm suy thở cấp có thể dẫn đến tử vong.
Những thủ phạm gây ngứa mùa đông
-    Do cơ địa
Theo khuyến cáo của các chuyên gia da liễu, người bị dị ứng cơ địa rất nhạy cảm với sự thay đổi của thời tiết. Do vậy, những người này cần phải chú ý giữ ấm cho cơ thể khi thời tiết thay đổi. Trong trường hợp, thấy da có biểu hiển mẩn ngứa cần phải chú ý giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, không gãi, chà xát mạnh quanh chỗ ngứa để tránh bệnh nặng thêm. Nếu thấy bệnh tiến triển nặng hơn cần sớm đến bệnh viện chuyên khoa khám, không nên tự ý mua thuốc về điều trị.
-    Uống ít nước
Mùa đông, nhiều người có thói quen ngại uống nước. Điều này rất hại cho da của bạn trong mùa đông. Theo các chuyên gia da liễu, mùa đông thậm chí da còn cần nhiều nước hơn mùa hè dù không có cảm giác khát. Uống khoảng 2 lít nước mỗi ngày là cần thiết để đáp ứng nước cho da.
-    Tắm nhiều và tắm nước quá nóng
Mùa đông nhiều người vẫn có thói quen tắm nhiều lần trong một ngày. Theo các chuyên gia da liễu khuyến cáo, vào mùa đông không nên tắm quá nhiều, đặc biệt là người già và trẻ em, để tránh tình trạng khô da và ngứa. Người già và trẻ sơ sinh chỉ nên tắm 1 - 2 lần/tuần. Đồng thời, khi tắm không nên dùng các sản phẩm làm sạch da có độ kiềm cao như xà phòng mà nên dùng ít sữa tắm. Riêng đối với những người da khô, tốt nhất không dùng sữa tắm mà chỉ tắm bằng nước sạch. 
Ngoài ra, nước tắm cũng không nên quá nóng, bởi vì sau khi tắm bằng nước nóng tuy có cảm giác rất dễ chịu, song nước nóng sẽ khiến da khô và ngứa. Sau khi tắm nên dùng kem dưỡng da thảo dược thiên nhiên, tránh dùng dầu khoáng chất.
-    Máy sưởi
Hiện nay, hầu hết gia đình nào cũng sử dụng máy sưởi, nhất là trong những ngày giá lạnh. Việc sử dụng máy sưởi thường xuyên cũng chính là tác nhân khiến da bị mất nước, làm da bị khô và ngứa. Bạn nên dùng một máy giữ độ ẩm trong phòng và nhiệt độ trong phòng không nên để quá nóng. Người có cơ địa dị ứng cần tránh mặc quần áo bằng chất liệu len, lông... Tránh mặc quần áo quá chật khiến cho da bị cọ xát và gây ngứa.  
-    Ăn thức ăn dễ gây kích ứng
Những thức ăn dễ gây dị ứng như hải sản, các chất được lên men như dưa, cà muối chua... cũng cần hạn chế ăn. Các loại thực phẩm “đại bổ” như ba ba, bào ngư, vi cá… nên ăn với số lượng ít và ngắt quãng.

Trời lạnh, da bị bệnh! - Ảnh 3

Điều trị dị ứng không khó
Tùy mức độ nặng nhẹ của hiện tượng dị ứng mà chúng ta cần điều trị hay không: 
- Trong trường hợp nếu chúng ta biết rõ tác nhân gây dị ứng ngứa và cách ly với chúng ngay từ khi mới tiếp xúc thì ta không cần phải điều trị.
- Nếu bạn có hiện tượng viêm da tiếp xúc dị ứng do lạnh, không có tổn thương dạng mề đay mà chỉ ngứa, đỏ da đơn thuần. Cách phòng bệnh cũng là tránh yếu tố lạnh.
- Với những người bị bệnh do lạnh thì vào mùa đông cần giữ ấm, tránh tiếp xúc với lạnh. Chú ý đi ngoài đường mùa đông cần che chắn, khẩu trang, khăn quàng che cổ, găng tay, mũ, ấm toàn bộ, chân đi tất…
- Khi trên da xuất hiện các mảng sần, phù thì nên hạn chế gãi, chà xát mạnh trên da. Người bệnh có thể áp lạnh hoặc tắm lạnh, tránh tắm nóng, tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp, mặc quần áo cotton nhẹ nhàng, tránh các hoạt động nặng hoặc các nguyên nhân gây ra mồ hôi.
- Trường hợp bị ngứa, mẩn đỏ đơn giản vì da bị khô. Trong trường hợp này thì việc giữ ẩm cho da là điều quan trọng nhất. Đồng thời tuyệt đối không được gãi khiến vùng da bị mẩn ngứa lan rộng.
- Trường hợp bị nặng mãi không khỏi, cách tốt nhất là đến bác sỹ để tìm nguyên nhân và được điều trị dứt điểm.
 
Phòng và chống dị ứng mùa đông
- Tất cả các phòng trong nhà phải thông thoáng, có thể mở toang cửa sổ 15 - 20 phút một ngày.
- Phòng tắm, toilet, bếp là những nơi có độ ẩm cao, nấm mốc rất hay phát triển vì vậy phải thường xuyên được thông thoáng bằng cách mở lớn của sổ hàng ngày.
- Không nên bật lò sưởi quá nóng, nhất là phòng ngủ chỉ nên để nhiệt độ từ 14 - 20 độ C
- Độ ẩm trong nhà không nên quá 40%, giảm độ ẩm trong nhà bằng cách thường xuyên mở cửa sổ để thoáng khí.
- Nếu cần thiết có thể dùng thiết bị lọc khí, nhưng phải để ý màng lọc, chúng phải được thay hoặc làm sạch thường xuyên, bời vì đó là nơi tích trữ nhiều bụi và bào tử nấm.
 - Phòng ngủ là nơi tập trung nhiều mạt bụi nhất trong nhà. Do vậy chúng ta phải để ý đến các vật dụng có thể chứa nhiều bụi như thảm, giá sách, tủ, rèm cửa... chúng phải được làm sạch thường xuyên. Đối với những người nhạy cảm với dị ứng thì nên dùng đệm, gối, chăn, ga trải giường làm bằng vật liệu không có chất gây dị ứng và có chứa lớp chống mạt bụi.
- Những người bị dị ứng mạt bụi không nên dùng các đồ nội thất nhồi như salon bọc vải, sợi… Nếu có thì chúng nên thường xuyên được làm sạch. Có thể dùng nội thất bọc da thay cho đồ bọc bằng vải.

 

Thanh Huyền