08:52 01/09/2022

Trong khi nhà đầu tư cá nhân "mải mê" bán ròng 5.000 tỷ đồng, tự doanh và khối ngoại mua mạnh 7.000 tỷ

An Nhiên

Thị trường này vẫn là của tổ chức với khối ngoại và tự doanh gom mạnh tổng cộng gần 7.000 tỷ đồng trong khi đó nhà đầu tư cá nhân bán ròng gần 5.000 tỷ đồng tính từ đầu năm 2022.

Nguồn: FiinGroup.
Nguồn: FiinGroup.

Thống kê từ FiinGroup cho thấy, thanh khoản cải thiện mạnh khi VN-Index xuất hiện “sóng hồi” từ đáy ngắn hạn, với giá trị giao dịch bình quân đạt 17,2 nghìn tỷ đồng/phiên, tăng 41% so với mức bình quân tháng 7 và 18,4% so với trung bình 3 tháng trước nhưng vẫn thấp hơn khoảng 40% so với trung bình giai đoạn sôi động từ tháng 6/2021 đến tháng 3/2022.

Chứng khoán, Xây dựng, Ngân hàng, Bất động sản và Thép chứng kiến thanh khoản cải thiện mạnh trong nửa đầu tháng 8/2022. Đây là những nhóm ngành giảm điểm khá nhiều trong 1-2 tháng trước đây.

Trong khi nhà đầu tư cá nhân "mải mê" bán ròng 5.000 tỷ đồng, tự doanh và khối ngoại mua mạnh 7.000 tỷ - Ảnh 1

Về cơ cấu giao dịch, nhà đầu tư nước ngoài đang mua ròng. Giá trị mua ròng của khối ngoại qua khớp lệnh trên HOSE đạt 1,8 nghìn tỷ đồng nửa đầu tháng 8, đảo chiều so với mức bán ròng nhẹ hơn 400 tỷ đồng trong tháng 7. Xu hướng đảo chiều này cũng được ghi nhận ở một số thị trường chứng khoán Châu Á khác, nhưng diễn ra sớm hơn trong tháng 7, như Indonesia, Hàn Quốc và Thái Lan.

Số liệu thống kê từ HoSE cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 2.500 tỷ đồng từ đầu năm 2022 đến nay.

Tuy nhiên, cần quan sát thêm để xem xét liệu xu hướng này có bền vững hay không bởi dòng vốn ngoại có thể bị ảnh hưởng bởi động thái thắt chặt định lượng của FED.

Đáng lưu ý là mua ròng của khối ngoại không có sự đóng góp của dòng tiền qua các quỹ ETF. Đây là động thái đáng chú ý bởi các quỹ ETF đóng góp chính vào giá trị mua ròng của khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn tháng 4-6/2022 và năm 2021.

Trong khi nhà đầu tư cá nhân "mải mê" bán ròng 5.000 tỷ đồng, tự doanh và khối ngoại mua mạnh 7.000 tỷ - Ảnh 2

Dòng tiền mới từ nhà đầu tư nước ngoài không đến từ quỹ ETF và khối tự doanh của các công ty chứng khoán đang là động lực chính nâng đỡ giá cổ phiếu trong nhịp hồi này của thị trường.

Khối tự doanh các công ty chứng khoán tiếp tục mua ròng tương đối mạnh trong phiên khớp lệnh nhờ giảm bán ra và tập trung mua ròng cổ phiếu nhóm Tài chính, Tiện ích và Thực phẩm & Đồ uống. Trong khi đó, họ bán ròng nhẹ qua giao dịch thỏa thuận.

Tính từ đầu năm 2022, khối tự doanh đã mua ròng tổng cộng 3,9 nghìn tỷ đồng qua phiên khớp lệnh, tương đương 75% giá trị mua ròng trong năm 2021.

Top 10 cổ phiếu được tự doanh gom nhiều nhất trong tháng 8 vừa qua gồm HPG với giá trị 231 tỷ đồng, tiếp theo là MSN 164,3 tỷ đồng, VPB 154,6 tỷ đồng, DXG 130,9 tỷ đồng, NVL 104,1 tỷ đồng, VCI 86 tỷ đồng, VND 68 tỷ đồng, GAS 64,5 tỷ đồng, POW 52,6 tỷ đồng và STB 49,5 tỷ đồng.

Trong khi nhà đầu tư cá nhân "mải mê" bán ròng 5.000 tỷ đồng, tự doanh và khối ngoại mua mạnh 7.000 tỷ - Ảnh 3

Trong khi đó, dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân vẫn chưa quay lại thị trường. Nhà đầu tư cá nhân duy trì tỷ trọng giá trị giao dịch đạt 87,8% nửa đầu tháng 8, tăng nhẹ so với mức 85% trong hai tháng trước. Tuy nhiên, về giá trị giao dịch thì đây là mức thấp so với các giai đoạn sôi động năm ngoái.

Nhà đầu tư cá nhân bán ròng gần 2,4 nghìn tỷ đồng qua khớp lệnh trong nửa đầu tháng 8, nối tiếp chuỗi bán ròng liên tiếp 4 tháng trước đó.

Tính chung từ đầu năm 2022, họ đã bán ròng hơn 4,8 nghìn tỷ đồng, nhưng không đáng kể so với quy mô mua ròng gần 92,9 nghìn tỷ đồng trong năm 2021 khi VN-Index đang ở vùng giá cao hơn nhiều so với hiện tại.

Trong khi nhà đầu tư cá nhân "mải mê" bán ròng 5.000 tỷ đồng, tự doanh và khối ngoại mua mạnh 7.000 tỷ - Ảnh 4

Xu hướng bán ròng của nhà đầu tư cá nhân cùng với thanh khoản duy trì ở mức thấp cho thấy tâm lý thận trọng của “dòng tiền đang ở ngoài thị trường” trước những lo ngại gần đây về các rủi ro về vĩ mô và chính sách, bao gồm (i) triển vọng tăng trưởng chững lại của nền kinh tế toàn cầu và trong nước và (ii) động thái tăng cường kiểm soát rủi ro liên quan đến hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp và hoạt động tín dụng.