Trong khi nhà đầu tư cá nhân "trầy trật" với thị trường, loạt quỹ vẫn thắng lớn
Xét từ đầu năm 2024, có 38/61 quỹ đầu tư cổ phiếu được thống kê bởi FiinTrade ghi nhận tăng trưởng vượt xa VN-Index, cao nhất hơn 33%...
55/61 quỹ đầu tư cổ phiếu có hiệu suất cao hơn so với Vn-Index trong tháng 9/2024, theo số liệu thống kê từ FiinTrade.
Trong đó, ETF SSIAM VNFIN LEAD hiệu suất cao nhất 5,0%; Các quỹ có hiệu suất hơn 4% gồm United Vietnam Opportunity Fund; TCFIN; KIM GROWTH VNFINSELECT ETF. Các quỹ còn lại đều ghi nhận mức tăng trưởng từ 2-3% gồm PYN Elite; Quỹ Giá trị MB Capital Quỹ Tăng trưởng Thiên Việt 5; ETF SSIAM VNX50; ETF DCVFMVN30; KIM GROWTH VN30 ETF; ETF MAFM VN30; ETF SSIAM VN30 VEIL; Quỹ Tăng trưởng Bordier; ETF FPT CAPITAL VNX50; Quỹ Tăng trưởng Thiên Việt 4; ETF VINACAPITAL VN100; ETF IPAAM VN100.
So với tháng 8/2024, hiệu suất trong tháng 9 của hầu hết các quỹ ở mức thấp hơn giữa bối cảnh thị trường chung kém thuận lợi với thanh khoản giảm tháng thứ 3 liên tiếp về mức thấp nhất trong gần 1 năm; cá nhân đẩy mạnh bán ròng và không có ngành dẫn dắt.
Xét từ đầu năm 2024, có 38/61 quỹ đầu tư cổ phiếu được thống kê bởi FiinTrade ghi nhận tăng trưởng vượt xa Vn-Index. Đáng chú ý là Quỹ Cổ phiếu Kinh tế Hiện đại VinaCapital (+33,3%), Quỹ ETF DCVFMVN Diamond (+30,5%) và Quỹ Tăng trưởng Dài hạn Việt Nam (+28,6%). Điểm chung của 3 quỹ này đó là cùng có FPT và ACB trong top danh mục nắm giữ.
Dòng vốn vào thị trường chứng khoán Việt Nam thông qua các quỹ đầu tư ở trạng thái dương trong tháng 9/2024, với giá trị vào ròng đạt hơn 1,1 nghìn tỷ đồng sau khi bị rút ròng 9 tháng liên tiếp trước đó (lũy kế hơn 18 ngàn tỷ đồng). Dòng vốn duy trì đổ vào nhóm chủ động và giảm rút ròng ở nhóm thụ động.
Dữ liệu này được tính toán từ 100 quỹ đầu tư với tổng quy mô NAV gần 231,8 ngàn tỷ đồng. Xét theo chiến lược đầu tư, có 63 quỹ Cổ phiếu, 23 quỹ Trái phiếu và 14 quỹ Cân bằng. Xét theo phân loại quỹ, có 66 quỹ mở, 24 quỹ ETF, 6 quỹ đóng, 3 quỹ hưu trí và 1 quỹ bất động sản.
Có sự phân hóa về dòng vốn theo loại hình quỹ. Trong tháng 9, dòng vốn duy trì xu hướng vào ròng ở nhóm quỹ mở, đạt 655 tỷ đồng, trong khi rút ròng khỏi các quỹ ETF (-846 tỷ đồng) và quỹ đóng (-839 tỷ đồng). Đối với quỹ mở, dòng vốn phân bổ chủ yếu vào quỹ Chứng khoán Năng động DC (VFMVF1) với 239 tỷ đồng, gấp 5,62 lần so với tháng trước. Ngược lại, lực rút ròng ở quỹ ETF phần lớn đến từ quỹ Fubon FTSE Vietnam (672 tỷ đồng); và ở quỹ đóng thì đến từ quỹ VEIL (511 tỷ đồng).
Lũy kế 12 tháng, quỹ mở ghi nhận vào ròng hơn 6,7 nghìn tỷ đồng trong khi dòng vốn rút ra ở nhóm quỹ đóng và ETF, lần lượt là 4,8 nghìn tỷ đồng 29,9 nghìn tỷ đồng.
Về phân bổ tài sản, theo thống kê của FiinTrade, 10/18 quỹ mở đầu tư cổ phiếu hạ tỷ trọng tiền mặt trong tháng 9/2024, chủ yếu có quy mô dưới 1 ngàn tỷ đồng. Ngược lại, nhóm có quy mô lớn hơn gia tăng nắm giữ tiền.
Nhận định về dòng tiền của quỹ đầu tư vào thị trường cổ phiếu Việt Nam mới đây, theo SSI Research các quỹ chủ động vẫn duy trì trạng thái bán ròng trong tháng 9, với tốc độ hạ nhiệt hơn nhiều so với tháng 8. Đáng chú ý, dòng tiền từ các quỹ chủ động chỉ đầu tư vào Việt Nam đã bắt đầu quay trở lại trong tuần cuối tháng 9 với xu hướng mạnh mẽ từ nhóm quỹ Thái Lan. Tính tổng chung, các quỹ chủ động chỉ đầu tư vào Việt Nam đã rút ròng khoảng 320 tỷ đồng trong tháng 9 (thấp hơn so với mức 600 tỷ trong tháng 8).
Sẽ có độ trễ so với các nước khác trong khu vực và với xu hướng vào ròng ở Malaysia và Indonesia, SSI kỳ vọng các quỹ chủ động sẽ tiếp tục xu hướng phân bổ tỷ trọng vào Việt Nam trong thời gian tới.
Điểm sáng trong tháng 9 là Bộ Tài chính đã chính thức ban hành Thông tư sửa đổi 4 thông tư liên quan đến nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể giao dịch mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền và lộ trình công bố thông tin bằng tiếng Anh. Đây sẽ là cơ sở để FTSE Russell đánh giá tích cực trong kỳ công bố vào đầu tháng 10. Sản phẩm này cũng giúp các Quỹ đầu tư nước ngoài có thể chủ động dòng tiền và từ đó cải thiện thanh khoản giao dịch