13:02 26/04/2022

Trong khi nhà đầu tư nội giữ tiền mặt cao kỷ lục, khối ngoại mạnh tay giải ngân, tiền giảm đáng kể

Kiều Linh

Tại 8-10 công ty chứng khoán ghi nhận, số dư tiền gửi nhà đầu tư trong nước đều tăng, ngược lại, số dư tiền gửi của nhà đầu tư nước ngoài đều giảm. Một lượng tiền lớn của khối ngoại có thể đã giải ngân vào thị trường cùng với xu hướng mua ròng trong vòng hơn 1 tháng đổ lại đây...

Đồ hoạ: K.Linh.
Đồ hoạ: K.Linh.

Đà bán tháo rộng rãi toàn thị trường trong hơn 10 phiên liên tiếp đến chủ yếu từ bất ổn vĩ mô, chính trị bên ngoài bởi trong nước tất cả thông tin đều rất tốt như triển vọng kinh tế hồi phục, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp vẫn rất tốt, ngay cả những thông tin liên quan đến bắt bớ thì cuối cùng cũng chỉ vì một thị trường trong sạch, lành mạnh và an toàn hơn cho nhà đầu tư.

Một trong những áp lực đè nặng tâm lý nhà đầu tư cá nhân được giới chuyên môn phân tích chính là lo ngại về lạm phát đến từ bên ngoài, Fed thắt chặt chính sách tiền tệ, dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài vì thế dự báo sẽ bị hút ra khỏi thị trường mới nổi. Tuy nhiên, ngược lại với tâm lý lo ngại trên, thống kê của VnEconomy cho thấy, dòng vốn nhà đầu tư nước ngoài đã thể hiện rất tích cực trong suốt thời gian gần đây. 

Thứ nhất, tại thị trường Việt Nam, 8 phiên đổ lại khối ngoại đều trong xu hướng mua ròng. Chỉ tính riêng sáng nay, nhóm này đã mua 670 tỷ, luỹ kế 8 ngày qua nhóm này mua 3.600 tỷ đồng chứng khoán Việt Nam.

Xu hướng mua ròng của khối ngoại trong những phiên gần đây. 
Xu hướng mua ròng của khối ngoại trong những phiên gần đây. 

Thứ hai, nếu như số dư tiền gửi của khách hàng tại các công ty chứng khoán vào cuối quý 1/2022 gia tăng mà chủ yếu gia tăng đến từ nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước, thì ngược lại, nhóm nhà đầu tư nước ngoài đã giảm tiền gửi đáng kể. Lưu ý số dư tiền gửi là lượng tiền đang nằm sẵn trong tài khoản các nhà đầu tư chưa thực hiện giải ngân.

Thống kê cho thấy, ước tính, số dư tiền gửi khách hàng tại các công ty chứng khoán vào cuối quý 1/2022 khoảng hơn 100.000 tỷ đồng, tăng khoảng 6.000 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2021 và đây là con số kỷ lục trong lịch sử. 

VPS hiện là công ty chứng khoán có số dư tiền gửi khách hàng lớn nhất, lên tới hơn 22.000 tỷ đồng, tăng gần 3.000 tỷ so với đầu năm. VnDirect giữ vững vị trí số 2 về dư tiền gửi khách hàng với gần 10.000 tỷ đồng. Xếp tiếp theo lần lượt là SSI 6.792 tỷ đồng, TCBS 5.228 tỷ đồng, Mirae Asset 4.894 tỷ đồng, FPTS 4.595, VCBS 4.594, TVSI 3.025...

Đồ hoạ: K.Linh.
Đồ hoạ: K.Linh.

Trong đó, tại 8-10 công ty chứng khoán ghi nhận, số dư tiền gửi nhà đầu tư trong nước đều tăng, và ngược lại, số dư tiền gửi của nhà đầu tư nước ngoài đều giảm. Một lượng tiền này của nhà đầu tư nước ngoài có thể đã giải ngân vào thị trường cùng với xu hướng mua ròng của khối ngoại trong vòng hơn 1 tháng đổ lại đây.

Đồ hoạ: K.Linh.
Đồ hoạ: K.Linh.

Thứ ba, cùng với lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới gia tăng, nhà đầu tư nước ngoài cũng có xu hướng mở tài khoản giao dịch chứng khoán tăng mạnh trong thời gian gần đây.

Số liệu từ VSD cho thấy, trong quý 1/2022, VSD cấp mã số giao dịch cho 1.086 nhà đầu tư nước ngoài trong đó gồm 93 tổ chức và 993 cá nhân. Số lượng mã chứng khoán giao dịch nhà đầu tư nước ngoài tính đến thời điểm hiện tại là 41.467 mã gồm 5.227 tổ chức và 36.240 cá nhân, tăng mạnh so với con số 37.442 mã quý 1/2021 và 40.397 cuối năm 2021.

Đồ hoạ: K.Linh.
Đồ hoạ: K.Linh.

Đánh giá về thị trường chứng khoán Việt Nam ở thời điểm hiện tại, hầu hết các quỹ đầu tư nước ngoài cũng đều chung một nhận định khả quan.

Trong thư vừa gửi nhà đầu tư, VinaCapital tiếp tục cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở mức giá rất hợp lý cho đầu tư dài hạn với mức P/E năm 2022 là 11,5 lần, thấp hơn hẳn so với mức trung bình 5 năm gần nhất (14,5 lần).

VinaCapital tự tin thị trường có thể vượt qua những sự kiện tiêu cực trong ngắn hạn và diễn biến tích cực hơn trong phần còn lại của năm 2022 vì nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ sau dịch Covid-19, với GDP được dự báo tăng khoảng 6,5% trong năm 2022. Đặc biệt, các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán Việt Nam đang được dự báo sẽ đạt tăng trưởng lợi nhuận trung bình 20% trong năm 2022, theo cập nhật mới nhất của Bloomberg.

"Khi thị trường chứng khoán biến động ngắn hạn, thay vì bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông thì nhà đầu tư nên thật bình tĩnh và thấy đó là một cơ hội tiềm năng để đầu tư thêm với giá rẻ hơn. Như Warren Buffett đã từng khuyên: "Hãy sợ hãi khi người khác tham lam và tham lam khi người khác sợ hãi", đại diện quỹ nhấn mạnh.

Quỹ đầu tư đến từ Phần Lan Pyn Elite Fund cũng cho rằng động thái thanh lọc thị trường của Chính phủ trong thời gian gần đây dù gây sốc trong ngắn hạn nhưng sẽ tốt cho triển vọng dài hạn chứng khoán Việt Nam.