15:59 04/10/2021

Trụ GAS bị bẻ gãy, VN-Index chao đảo

Kim Phong

Đà tăng hưng phấn chiều nay đột ngột thay đổi, khi nhóm blue-chips biến động mạnh trong nhóm trụ. GAS đột ngột bị xả dồn dập làm hai đợt, càng về cuối phiên càng mạnh...

Chỉ số VN30-Index chiều nay vài lần bị ép xuống dưới tham chiếu.
Chỉ số VN30-Index chiều nay vài lần bị ép xuống dưới tham chiếu.

Đà tăng hưng phấn chiều nay đột ngột thay đổi, khi nhóm blue-chips biến động mạnh trong nhóm trụ. GAS đột ngột bị xả dồn dập làm hai đợt, càng về cuối phiên càng mạnh...

Cổ phiếu dầu khí chiều nay suy yếu dưới áp lực bán tăng mạnh. Vẫn còn một số mã kịch trần như POB, PVT, PCG, nhưng tín hiệu từ GAS nên được xem là lời cảnh báo.

GAS nửa sau phiên sáng tuy không còn giữ được phong độ tốt nhất, nhưng chốt phiên vẫn còn tăng 5,31%. Đến chiều ngay từ những phút đầu tiên, GAS bị xả rất lớn. Nhịp đầu tiên GAS sụp đổ xuống 106.900 đồng, chỉ còn tăng 3,29% lúc 1h40. Sau đó giá hồi lên một chút để từ sau 2h15 lại có một đợt bán mới.

Nhịp cuối phiên áp lực bán mạnh hơn nhiều và đè giá liên tục. GAS chốt đợt khớp lệnh liên tục đã bị ép xuống 106.000 đồng, nhưng đóng cửa ATC còn bị xả tiếp xuống 104.000 đồng, chỉ còn tăng nhẹ 0,48%.

Như vậy bull-trap trong phiên của GAS lên tới trên 6%. Những nhà đầu tư đuổi giá sớm hôm nay đã lỗ ngay lập tức. Có thể mức lợi nhuận quá cao trong thời gian ngắn đã dẫn đến áp lực xả mạnh như vậy. Hơn 4 triệu GAS được sang tay hôm nay tương đương thu về 437,8 tỷ đồng.

Diễn biến của GAS dĩ nhiên có ảnh hưởng chung đến các cổ phiếu dầu khí. Tuy nhiên sức ép lại không giống nhau. Phần lớn các mã vẫn giữ được đà tăng tốt so với tham chiếu, dù không duy trì được ngưỡng cao nhất. PLX vẫn tăng 3,66%, PVC tăng 4,17%. Tuy nhiên PVD đã giảm 2,54%, PVS giảm 2,44%...

GAS bị ép mạnh trong phiên đã khiến VN-Index chao đảo. Mặc dù nhiều blue-chips tăng giá nhưng vốn hóa lớn để xếp vào nhóm điều tiết chỉ số thì không nhiều. SAB cũng suy yếu, thậm chí chiều nay còn trả lại thị trường tới 2,2% điểm tăng so với cuối phiên sáng, chốt phiên còn tăng có 0,52%.

Nhịp trượt dốc của VN-Index chiều nay gần như tương đồng với biến động trong hai lần xả ở cổ phiếu GAS. Tuy nhiên chỉ số này may mắn có lực đỡ từ HPG và VHM. Cả hai cổ phiếu lớn này đều tăng ngược nhịp giảm của GAS và các mã ngân hàng. Ví dụ HPG tăng vọt lúc 2h còn VHM được kéo bật tăng đợt ATC đúng lúc GAS bị ép sâu hơn. HPG chốt phiên tăng 3,93% trở thành trụ mạnh nhất của VN-Index thay thế GAS. VHM tăng 1,3%.

Ngân hàng vẫn tiếp tục là gánh nặng. Cổ phiếu dầu khí cũng có thể là ẩn số.
Ngân hàng vẫn tiếp tục là gánh nặng. Cổ phiếu dầu khí cũng có thể là ẩn số.

Cổ phiếu ngân hàng phần lớn tiếp tục giảm trong buổi chiều. Duy nhất SHB có biến động lạ đợt ATC. Giá đang tăng nhẹ 1,9% đột ngột đóng cửa tăng 8,05%. Nếu so với thời điểm giá cuối phiên sáng, chỉ có VPB và ACB bên sàn HoSE là có tiến triển. VPB phục hồi được 1,61% trong phiên chiều, nhưng chung cuộc vẫn giảm 1,41%. ACB hồi nhẹ 0,2%, thu hẹp mức giảm còn 1,59%.

Những cổ phiếu ngân hàng còn lại đều lao dốc sâu hơn buổi chiều, kể cả BID là mã duy nhất còn tăng giá ở sàn này. BID tụt giảm 1,01% so với cuối phiên sáng, đóng cửa tăng nhẹ 0,26%. CTG tụt sâu thêm 1,54%, chốt giảm 3,53%. VCB giảm 1,36%, TPB giảm 1,41%, TCB giảm 1,33%, STB giảm 1,62%, MBB giảm 1,28%...

Chỉ số VN30-Index đến cuối đợt khớp lệnh liên tục đã lao xuống dưới tham chiếu, nhưng đóng cửa lại được kéo lên vượt mốc này. Tuy còn giảm nhưng VPB là yếu tố quan trọng ở nhịp ATC vì giá từ 62.300 đồng được kéo bật lên 63.000 đồng, nghĩa là trong một lần khớp giá đã tăng 1,12%. VHM được kéo từ 77.400 đồng lên 78.000 đồng, nghĩa là cũng tăng 0,78% trong một lần khớp.

Nhóm cổ phiếu mạnh nhất hôm nay lại là các mã vốn hóa nhỏ. Chỉ số smallcap đóng cửa tăng 1,09% với 99 mã tăng/78 mã giảm. 13 mã trong rổ này tăng hết biên độ. Một số mã bắt đầu đột biến mạnh như SJD có đỉnh cao lịch sử mới, nhưng hầu hết là phục hồi kỹ thuật sau nhịp giảm vừa qua. Thanh khoản của rổ này cũng tăng 18% so với phiên liền trước và đạt mức cao nhất 5 phiên với 3.370 tỷ đồng.

Thanh khoản hôm nay cũng có sự gia tăng đáng kể ở cả hai sàn. HoSE khớp tăng 17,3%, đạt 21.336 tỷ đồng. HNX tăng 28,3%, đạt 3.163 tỷ đồng. Giao dịch gia tăng chủ yếu là nhờ cổ phiếu thép hút dòng tiền và cổ phiếu ngân hàng bị xả lớn. HPG khớp tới 2.489,6 tỷ đồng, mức cao nhất trong gần 3 tháng, giá tăng 3,93%. HSG cũng giao dịch 700 tỷ, giá tăng 4,06%; NKG giao dịch 521 tỷ, giá tăng 6,7%... Ngược lại các mã ngân hàng thanh khoản cao và giá đều rơi sâu như VPB, CTG, TPB, TCB. Trong top 10 thanh khoản sàn HoSE, toàn cổ phiếu thép và ngân hàng, nhưng giá hoàn toàn đối nghịch.

Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay bán ròng 343,5 tỷ đồng trên HoSE, tập trung vào CTG (-140 tỷ ròng), HPG (-128 tỷ). Nhóm VRE, VCB, HDB, VNM, BMI, STB, DGC bị bán ròng quanh 20 tỷ đồng. Phía mua có GAS +80 tỷ, VHM +53 tỷ, DHC +45 tỷ là đáng chú ý.