“Trùm” đầu cơ George Soros khen chính sách của ông Trump với Trung Quốc và Huawei
Ông Soros đưa ra lời khen hiếm hoi dành cho chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Trung Quốc và Huawei
Tỷ phú, "ông trùm" đầu cơ George Soros đưa ra lời khen hiếm hoi dành cho chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Trung Quốc và Huawei, nhưng cũng bày tỏ lo ngại rằng người đứng đầu Nhà Trắng sẽ tự làm suy yếu chính sách này.
Trong một bài viết đăng trên tờ Wall Street Journal ngày 10/9, ông Soros gọi chính sách của ông Trump đối với Trung Quốc là "nhất quán và thực sự được lòng cả hai đảng", là "thành tựu chính sách đối ngoại lớn nhất, và có lẽ duy nhất, của chính quyền ông Trump".
Đặc biệt, ông Soros cho rằng chính quyền ông Trump đã đúng khi đưa hãng công nghệ Trung Quốc Huawei vào "danh sách đen" như một nguy cơ an ninh quốc gia. Việc có mặt trong danh sách này đồng nghĩa Huawei bị cấm mua linh kiện và công nghệ Mỹ nếu không có sự cho phép của Bộ Thương mại Mỹ.
Bài viết của ông Soros gọi Trung Quốc là "một đối thủ nguy hiểm trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học", nhưng cho rằng khả năng của nước này cạnh tranh trên thị trường công nghệ viễn thông thế hệ tiếp theo (5G) gặp nhiều trở ngại bởi sự phụ thuộc của Huawei vào các công ty Mỹ.
"Chừng nào Huawei còn ở trong ‘danh sách đen’ của Mỹ, thì công ty này còn thiếu công nghệ chủ chốt và sẽ suy yếu đi nhiều", ông Soros viết.
Mặc dù vậy, ông Soros lo rằng ông Trump có thể đưa Huawei ra khỏi "danh sách đen" nhằm nhượng bộ Trung Quốc trong đàm phán thương mại. "Trùm" đầu cơ nói ông tin rằng ông Trump sẽ muốn dàn xếp những cuộc thương thuyết như vậy trước khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020.
Hiện Quốc hội Mỹ đang xem xét một dự luật nhằm ngăn ông Trump rút Huawei khỏi "danh sách đen" trừ phi có sự cho phép của Quốc hội. Tuy nhiên, ông Soros cho rằng ông Trump sẽ tìm cách chặn dự luật này.
"Nếu những người Cộng hòa để cho ông Trump cứu Huawei, thì chính họ sẽ từ bỏ một trong những nghĩa vụ dân chủ căn bản nhất của họ", vị tỷ phú 89 tuổi viết.
Ông Soros không loại trừ khả năng ông Trump dỡ trừng phạt Huawei, vì tiền lệ đã từng xảy ra với ZTE, một hãng thiết bị viễn thông Trung Quốc khác.
"Năm ngoái, ông Trump đã dỡ các hạn chế đối với ZTE, đối thủ nhỏ hơn của Huawei, sau một thời gian công ty này bị Mỹ trừng phạt vì vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ. Nếu ông Trump hành động tương tự với Huawei, đưa Huawei khỏi ‘danh sách đen’ nhằm đạt một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, thì công ty này có thể củng cố vị trí dẫn đầu trên thị trường 5G".
Với bài viết này, ông Soros là doanh nhân lớn hiếm hoi ủng hộ chính sách của ông Trump đối với Trung Quốc và Huawei. Trái lại, nhiều sếp doanh nghiệp và các chuyên gia kinh tế ở Mỹ đã bày tỏ quan điểm lo ngại về ảnh hưởng tiêu cực của thương chiến Mỹ-Trung đối với các công ty, người tiêu dùng và nên fkinh tế Mỹ.
Theo số liệu mà Huawei đưa ra, công ty này chi khoảng 11 tỷ USD để mua linh kiện và công nghệ Mỹ trong năm 2018, qua đó hỗ trợ khoảng 40.000 việc làm tại Mỹ.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Budapest ngày 10/9, Giám đốc an ninh Huawei Andy Purdy cho rằng để có một thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung, Mỹ cần đàm phán với Huawei.
"Liệu tôi có thể hình dung ra một thỏa thuận thương mại trong khi Chính phủ Mỹ không đồng ý đàm phán với chúng tôi? Không, tôi không thể", hãng tin Bloomberg dẫn lời ông Purdy.