Trung Quốc bất ngờ chuyển sang chính sách 3 con vì lo khủng hoảng dân số
Chính phủ Trung Quốc ngày 31/5 bất ngờ tuyên bố các cặp vợ chồng ở nước này có thể sinh 3 con...
Chính phủ Trung Quốc ngày 31/5 bất ngờ tuyên bố các cặp vợ chồng ở nước này có thể sinh 3 con – một thay đổi lớn và quan trọng từ chính sách 2 con hiện nay, sau khi thống kê cho thấy tỷ lệ sinh giảm nhanh ở quốc gia đông dân nhất thế giới.
Vào năm 2016, Trung Quốc xoá chính sách 1 con đã áp dụng gần 4 thập kỷ, thay bằng chính sách 2 con để ngăn ngừa lão hoá dân số - một tình trạng có thể đặt ra nhiều rủi ro cho nền kinh tế. Tuy nhiên, chính sách 2 con không đủ để kích dân số của Trung Quốc tăng trưởng như mong muốn của Bắc Kinh. Nhiều cặp vợ chồng trẻ ở nước này ngại sinh con vì chi phí nuôi trẻ ở các thành phố lớn rất đắt đỏ, và đây vẫn là thách thức chính trong vấn đề dân số ở Trung Quốc hiện nay.
“Tôi sẵn sàng sinh 3 con nếu bạn cho tôi 5 triệu Nhân dân tệ (gần 786.000 USD)” - một người dùng Weibo viết.
Chính sách 3 con mà Chính phủ Trung Quốc và công bố sẽ đi kèm với “những biện pháp hỗ trợ nhằm cải thiện cấu trúc dân số của đất nước, hoàn thành chiến lược quốc gia về chủ động ứng phó với lão hoá dân số” – thông tấn Tân Hoa Xã đưa tin sau một cuộc họp Bộ Chính trị do Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì.
Trong số những biện pháp được nêu, Trung Quốc sẽ giảm chi phí giáo dục cho các gia đình, đẩy mạnh hỗ trợ về thuế và nhà ở, đảm bảo lợi ích hợp pháp cho lao động nữ, và xử lý những đòi hỏi thái quá về của hồi môn. Ngoài ra, Chính phủ cũng dự kiến sẽ tăng cường giáo dục giới trẻ về tình yêu và hôn nhân.
Tỷ suất sinh của Trung Quốc trong năm 2020 chỉ là 1,3 trẻ/phụ nữ, số liệu mới nhất cho thấy. Con số này ngang với tỷ suất sinh ở những quốc gia lão hoá dân số như Nhật Bản và Italy, đồng thời thấp hơn nhiều so với mức 2,1 trẻ/phụ nữ cần thiết để đảm bảo dân số không bị già hoá.
“Các cặp vợ chồng không sinh thêm không chỉ vì giới hạn 2 con, mà còn bởi chi phí quá cao cho việc nuôi dạy con hiện nay ở Trung Quốc. Giá nhà ở, các hoạt động ngoại khoá, thực phẩm, các chuyến đi… tất cả đều tăng”, nhà xã hội học Yifei Li thuộc Đại học New York Thượng Hải nói với Reuters. “Theo quan điểm của tôi, việc nâng giới hạn về số con khó có thể làm thay đổi một cách đáng kể sự tính toán của mọi người”.
Trong một cuộc khảo sát do Tân Hoa Xã thực hiện trên tài khoản mạng xã hội Weibo, với hashtag #AreYouReady (bạn đã sẵn sàng chưa) với chính sách 3 con, 29.000/31.000 người trả lời nói họ “chưa bao giờ nghĩ đến”. Cuộc khảo sát sau đó đã bị xoá.
“Tôi sẵn sàng sinh 3 con nếu bạn cho tôi 5 triệu Nhân dân tệ (gần 786.000 USD)”, một người dùng viết.
“Chính sách sinh đẻ tự do hoàn toàn đáng ra phải được áp dụng từ 5 năm trước. Giờ đã quá muộn rồi, nhưng muộn còn hơn không” - chuyên gia kinh tế trưởng Shuang Ding của Standard Chartered ở Hồng Kông.
Kết quả điều tra dân số 10 năm thực hiện một lần mà Trung Quốc công bố vào đầu tháng 5 cho thấy dân số nước này trong thập kỷ vừa qua tăng chậm nhất từ thập niên 1950, đạt 1,41 tỷ dân. Tốc độ tăng này làm dấy lên lo ngại rằng Trung Quốc sẽ “già trước khi giàu”. Các nhà phê bình cho rằng Bắc Kinh đã quá chậm trễ trong việc giải quyết sự suy giảm của tỷ lệ sinh.
Việc đưa ra chính sách 3 con “chắc chắc là hướng đi đúng, nhưng vẫn còn hơi dè dặt”, chuyên gia kinh tế trưởng Shuang Ding của Standard Chartered ở Hồng Kông nói với Reuters. “Chính sách sinh đẻ tự do hoàn toàn đáng ra phải được áp dụng từ 5 năm trước. Giờ đã quá muộn rồi, nhưng muộn còn hơn không”.
Đến cuối năm ngoái, Trung Quốc vẫn còn áp dụng mức phạt 130.000 Nhân dân tệ (20.440 USD) đối với những cặp vợ chồng sinh con thứ ba – theo một thông báo của chính quyền thành phố Weihai.
Nỗi lo dân số bùng nổ khiến Trung Quốc đưa ra chính sách 1 con vào năm 1979. Chính sách này đã thành công trong việc kiềm chế tốc độ tăng dân số, nhưng cũng dẫn tới những hệ luỵ như lựa chọn giới tính thai nhi, làm trầm trọng tình trạng mất cân bằng giới tính vì tư tưởng “trọng nam khinh nữ”.
Một cuộc khảo sát công bố năm nay bởi Đại học Hàng Châu cho thấy chính sách 2 con của Trung Quốc được chào đón bởi những cặp vợ chồng khá giả đã sinh một con và ít nhạy cảm hơn với chi phí nuôi con. Trong khi đó, những cặp vợ chồng chưa sinh con vẫn rất ngại ngần với chi phí đắt đỏ.
“Tôi rất vui”, Su Meizhen – một nhà quản lý nhân sự ở Bắc Kinh đang mang thai con thứ 3 – phát biểu. “Chúng tôi sẽ không phải nộp phạt và sẽ có hộ khẩu”.