16:26 01/09/2017

Trung Quốc có thể sớm vượt Mỹ về trí tuệ nhân tạo

Bình Minh

Nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới đã nổi lên như một quốc gia hàng đầu thế giới về sử dụng trí tuệ nhân tạo để thúc đẩy kinh tế

Những con robot của Trung Quốc trong một triển lãm người máy ở Nhật Bản vào cuối năm 2016 - Ảnh: Bloomberg.<br>
Những con robot của Trung Quốc trong một triển lãm người máy ở Nhật Bản vào cuối năm 2016 - Ảnh: Bloomberg.<br>
Trung Quốc có nguồn lực và kế hoạch từ trên xuống đầy tham vọng để tạo ra một nền kinh tế lấy trí tuệ nhân tạo (AI) làm sức mạnh chỉ trong vòng vài năm tới - một báo cáo từ ngân hàng Goldman Sachs nhận định, đồng thời cho rằng Trung Quốc có thể sớm vượt qua Mỹ về AI.

Theo hãng tin CNBC, bản báo cáo mang tên “Sự nổi lên của Trung Quốc về trí tuệ nhân tạo” nói nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới đã nổi lên như một quốc gia hàng đầu thế giới về sử dụng AI để thúc đẩy kinh tế. Goldman nhận định Chính phủ và doanh nghiệp Trung Quốc đã nhận thấy AI là lĩnh vực lớn tiếp theo của sáng tạo.

“Chúng tôi tin rằng công nghệ AI sẽ trở thành một ưu tiên trong chương trình nghị sự của Chính phủ Trung Quốc, và chúng tôi dự báo Trung Quốc sẽ có thêm chính sách và ngân sách hỗ trợ của trung ương và địa phương cho AI”, báo cáo có đoạn viết.

AI hiện đang phát triển với tốc độ nhanh chóng trên thế giới, từ những ứng dụng điện thoại đơn giản có thể thông báo thời tiết, cho tới những thuật toán phức tạp có thể dễ dàng đánh bại con người trong môn cờ tỷ phú.

Những công ty công nghệ hàng đầu thế giới như Google và Microsoft đã chi những khoản tiền lớn vào nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực AI. Máy móc được nhập những khối lượng dữ liệu lớn và dạy những tác vụ cụ thể, cho phép các công ty tạo ra những phần mềm có khả năng tự học và trở nên thông minh hơn.

Hiện nay, Mỹ vẫn đang được coi là quốc gia dẫn đầu về AI, nhưng các nước khác cũng đang tiến nhanh trong lĩnh vực này. Trung Quốc, nước có những công ty công nghệ lớn như Baidu, Alibaba và Tencent, là một trong số những quốc gia như vậy.

Hồi tháng 7, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc ban hành đường lối phát triển AI và đặt mục tiêu đưa nước này trở thành một trung tâm sáng tạo toàn cầu về AI vào năm 2030. Kế hoạch dự kiến tổng sản lượng kinh tế mà AI tạo ra mỗi năm vượt mức 1 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tương đương gần 148 tỷ USD.

Báo cáo của Goldman cho rằng có 4 lĩnh vực cần phát triển để tạo ra giá trị về AI, bao gồm nhân tài, dữ liệu, hạ tầng và năng lực điện toán. Theo Goldman, Trung Quốc đã có nhân tài, dữ liệu và hạ tầng cần thiết để nắm bắt toàn diện AI.

Để thu hút nhân tài, các công ty công nghệ lớn của Mỹ đã mở trung tâm nghiên cứu tại nhiều nơi trên thế giới. Các công ty Trung Quốc cũng đã học theo các làm tương tự, mở trung tâm nghiên cứu tại Thung lũng Silicon và đưa ra mức lương hấp dẫn không kém những gì mà các công ty Mỹ trả - theo báo cáo.

Về dữ liệu, dân số lớn nhất thế giới của Trung Quốc, trong đó đa phần kết nối Internet, giúp nước này có lợi thế về sinh dữ liệu. Ngoài ra, các công ty Internet lớn của Trung Quốc có các hệ sinh thái trực tuyến toàn diện ngày càng thâm nhập sâu vào đời sống hàng ngày của người dùng, giúp tạo ra những khối lượng dữ liệu lớn, Goldman nhận xét.

“Trung Quốc hiện sản sinh khoảng 13% thông tin số trên toàn cầu. Chúng tôi cho rằng đến năm 2020, con số này sẽ tăng lên mức khoảng 20-25%”, báo cáo có đoạn viết.

Về hạ tầng, hầu hết các công ty lớn trong lĩnh vực nghiên cứu AI để chọn các nền tảng mã nguồn mở để thu hút nguồn lực và nhân tài vào hệ sinh thái của họ. Theo Goldman, các công ty Trung Quốc cũng đang đi theo xu hướng này.

Về năng lực điện toán, Goldman cho rằng Trung Quốc còn “phụ thuộc nhiều vào nhà cung cấp nước ngoài” về bộ vi xử lý, nhưng đã đạt được “tiến bộ đang khích lệ” trong lĩnh vực chất bán dẫn và sự phụ thuộc này sẽ giảm dần theo thời gian.

Theo báo cáo, những lợi ích ban đầu của AI ở Trung Quốc sẽ rơi vào nhóm BAT, bao gồm 3 “ông lớn” là Baidu, Alibaba, và Tencent. Đó là do các công ty này sở hữu những bộ dữ liệu lớn, riêng biệt, và có đủ nguồn lực để tận dụng lợi thế của AI.