15:46 12/08/2011

Trung Quốc đã tỉnh giấc mộng tàu cao tốc?

Hồng Ngọc

Trung Quốc gần đây đã liên tục có những động thái xốc lại hình ảnh hệ thống đường sắt cao tốc của nước này

Quang cảnh vụ tai nạn đường sắt thảm khốc ở Ôn Châu - Ảnh: THX.
Quang cảnh vụ tai nạn đường sắt thảm khốc ở Ôn Châu - Ảnh: THX.
Hôm nay (12/8), tập đoàn China CNR Corp. Ltd. của Trung Quốc tuyên bố triệu hồi 54 tàu cao tốc để tiến hành sửa chữa. Đây là diễn biến mới nhất trong một loạt động thái gần đây của Trung Quốc nhằm xốc lại hình ảnh đường sắt cao tốc của nước này, sau vụ tai nạn hồi cuối tháng 7.

Hôm 23/7, một tai nạn đường sắt cao tốc thảm khốc đã xảy ra tại thị trấn Song Tự, thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang. Đoàn tàu cao tốc D301 đâm vào phía sau đoàn tàu D3115 chạy cùng hướng. Đoàn tàu D3115 được cho là bị sét đánh trước đó, khiến dừng đột ngột trên một cây cầu cạn.

Bộ Đường sắt Trung Quốc cho biết 2 toa của tàu D3115 và bốn toa của tàu D301 đã bị trật khỏi đường ray. Bốn toa của tàu D301 đã rơi khỏi cầu từ độ cao 20 đến 30 m xuống mặt đất phía dưới. Một trong số đó rơi theo phương thẳng đứng, đập mạnh vào cầu cạn.

Vụ tai nạn thảm khốc đã khiến 40 người thiệt mạng, gần 200 người khác bị thương và một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự phát triển quá ồ ạt, cũng như về khả năng đảm bảo độ an toàn của ngành đường sắt ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Hôm 10/8 vừa qua, Chính quyền Trung Quốc đã ra lệnh ngưng tất cả dự án đường sắt mới. Thủ tướng Ôn Gia Bảo nói rằng, Trung Quốc phải “giảm hợp lý tốc độ trung bình của các tàu cao tốc ở giai đoạn hoạt động ban đầu”.

Ông cho biết một nhóm công tác do Quốc Vụ viện thành lập sẽ điều tra đầy đủ nguyên nhân vụ tai nạn Ôn Châu. Nước này sẽ tái thẩm định các dự án đường sắt đã được phê duyệt nhưng chưa triển khai, đồng thời ngưng cấp phép các dự án đường sắt mới.

Bên cạnh đó, Trung Quốc sẽ giảm tốc độ tàu cao tốc và kiểm tra an toàn đối với tất cả các tuyến đường sắt cao tốc đã đi vào hoạt động hoặc đang được xây dựng. Bộ Đường sắt thông báo, các tàu cao tốc được thiết kế tốc độ tối đa 350 km/giờ và 250 km/giờ sẽ phải giảm còn 300 km/giờ và 200 km/giờ.

Vụ triệu hồi của China CNR Corp. Ltd. công bố hôm nay (12/8), hai ngày sau các động thái trên, được coi là một dấu hiệu mới cho thấy quan điểm của giới lãnh đạo Trung Quốc vê tàu cao tốc đang thay đổi và Bắc Kinh sẽ kiềm chế bớt đà tăng trưởng nóng của mạng lưới tàu cao tốc của quốc gia này.

Trung Quốc vốn nuôi tham vọng nối liền các khu vực của đất nước mênh mông rộng lớn này bằng hệ thống đường sắt cao tốc và muốn bán kỹ thuật tàu cao tốc cho thế giới bên ngoài. Hiện Trung Quốc đang sở hữu mạng lưới đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới và được xây dựng với tốc độ kỷ lục.

Theo kế hoạch 5 năm lần thứ 12, Trung Quốc dự kiến xây dựng thêm 8.000 km đường sắt cao tốc, chi thêm 3.500 tỷ Nhân dân tệ trong vòng 5 năm tới, nhằm nâng tổng chiều dài đường sắt cao tốc của nước này tới năm 2015 lên 16.000 km.

Bộ trưởng Bộ Đường sắt bị cách chức Lưu Chí Quân từng tuyên bố sẽ tạo ra một mạng lưới đường sắt cao tốc có công nghệ toàn diện nhất, khả năng phục vụ được nhiều người nhất, khoảng cách vận hành xa nhất, vận tốc nhanh nhất và quy mô xây dựng lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, chiến lược đại nhảy vọt của ngành đường sắt Trung Quốc đã hứng chịu vô số lời chỉ trích về chất lượng, giá vé. Tần suất những lời phàn nàn càng dày đặc hơn sau hàng loạt sự cố dừng tàu, hủy chuyến sau khi tuyến Bắc Kinh - Thượng Hải, thành tựu công nghệ của Trung Quốc, được đưa vào khai thác không bao lâu.

Theo thông báo của China CNR Corp. Ltd. được công bố hôm nay trên Sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải, đợt triệu hồi này áp dụng với các đoàn tàu CRH380BL được sử dụng trên tuyến đường cao tốc trên, mới được đưa vào khai thác chính thức hôm 30/6 vừa qua.

Trước đó, tập đoàn này khẳng định, hệ thống phanh tự động của CRH380BL là nguyên nhân gây trễ chuyến trên tuyến Bắc Kinh - Thượng Hải. Các tàu này lắp đặt bộ cảm ứng gửi các cảnh báo để tàu tự động chạy chậm lại. Song, báo chí nói hệ thống này khiến tàu chạy chậm và dừng ngay cả những lúc không cần thiết.

Tuy nhiên, vụ tai nạn Ôn Châu là "giọt nước tràn ly" khi phải hứng chịu vô số lời chỉ trích. Dẫu vậy, giới phân tích cho rằng, đây chỉ là “phần nổi của một tảng băng chìm” chủ quan duy ý chí, chạy theo thành tích và phớt lờ những tiêu chuẩn an toàn của ngành đường sắt cao tốc Trung Quốc.

Hãng tin BBC dẫn lời Ingrid Wei, một nhà phân tích cơ sở hạ tầng thuộc công ty Credit Suisse ở Thượng Hải tiết lộ, “việc tăng tốc xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc bị chỉ trích rất nhiều. Các chuyên gia cảnh báo rằng có thể xảy ra một số vấn đề trong khâu vận hành sau này”.

Thậm chí, Trung Quốc còn phớt lờ cảnh báo của Nhật về tham vọng mở rộng hệ thống tàu cao tốc trong thời gian quá ngắn ngủi. “Người Nhật nhiều lần cảnh báo Trung Quốc về việc mở rộng quy mô của hệ thống tàu cao tốc trong thời gian quá gấp rút”, Ông Allistair Thornton thuộc công ty tư vấn IHS Global tiết lộ.