12:16 25/06/2021

Trung Quốc “đau đầu” vì  hơn 1 nghìn tỷ USD tiền gửi ngoại tệ trong ngân hàng

An Huy

Lượng tiền gửi ngoại tệ tại các ngân hàng Trung Quốc lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 1 nghìn tỷ USD, tạo ra một cơ hội để Bắc Kinh tự do hoá tài khoản vốn, nhưng cũng đặt ra thách thức không nhỏ đối với nước này...

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Lượng tiền gửi ngoại tệ tại các ngân hàng Trung Quốc lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 1 nghìn tỷ USD, tạo ra một cơ hội để Bắc Kinh tự do hoá tài khoản vốn, nhưng cũng đặt ra thách thức không nhỏ đối với nước này – theo hãng tin Bloomberg.

Sự vững vàng của nền kinh tế Trung Quốc và xu hướng tăng giá của đồng Nhân dân tệ đã thu hút nhà đầu tư nước ngoài mua ròng kỷ lục trái phiếu và cổ phiếu Trung Quốc trong một năm qua. Bên cạnh đó, nhu cầu bùng nổ của thị trường thế giới đối với hàng hoá của Trung Quốc cũng đồng nghĩa các nhà xuất khẩu của nước này thu về nhiều ngoại tệ hơn trước.

 
“Dòng vốn chảy mạnh vào Trung Quốc mở ra một cánh cửa thuận lợi để Trung Quốc tiến hành các cải cách tài khoản vốn và nới lỏng sự kiểm soát vốn theo cả chiều ra và chiều vào”.
Chiến lược gia Linan Liu thuộc Deutsche Bank ở Hồng Kông.

Số liệu mới nhất được công bố cho thấy lượng tiền gửi ngoại tệ tại các ngân hàng Trung Quốc tăng thêm 260 tỷ USD trong vòng 12 tháng tính đến hết tháng 5 vừa qua, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2002.

Lượng ngoại tệ ồ ạt chảy vào Trung Quốc đã thử thách độ kiên nhẫn của Chính phủ nước này với sự tăng giá của Nhân dân tệ. Đồng nội tệ của Trung Quốc hiện đang gần mức cao nhất 5 năm so với rổ tiền tệ. Việc Nhân dân tệ tăng giá làm gia tăng tính cấp bách của việc Trung Quốc cải tổ thị trường ngoại hối và nới lỏng các biện pháp kiểm soát vốn. Những thay đổi như vậy sẽ giúp giảm bớt lượng thanh khoản ngoại tệ, hạn chế đà tăng của nội tệ, và mang lại một thị trường tài chính tự do hơn, theo Bloomberg.

“Dòng vốn chảy mạnh vào Trung Quốc mở ra một cánh cửa thuận lợi để Trung Quốc tiến hành các cải cách tài khoản vốn và nới lỏng sự kiểm soát vốn theo cả chiều ra và chiều vào”, chiến lược gia Linan Liu thuộc Deutsche Bank ở Hồng Kông nhận định. “Tôi dự báo Trung Quốc sẽ tiếp tục nới lỏng kiểm soát dòng vốn theo các chương trình đầu tư”.

Ở thời điểm cuối tháng 5, các ngân hàng thương mại Trung Quốc nắm lượng ngoại tệ kỷ lục 1,38 nghìn tỷ USD, trong đó phần lớn là tiền gửi – Ngân hàng Trung ương nước này (PBOC) cho biết. Các ngân hàng sử dụng phần lớn lượng ngoại tệ này để cấp vốn vay trong và ngoài nước, theo dữ liệu. Cũng trong tháng 5, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đạt mức có nhất 5 năm.

Lượng ngoại tệ khổng lồ được tích tụ là kết quả của những dòng vốn chảy mạnh vào Trung Quốc. Nhà đầu tư nước ngoài đã mua 1 nghìn tỷ Nhân dân tệ (154 tỷ USD) trái phiếu Trung Quốc trong vòng 1 năm qua, do sức hấp dẫn của lợi suất tương đối cao của trái phiếu Nhân dân tệ so với các loại trái phiếu khác. Ngoài ra, xuất khẩu của Trung Quốc cũng liên tục tăng mạnh và thặng dư thương mại của nước này đạt kỷ lục. Giá trị xuất khẩu tháng 5 của nước này tính bằng USD tăng khoảng 28% so với cùng kỳ năm ngoái, thặng dư thương mại đạt 45,5 tỷ USD.

Do lượng ngoại tệ chảy vào lớn, lãi suất tiền gửi USD ở Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp kỷ lục, chỉ bằng khoảng 1/3 so với lãi suất tương tự ở Mỹ. Điều này càng khuyến khích các nhà giao dịch mua vào Nhân dân tệ - xu hướng khiến Bắc Kinh lo ngại vì Nhân dân tệ càng tăng giá thì dòng tiền nóng càng chảy mạnh vào Trung Quốc và các nhà xuất khẩu của nước này càng thiệt hại.

PBOC đã triển khai các biện pháp để giảm thanh khoản USD, bao gồm nới các biện pháp kiểm soát vốn được áp dụng sau cú phá giá đồng tiền cách đây 6 năm. PBOC cũng đã nâng hạn ngạch (quota) cho nhà đầu tư trong nước mua tài sản nước ngoài lên mức cao kỷ lục trong tháng 6, và dự kiến sẽ thiết lập một liên kết giao dịch cho các sản phẩm đầu tư tài chính phục vụ giới giàu giữa đại lục và Hồng Kông.

 
Lượng ngoại tệ ồ ạt chảy vào Trung Quốc đã thử thách độ kiên nhẫn của Chính phủ nước này với sự tăng giá của Nhân dân tệ.

“Một số quan chức Trung Quốc có thể xem lượng thanh khoản ngoại tệ lớn là tin tốt, một số có thể lo lắng”, chuyên gia Georgia Magnus thuộc trung tâm nghiên cứu về Trung Quốc thuộc Đại học Oxford phát biểu. “Dòng vốn chảy vào là tốt, nhưng cũng có nguy cơ gây mất ổn định tài chính khí dòng vốn chảy đi”.

Cũng theo ông Magnus, sự gia tăng lượng tiền gửi ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng Trung Quốc có thể chỉ là tạm thời và sẽ chậm lại khi các nền kinh tế khác phục hồi từ đại dịch. Nếu xu hướng này duy trì, đó sẽ là cơ hội để Trung Quốc thực thi các cải cách và nới lỏng việc kiểm soát dòng vốn chảy qua biên giới, ông Magnus nhấn mạnh.

Đồng quan điểm trên, chiến lược gia Becky Liu thuộc Standard Chartered ở Hồng Kông cho rằng Trung Quốc “sẽ nhân cơ hội thanh khoản USD dồi dào để đưa các dòng vốn xuyên biên giới tới một trạng thái cân bằng hơn. Trong 2-3 năm tới, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc sẽ nới lỏng các kênh cho vốn chảy khỏi nước này”.