Trung Quốc dự kiến chi đến 38 tỷ USD vào công cụ sản xuất bán dẫn
Tuy nhiên, khoản đầu tư của Trung Quốc dự kiến sẽ giảm khoảng 3 tỷ USD so với năm ngoái…
![TechInsights dự báo rằng Trung Quốc sẽ giảm đầu tư vào thiết bị sản xuất chất bán dẫn từ 41 tỷ USD vào năm 2024 xuống còn 38 tỷ USD - Ảnh: SMIC.](https://media.vneconomy.vn/w800/images/upload/2025/02/14/vzlayyy5udjqdzqfqfixyv-970-80.jpg)
Mỗi năm, Trung Quốc đều sẵn sàng đầu tư hàng tỷ USD để mua sắm tích trữ các thiết bị sản xuất chip với lo ngại Mỹ ngày càng siết chặt các hạn chế xuất khẩu. Tuy nhiên, trước dự báo dư thừa công suất và doanh số sụt giảm, khoản đầu tư của nước này dự kiến cũng sẽ bị hạn chế trong năm nay.
SMIC, công ty sản xuất bán dẫn lớn nhất Trung Quốc gần đây đã cảnh báo về nguy cơ dư cung. Nguyên nhân chính lại đến từ sự suy giảm nhu cầu đối với thiết bị điện tử tiêu dùng.
Theo đó, TechInsights dự báo Trung Quốc sẽ giảm đầu tư vào thiết bị sản xuất chất bán dẫn từ 41 tỷ USD vào năm 2024 xuống còn 38 tỷ USD, tương đương mức giảm 6%.
Dù mức giảm 3 tỷ USD là con số rất đáng chú ý, nhưng với tổng chi tiêu dự kiến 38 tỷ USD trong năm nay, Trung Quốc vẫn duy trì vị thế là thị trường lớn nhất thế giới về thiết bị chế tạo wafer, vượt qua Đài Loan, Hàn Quốc và Mỹ.
Năm 2023, các công ty Trung Quốc đã chi tổng cộng 36,6 tỷ USD để mua wafer, trong khi các doanh nghiệp Hàn Quốc chi 16,94 tỷ USD và Đài Loan mua thiết bị trị giá 19,62 tỷ USD. Trong khi đó, các nhà sản xuất bán dẫn tại Mỹ chỉ chi khoảng 12,05 tỷ USD.
Mặc dù hiện nay, Trung Quốc chủ yếu vẫn tập trung sản xuất các công nghệ xử lý cũ như chip 28nm, 45nm, 90nm và 130nm. Thế nhưng, thời gian vừa qua, nước này đã khiến thế giới chấn động với hàng loạt bước tiến mới trong sản xuất chip hay phát triển AI, bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ hạn chế đáng kể khả năng tiếp cận với các công nghệ sản xuất bán dẫn tiên tiến.
Các nhà phân tích tại Tomshardware chỉ ra các nhà phân tích quốc tế thường chỉ đo lường chi tiêu của Trung Quốc cho mua sắm thiết bị từ nước ngoài, mà ít chú ý đến sự phát triển nhanh chóng của các nhà cung cấp thiết bị chế tạo wafer tại chính Trung Quốc.
Các công ty như AMEC và Naura—vốn chuyên về thiết bị khắc và lắng đọng hơi hóa học (CVD) đang sản xuất các công cụ đạt tiêu chuẩn quốc tế và dần cạnh tranh với những tên tuổi lớn như Applied Materials, KLA và Lam Research ngay trên sân nhà.
Tuy nhiên, nhìn chung, Trung Quốc vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản trong nỗ lực tự chủ chuỗi cung ứng bán dẫn, nhất là còn phụ thuộc vào các nhà cung cấp máy in thạch bản từ phương Tây. Theo đó, các nhà sản xuất chip của Trung Quốc vẫn đang phải nhập khẩu thiết bị từ ASML, Canon và Nikon, do nhà cung cấp máy in thạch bản Trung Quốc, Thiết bị Điện tử Vi mô Thượng Hải (SMEE) mới chỉ sản xuất được máy lithography phù hợp với công nghệ xử lý từ 90nm trở lên.
Dù công ty này đã lên kế hoạch cung cấp máy quét mức 28nm vào năm 2023, Trung Quốc vẫn chưa thể bắt kịp các đối thủ hàng đầu trong ngành thời điểm hiện tại. Chưa kể nước này cũng đang tụt hậu trong mảng kiểm tra và lắp ráp thiết bị bán dẫn. Theo TechInsights, năm 2023, các công ty Trung Quốc chỉ cung cấp 17% công cụ thử nghiệm và 10% máy lắp ráp được sử dụng trong nước.
Mặc dù dự kiến sẽ giảm mua sắm thiết bị sản xuất chip vào năm 2025, Trung Quốc vẫn duy trì vị thế là khách hàng lớn nhất trong lĩnh vực này. Nguyên nhân chính là vì Trung Quốc cần nó để xây dựng các cơ sở chuyên sản xuất chip nút trưởng thành.
Dự kiến khi các nhà máy này đi vào hoạt động, Trung Quốc sẽ sở hữu năng lực sản xuất đáng gờm, có thể tràn ngập thị trường với các loại chip phổ thông như IC trình điều khiển hiển thị (DDIC) và IC quản lý năng lượng (PMIC), tạo ra áp lực cạnh tranh lớn đối với các doanh nghiệp từ mọi thị trường dẫn đầu hiện nay như Mỹ hay Hàn Quốc.