09:18 15/10/2019

Trung Quốc muốn đàm phán thêm trước khi ký thỏa thuận với Mỹ

An Huy

Những tuyên bố từ phía Mỹ và Trung Quốc sau vòng đàm phán tuần trước cho thấy hai bên còn nhiều khác biệt

Các nhà đàm phán thương mại cấp cao nhất của Mỹ và Trung Quốc. Từ trái qua: Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer, và Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc - Ảnh: Reuters.
Các nhà đàm phán thương mại cấp cao nhất của Mỹ và Trung Quốc. Từ trái qua: Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer, và Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc - Ảnh: Reuters.

Trung Quốc muốn đàm phán thêm trong tháng này để vạch ra chi tiết của thỏa thuận thương mại "giai đoạn 1" với Mỹ trước khi lãnh đạo hai nước đặt bút ký - nguồn thạo tin tiết lộ với hãng tin Bloomberg.

Nguồn tin nói rằng Bắc Kinh có thể cử một phái đoàn do Phó thủ tướng Lưu Hạc - nhà đàm phán thương mại cấp cao nhất của nước này - hoàn tất một văn kiện thỏa thuận để Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump có thể ký kết tại thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở Chile vào tháng 11.

Nguồn tin cũng nói Trung Quốc muốn ông Trump hoãn kế hoạch áp thuế quan bổ sung lên hàng hóa Trung Quốc vào tháng 12, sau khi ông đã hoãn kế hoạch tăng thuế lẽ ra bắt đầu vào ngày 14/10. Tuy nhiên, đây là một việc mà chính quyền ông Trump dường như chưa sẵn sàng.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin CNBC, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin ngày 14/10 nói rằng vòng áp thuế quan tiếp theo lên hàng hóa Trung Quốc sẽ được thực thi vào ngày 15/12 như đã định nếu từ nay đến thời điểm đó hai bên không ký kết được thỏa thuận nào.

Những tuyên bố từ phía Mỹ và Trung Quốc sau vòng đàm phán tuần trước cho thấy hai bên còn nhiều khác biệt về nội dung thỏa thuận và khả năng ký kết thỏa thuận.

Ông Trump nói "chúng tôi đã đạt một thỏa thuận, gần như là thế, và đang soạn thành văn kiện", đồng thời cho biết có thể mất thêm vài tuần đàm phán để ký kết.

Bộ Thương mại Trung Quốc chỉ nói "hai bên đã đạt bước tiến quan trọng" và "nhất trí hợp tác theo hướng đi tới một thỏa thuận cuối cùng". Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Geng Shuang ngày 14/10 nói hy vọng "Mỹ sẽ hợp tác với Trung Quốc và hai bên sẽ gặp nhau ở điểm giữa".

Thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã thậm chí còn không đề cập đến một thỏa thuận nào.

Ông Hu Xijin, Tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu, viết trên mạng xã hội Twitter rằng "đàm phán thương mại Mỹ-Trung có bước đột phá trong tuần tới và hai bên đều có ý chí mạnh mẽ để đạt tới một thỏa thuận cuối cùng.

Những tuyên bố có phần khác biệt từ Washington và Bắc Kinh khiến giới đầu tư nghi ngờ liệu hai bên có thực sự đạt một cú đột phá sau một năm rưỡi thương chiến. Số liệu do Hải quan Trung Quốc công bố ngày 14/10 cho thấy xuất, nhập khẩu của Trung Quốc cùng giảm mạnh trong tháng 9, phản ánh sức ép gia tăng đối với ông Trump và ông Tập phải đạt tới một thỏa thuận để ngăn sự giảm tốc trên diện rộng của nền kinh tế toàn cầu.

Theo nhận định của Bloomberg, Trung Quốc ngày càng "cảnh giác" với bất kỳ tuyên bố nào từ ông Trump. Niềm tin giữa hai bên đã hứng chịu một cú sốc lớn vào tháng 5/2018, khi ông Trump bất ngờ quay lưng lại một thỏa thuận mà các nhà đàm phán Mỹ-Trung đã nhất trí, trong đó có nội dung Trung Quốc sẽ mua thêm năng lượng và nông sản Mỹ để thu hẹp chênh lệch cán cân thương mại. Tiếp đó, trong tháng 8, ông Trump tiếp tục gây nhiều nghi ngờ khi tuyên bố rằng quan chức Trung Quốc đã gọi điện cho phía Mỹ và đền nghị tái khởi động đàm phán.

Bloomberg cũng cho rằng đối với ông Tập, việc chấp nhận một thỏa thuận mà trong đó Mỹ không dỡ hoàn toàn thuế quan trừng phạt đối với hàng hóa Trung Quốc là điều không khả thi. Bởi lẽ, một thỏa thuận như vậy sẽ bị xem là sự đối xử không công bằng với Trung quốc.

"Mỹ phải rút lại lời đe dọa áp thuế vào tháng 12 nếu họ muốn ký một thỏa thuận với Trung Quốc ở thượng định APEC, nếu không thỏa thuận sẽ là một sự xỉ nhục đối với Trung Quốc", ông Huo Jianguo, một cựu quan chức Bộ Thương mại Trung Quốc, nhận định. "Mỹ đã có một vài động thái thiện chí, nhưng chúng tôi muốn loại bỏ hoàn toàn khả năng họ thay đổi".