09:57 25/11/2010

Trung Quốc quyết tâm thắt chặt tín dụng

Diệp Anh

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) sẽ tiếp tục sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ để quản lý thanh khoản

Trung Quốc cố gắng kiềm chế lạm phát - Ảnh: Getty.
Trung Quốc cố gắng kiềm chế lạm phát - Ảnh: Getty.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) sẽ tiếp tục sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ sẵn có để quản lý thanh khoản, hướng dòng tiền đầu tư và tăng trưởng tín dụng trở lại mức bình thường.

Trong tuyên bố đưa ra hôm qua (24/11), bà Hu Xiaolian, Phó thống đốc PBOC cho hay, Trung Quốc đang đối mặt với thách thức khó kiềm chế chỉ tiêu cho vay mới trong năm nay dưới 7.500 tỷ Nhân dân tệ (1.130 tỷ USD).

Hiện, các ngân hàng lớn nhất Trung Quốc gần đạt hạn ngạch cho vay hàng năm. Theo số liệu thống kê của PBOC, tính tới hết tháng 10, các ngân hàng nội địa Trung Quốc đã cho vay mới khoảng 6.900 tỷ Nhân dân tệ.

Các nhà điều tiết đang theo dõi hàng ngày số dư cho vay của các ngân hàng để đảm bảo mục tiêu cho vay mới 7.500 tỷ Nhân dân tệ trong năm 2010 không bị vượt quá.

Ngân hàng Công thương Trung Quốc, Ngân hàng Trung Quốc và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc hiện chỉ cho vay mới khi những khoản vay hiện có được hoàn trả hết.

Tuy nhiên, tờ 21st Century Business Herald tiết lộ, các ngân hàng tại Trung Quốc trong tháng 11 đã cấp các khoản vay 600 tỷ Nhân dân tệ. Như vậy, tổng giá trị khoản vay của các ngân hàng Trung Quốc sẽ chạm mức 7.500 tỷ Nhân dân tệ vào cuối tháng này.

Theo ước tính của Sanford C. Bernstein & Co, Chính phủ Trung Quốc có thể hạn chế các khoản cho vay mới xuống còn 6.600 tỷ Nhân dân tệ vào năm 2011, giảm 12% so mục tiêu năm nay. Công ty này dự báo, cho vay mới năm 2010 sẽ đạt 7.700 tỷ Nhân dân tệ.

Theo bà Hu, chi phí nhân công tăng, giá hàng hóa tăng và dòng vốn lớn quá mức đang làm tăng dự báo lạm phát. Vấn đề chính trong chính sách tiền tệ hiện nay là tăng cường quản lý thanh khoản, đây cũng là phương cách để bình thường hóa tình hình tiền tệ.

Theo chuyên gia của Standard Chartered Plc tại Thượng Hải, lo ngại hàng đầu của Bắc Kinh là dòng vốn lớn quá mức đổ vào nước này và lạm phát giá tài sản tăng cao. Do đó, quan điểm chính sách chuyển từ điều tiết sang thận trọng, thắt chặt.

Ông Zhang Ping, người đứng đầu cơ quan hoạch định chính sách kinh tế lớn nhất tại Trung Quốc, dự báo lạm phát năm nay sẽ vượt mức mục tiêu 3% của chính phủ. Lạm phát của Trung Quốc đã tăng 4,4% trong tháng 10, nhanh nhất trong hơn 2 năm qua.

Các ngân hàng, tổ chức tài chính lớn của thế giới cũng đều đã nâng dự báo lạm phát năm 2011 của Trung Quốc. Standard Chartered dự báo lạm phát tại Trung Quốc năm 2010 tăng 5,5% còn UBS AG dự báo chỉ số giá tiêu dùng sẽ tăng khoảng 4,5%.

Trong tháng này, Trung Quốc đã hai lần nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc với các ngân hàng, đồng thời cam kết kiểm soát giá cả. Tháng trước, chính phủ Trung Quốc đã đẩy mạnh chiến dịch hạn chế mở rộng tín dụng sau khi lạm phát và giá bất động sản tăng mạnh.

Tờ China Business News trích dẫn một nguồn tin tư vấn chính sách cho biết, Trung Quốc có thể đặt mức lạm phát mục tiêu 4% vào năm tới và đề xuất thắt chặt chính sách tiền tệ trong phiên họp kinh tế thường niên của chính phủ vào cuối năm.