14:40 17/08/2022

Trung Quốc: Sóng nhiệt mạnh nhất 60 năm khiến loạt nhà máy đóng cửa, mức độ ảnh hưởng lớn thế nào?

Phương Linh

Tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc vừa ra lệnh đóng cửa tất cả các nhà máy trên địa bàn trong 6 ngày để giảm bớt tình trạng thiếu điện trong bối cảnh một đợt nắng nóng nghiêm trọng đang càn quét trên khắp nước này...

Theo báo chí Trung Quốc, sông Dương Tử, con sông dài nhất châu Á, ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, chưa chứng kiến mực nước thấp như thế này kể từ năm 1865 - Ảnh: Imaginechina
Theo báo chí Trung Quốc, sông Dương Tử, con sông dài nhất châu Á, ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, chưa chứng kiến mực nước thấp như thế này kể từ năm 1865 - Ảnh: Imaginechina

Theo CNN, Tứ Xuyên là một trung tâm sản xuất quan trọng của ngành công nghiệp bán dẫn và tấm năng lượng mặt trời của Trung Quốc. Việc phân bổ điện theo định mức tại tỉnh này được dự báo sẽ ảnh hưởng lớn tới các nhà máy của những hãng điện tử lớn nhất thế giới đang đặt tại đây, bao gồm Foxconn và Intel.

Tứ Xuyên cũng là một trung tâm khai thác lithium – linh kiện quan trọng trong pin xe điện. Do đó, việc các nhà máy phải đóng cửa có thể đẩy chi phí vật liệu thô này tăng lên.

Trung Quốc đang đối mặt đợt sóng nhiệt khắc nghiệt nhất 60 năm với nhiệt độ vượt 40 độ C tại nhiều thành phố. Nắng nóng gay gắt khiến nhu cầu sử dụng điều hòa nhiệt độ tại các văn phòng và nhà ở tăng vọt, gây áp lực lớn với mạng lưới điện của quốc gia này. Cùng với đó, tình trạng hạn hán cũng làm cạn kiệt nước tại các dòng sông, khiến sản lượng điện của các nhà máy thủy điện sụt giảm.

Tứ Xuyên đang trải qua đợt nắng nóng gay gắt nghiêm trọng nhất 60 năm - Ảnh: CNN
Tứ Xuyên đang trải qua đợt nắng nóng gay gắt nghiêm trọng nhất 60 năm - Ảnh: CNN

Là một trong những tỉnh lớn nhất Trung Quốc với 84 triệu dân, Tứ Xuyên đã yêu cầu 19 trên 21 thành phố của tỉnh dừng hoạt động tất cả các nhà máy tới thứ Bảy tuần này, theo một thông báo khẩn được chính quyền tỉnh ngày 14/8.

Quyết định trên được đưa ra nhằm đảm bảo cung ứng đủ điện cho nhu cầu sử dụng của các hộ gia đình.

Nằm ở phía Tây Nam và cũng là một trung tâm thủy điện quan trọng của cả nước, Tứ Xuyên đang trải qua đợt nắng nóng và hạn hán khắc nghiệt từ tháng 7 đến nay. Từ ngày 7/8, đợt sóng nhiệt tại tỉnh này càng nghiêm trọng hơn, đến mức “khắc nghiệt nhất trong vòng 6 thập kỷ” và lượng mưa trung bình giảm 51% so với cùng kỳ những năm trước, theo mô tả của một bài báo trên trang web của Chính phủ Trung Quốc ngày 16/8.

Theo tờ Tứ Xuyên Nhật báo, các quan chức tỉnh đầu tuần này cảnh báo rằng Tứ Xuyên đang trải qua “thời điểm khắc nghiệt nhất” đối với nguồn cung ứng điện. Thành phố Lô Châu của tỉnh này tuần trước thông báo sẽ tắt tất cả đèn đường vào ban đêm để tiết kiệm điện và giảm áp lực lên hệ thống lưới điện.

Tứ Xuyên là tỉnh giàu khoảng sản như lithium và polysilicon – các vật liệu thô quan trọng với ngành công nghiệp điện tử và quang điện mặt trời.

Nhiều công ty bán dẫn quốc tế hiện có nhà máy tại tỉnh này, bao gồm Texas Instruments, Intel, Onsemi và Foxconn. Hãng pin lithium khổng lồ CATL của Trung Quốc, nhà cung cấp pin điện cho hãng xe Mỹ Tesla, cũng có một nhà máy ở đây.

Trong báo cáo gửi khách hàng mới đây, các nhà phân tích của Daiwa Capital cảnh báo rằng việc đóng cửa các nhà máy trong một tuần có thể bóp nghẹt nguồn cung polysilicon và lithium và đẩy giá các vật liệu này tăng cao.

Một số công ty Trung Quốc, như nhà sản xuất phụ tùng ô tô Sichuan Haowu Electromechanica, và công ty hóa chất Sichuan Lutianhua, cũng cảnh báo hoạt động sản xuất của họ có thể bị ảnh hưởng bởi lệnh đóng cửa nhà máy của Tứ Xuyên.

 

Do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng liên tục ở nhiều nơi, giá rau tươi đã tăng 12,9% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn đáng kể so với cùng kỳ những năm trước.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích nhận định việc đóng cửa các nhà máy công nghiệp và phân bổ điện theo định mức trong một thời gian ngắn ở Tứ Xuyên có thể chỉ tác động "hạn chế" đối với nền kinh tế, miễn là các hạn chế được gỡ bỏ trong vài tuần.

Ngoài Tứ Xuyên, các tỉnh lớn khác của Trung Quốc, bao gồm Giang Tô, An Huy và Chiết Giang, cũng đã kêu gọi các doanh nghiệp và hộ gia đình tiết kiệm điện vì đợt nắng nóng khắc nghiệt đang làm cạn kiệt nguồn cung điện.

Một số tỉnh còn yêu cầu các văn phòng tăng mức nhiệt độ điều hòa lên trên 26 độ C hoặc ngừng hoạt động thang máy ở 3 tầng đầu tiên của tòa nhà để tiết kiệm điện.

Sóng nhiệt khắc nghiệt cũng gây mất mùa tại các tỉnh canh tác nông nghiệp, càng gây thêm áp lực lạm phát đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

"Do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng liên tục ở nhiều nơi, giá rau tươi đã tăng 12,9% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn đáng kể so với cùng kỳ những năm trước", ông Fu Linghui, người phát ngôn của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, cho biết tại một cuộc họp báo hôm 15/8 ở Bắc Kinh.

Ông Fu cũng nói rằng nắng nóng gay gắt đã gây ra hạn hán tại một số tỉnh canh tác nông nghiệp ở phía Nam. Trong khi đó, ở phía Bắc, mưa và lũ lụt cũng gây ra thất bát mùa màng ở nhiều nơi.

“Tháng 8 và tháng 9 là giai đoạn quan trọng định hình sản lượng ngũ cốc vụ thu. Chúng ta phải chú ý tới tác động của thảm họa tự nhiên, côn trùng và dịch bệnh với sản lượng lương thực của cả nước”, ông Fu nhấn mạnh tại họp báo.