07:35 10/01/2024

Trung Quốc thúc đẩy nhà ở cho thuê để hồi sinh bất động sản

Ngọc Trang

Chính phủ Trung Quốc đang ưu tiên hỗ trợ nguồn cung nhà ở cho thuê tại các thành phố lớn nhằm đáp ứng nhu cầu của người lao động trẻ…

Khủng hoảng bất động sản đang tiếp tục đè nặng lên nền kinh tế Trung Quốc - Ảnh: Bloomberg
Khủng hoảng bất động sản đang tiếp tục đè nặng lên nền kinh tế Trung Quốc - Ảnh: Bloomberg

Trong thông tư chung ban hành cuối tuần trước, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) và Cơ quan Quản lý Tài chính quốc gia Trung Quốc (NAFR) cho biết sẽ thúc đẩy nguồn cung nhà ở cho thuê tại các thành phố lớn, nơi giá nhà đang nằm ngoài khả năng chi trả của hầu hết người lao động trẻ.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), động thái này diễn ra trong bối cảnh thị trường nhà ở tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang tiếp tục lao đốc và nhu cầu mua nhà ngày càng giảm.

Thông tư cũng nhấn mạnh các cơ quan chức năng cần tạo điều kiện để thực hiện các cải cách mang tính cấu trúc đối với nguồn cung trên thị trường nhà ở cho thuê, nhằm đảm bảo nguồn cung dồi dào và giá rẻ.

 

"Cuộc suy thoái trên thị trường bất động sản hiện tại là cuộc dài nhất từ trước tới nay và mức giảm công trình khởi công mới tương đương với mức giảm tại Mỹ vào cuối những năm 2000. Việc thị trường lập đáy sẽ phụ thuộc vào thời điểm Chính phủ đưa ra động thái chính sách mang tính quyết định”.

Larry Hu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Macquarie Group

“Cần hỗ trợ tài chính hướng tới giải quyết thách thức của những nhóm người như cư dân thành thị mới và người trẻ, đặc biệt là tại các thành phố lớn”, thông tư nêu rõ. “Việc này bao gồm hỗ trợ các thực thể khác nhau trong việc xây dựng, cải tạo và vận hành nhà ở cho thuê dài hạn. Mục tiêu là nhằm phục hồi nguồn cung nhà ở hiện có, tăng cường hiệu quả nguồn cung nhà cho thuê thương mại giá rẻ”.

Giữa lúc tình trạng suy thoái của thị trường nhà ở vẫn tiếp tục kéo dài mà chưa có tín hiệu phục hồi, Bắc Kinh đang thúc đẩy mô hình “ba dự án lớn” mới, bao gồm xây dựng nhà ở giá rẻ, cải tạo các khu đô thị và xây dựng các trung tâm công cộng khẩn cấp. Đây được xem là nền tảng để phục hồi thị trường.

Tuy nhiên, giới phân tích tỏ ra hoài nghi về việc các chính quyền địa phương – vốn đang chịu gánh nặng nợ – có thể duy trì các khoản hỗ trợ tài chính lớn như vậy, và liệu mô hình “ba dự án lớn” có thể giúp lấp đầy khoảng trống trong khu vực tư nhân đang ì ạch hay không.

Tại hội nghị thường niên diễn ra hôm thứ Sáu tuần trước, PBOC xác định các vấn đề của thị trường bất động sản nằm trong danh mục “giảm rủi ro” (de-risking), cùng với công tác tái cơ cấu nợ và giải quyết các vấn đề liên quan tới tổ chức tài chính nhỏ.

Theo ông Larry Hu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Macquarie Group, dù các hộ gia đình Trung Quốc đã tích lũy tiền tiết kiệm dự phòng từ sau đại dịch Covid-19, có thể họ sẽ không chi tiền trừ phi kỳ vọng của họ thay đổi.

“Cuộc suy thoái trên thị trường bất động sản hiện tại là cuộc dài nhất từ trước tới nay và mức giảm công trình khởi công mới tương đương với mức giảm tại Mỹ vào cuối những năm 2000”, ông Hu cho biết, đề cập tới vụ vỡ bong bóng bất động sản dẫn tới cuộc khủng hoảng thế chấp dưới chuẩn ở Mỹ. “Việc thị trường lập đáy sẽ phụ thuộc vào thời điểm Chính phủ đưa ra động thái chính sách mang tính quyết định”.

Thông tư của PBOC và NAFR đánh dấu sự thay đổi trong chiến lược của Chính phủ Trung Quốc. Hoạt động xây dựng diễn ra trong hơn 20 năm qua đã dẫn tới tình trạng nhà trống và mức nợ cao trên thị trường nhà ở. Bên cạnh đó, thị trường nhà ở cho thuê của nước này cũng đang tụt hậu đáng kể so với các thị trường phát triển.

Trong thông tư, hai cơ quan cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại tăng hỗ trợ tín dụng cho hoạt động xây dựng và phát triển nhà ở cho thuê, đồng thời cấp khoản vay cho các dự án xây dựng mới và cải tạo nhà ở cho thuê dài hạn.

Hiện tại, bất chấp những nỗ lực hỗ trợ toàn diện của Chính phủ từ năm ngoái, cuộc khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc, nổi bật là các vụ vỡ nợ của hai doanh nghiệp địa ốc khổng lồ Evergrande và Country Garden, đang tiếp tục đè nặng lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Trong 11 tháng đầu năm 2023, đầu tư bất động sản tại Trung Quốc đã giảm 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, doanh số bán nhà tính theo diện tích mặt sàn bán được giảm 8%.