08:53 06/03/2023

Truy xuất nguồn gốc nông sản: Đẩy mạnh số hóa, tạo ra giá trị mới

Chu Khôi

Hiện nay, rất nhiều người lầm tưởng rằng nông sản có dãn mã QR trên bao bì là đã được truy xuất nguồn gốc. Thực tế, quét mã QR chỉ dẫn người tiêu dùng đọc trang web giới thiệu về sản phẩm. Truy xuất nguồn gốc thực sự đòi hỏi phải ứng dụng công nghệ số liên thông trên toàn chuỗi sản xuất của mỗi sản phẩm...

Diễn đàn “Thúc đẩy số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản - thực phẩm”
Diễn đàn “Thúc đẩy số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản - thực phẩm”

Tại diễn đàn trực tuyến “Thúc đẩy số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản - thực phẩm” tổ chức mới đây, các đại biểu tham dự đã bày tỏ băn khoăn về những giải pháp mới trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa.

NHIỀU GIẢI PHÁP NHƯNG CHƯA HIỆU QUẢ

Ông Nguyễn Hoài Nam, đại diện Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp, cho biết Hệ thống Truy xuất nguồn gốc của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang được cài đặt và vận hành chính thức tại địa chỉ: http://checkvn.mard.gov.vn. 

Hệ thống đã xây dựng được 3 phân hệ chính gồm: Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc; Hệ thống quản lý, cập nhật thông tin, dữ liệu về truy xuất nguồn gốc dành cho đối tượng là cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp. Hệ thống cho phép khai thác sử dụng bằng ứng dụng trên thiết bị di động trong việc tìm kiếm, truy vết, tra cứu thông tin nguồn gốc sản phẩm. 

 

"Đến thời điểm hiện tại, Hệ thống Truy xuất nguồn gốc của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang kết nối, chia sẻ dữ liệu với 8 hệ thống truy xuất của 8 tỉnh, thành phố và có hơn 3.964 doanh nghiệp với bộ mã truy xuất nguồn gốc của 16.987 sản phẩm nông sản, thực phẩm".

Ông Nguyễn Hoài Nam, đại diện Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp.

Theo ông Vũ Việt Chiến, Tổng giám đốc Công ty giải pháp và công nghệ Sao Việt, chuyển đổi số trong truy xuất nguồn gốc hàng hóa, nông sản đang là vấn đề được toàn xã hội rất quan tâm. Hiện nay, nhiều tổ chức xã hội, nhà khoa học đưa ra những giải pháp mới về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nhưng mới chỉ giải quyết được phần ngọn nên chưa đạt được hiệu quả cao nhất cho toàn xã hội.

“Chất lượng của các hệ thống chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc đang được triển khai đã thực sự hiệu quả, hợp lý hay chưa? Cơ quan quản lý nhà nước đưa ra những quy định khung thế nào để hạn chế những ý tưởng, giải pháp không có cơ sở, gây lãng phí nguồn lực xã hội?”, ông Chiến nêu câu hỏi.

Bổ sung thêm, ông Mai Quang Vinh, Chủ tịch Liên hiệp HTX Kinh tế số Việt Nam cho rằng: Hiện nay, mỗi sản phẩm rất dễ dàng để tạo cho mình một mã QR, người dùng chỉ mất vài giây là có thông tin về sản phẩm. Tuy nhiên, nếu không có tư duy tốt, việc số hóa, quản lý thông tin nông sản, thực phẩm theo hình thức này sẽ rất lỏng lẻo; doanh nghiệp thu mua rất dễ mua phải hàng hóa trà trộn, kém chất lượng.

Trên cơ sở đó, ông Vinh mong muốn, thời gian tới sẽ được phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mở cửa một cổng thông tin chung về quản lý, giám sát thông tin sản phẩm. Qua đó, có thể đưa thông tin của hàng vạn hợp tác xã, ngành hàng, giá bán, giá mua nông sản… để tất cả các chủ thể có nhu cầu dễ dàng tiếp cận, tiến tới tất cả các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ sẽ được minh bạch thông tin...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 10-2023 phát hành ngày 06-03-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Truy xuất nguồn gốc nông sản: Đẩy mạnh số hóa, tạo ra giá trị mới  - Ảnh 1