Từ 1/1/2026, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ đào tạo lao động khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh
Từ năm 2026, chính sách mới quy định việc hỗ trợ đào tạo lao động cho doanh nghiệp trong trường hợp gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, gây ảnh hưởng đến việc làm, hoặc có nguy cơ ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp...

Bảo hiểm thất nghiệp là một trong những chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội, hỗ trợ tài chính cho cả người lao động và doanh nghiệp trong trường hợp bất khả kháng.
BỔ SUNG ĐIỀU KIỆN DOANH NGHIỆP ĐƯỢC HỖ TRỢ
Từ ngày 1/1/2026, khi Luật Việc làm 2025 thính thức có hiệu lực, chính sách bảo hiểm thất nghiệp sẽ có nhiều thay đổi so với hiện hành, tăng quyền lợi cho người sử dụng lao động.
Theo Luật Việc làm 2025, kể từ ngày 1/1/2026, các đơn vị, doanh nghiệp sẽ nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động nhằm duy trì việc làm, đặc biệt trong bối cảnh chịu ảnh hưởng hoặc có nguy cơ ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm.
Cụ thể, theo Điều 42 của Luật Việc làm năm 2025, người sử dụng lao động (đơn vị, doanh nghiệp) sẽ được hỗ trợ trong các trường hợp ảnh hưởng đến việc làm, hoặc có nguy cơ ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Các trường hợp cụ thể bao gồm: Thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế theo quy định của Bộ luật Lao động; thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm.
Thực hiện theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc di dời hoặc thu hẹp địa điểm sản xuất kinh doanh. Các trường hợp khác theo quy định của Chính phủ.
Để được hưởng chính sách hỗ trợ này, đơn vị, doanh nghiệp cần đáp ứng các điều kiện như: Đã đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp từ 12 tháng trở lên, trong thời gian 24 tháng tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ.
Đồng thời, doanh nghiệp cần có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm một cách khả thi.
Thời gian hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động sẽ tùy thuộc vào từng khóa học, thời gian học, nhưng tổng thời gian hỗ trợ không quá 6 tháng. Chính phủ sẽ quy định chi tiết về mức hỗ trợ, hồ sơ, trình tự, thủ tục hỗ trợ.
Thực tế, chính sách hỗ trợ đơn vị, doanh nghiệp đào tạo lao động để duy trì việc làm đã được quy định trong Luật Việc làm 2013, hiện vẫn đang áp dụng và có hiệu lực đến ngày 31/12/2025.
Tuy nhiên, Luật Việc làm năm 2013 chỉ quy định chung về việc người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động…, chứ không quy định cụ thể về việc hỗ trợ doanh nghiệp trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh.
Đến Luật Việc làm năm 2025 đã làm rõ và mở rộng các trường hợp được hỗ trợ đối với đơn vị, doanh nghiệp, cụ thể như, thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế, và đặc biệt là bổ sung trường hợp bị thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm.
ĐIỀU CHỈNH CÁC CHẾ ĐỘ CỦA BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP
Ngoài ra, Luật Việc làm 2025 cũng điều chỉnh các chế độ của bảo hiểm thất nghiệp. Theo đó, các chế độ bảo hiểm thất nghiệp từ ngày 1/1/2026 bao gồm: Tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ người lao động tham gia đào tạo, nâng cao trình độ kỹ năng nghề; trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

Bên cạnh đó, Luật còn bổ sung cơ chế linh hoạt trong tình huống đặc biệt, đó là trường hợp khủng hoảng, suy thoái kinh tế, thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm..., Chính phủ quy định việc giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ bằng tiền hoặc hỗ trợ khác.
Đáng chú ý, theo Luật mới, người sử dụng lao động sẽ được giảm tiền đóng bảo hiểm thất nghiệp thuộc trách nhiệm của mình khi tuyển mới và sử dụng người lao động là người khuyết tật. Thời gian được hưởng ưu đãi này không quá 12 tháng.
Đây là một chính sách cụ thể, trực tiếp hỗ trợ đơn vị, doanh nghiệp khi họ thực hiện trách nhiệm xã hội, tạo cơ hội việc làm cho nhóm lao động yếu thế. Về mức giảm sẽ được Chính phủ quy định chi tiết trong các văn bản dưới Luật ban hành thời gian tới.
Từ góc độ đơn vị trực tiếp thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (thuộc Sở Nội vụ Hà Nội), cho biết chính sách bảo hiểm thất nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định thị trường lao động và đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động.
Thông qua các biện pháp hỗ trợ tài chính, tư vấn giới thiệu việc làm cho lao động thất nghiệp và hỗ trợ đào tạo, nâng cao tay nghề, chính sách bảo hiểm thất nghiệp góp phần giúp người lao động sớm trở lại thị trường lao động.
Riêng trong tháng 6/2025, Sở Nội vụ Hà Nội đã thẩm định và ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho hơn 8.000 người lao động trên địa bàn (tăng trên 1.000 hồ sơ so với tháng trước), với số tiền hỗ trợ 268,6 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tư vấn, hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho khoảng 3.900 người lao động, hỗ trợ học nghề cho 66 người với số tiền 276,7 triệu đồng.
Bộ Nội vụ cũng đánh giá thị trường lao động 6 tháng đầu năm có sự tăng trưởng nhẹ, tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp dưới 3%. Số hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trong nửa đầu năm 2025 là hơn 429.000 trường hợp, giảm 14,9% so với cùng kỳ năm 2024.
Trong thời gian tới, Bộ Nội vụ tiếp tục triển khai các chính sách ổn định thị trường, tạo việc làm, kết nối hiệu quả cung - cầu lao động, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp.