14:48 23/12/2024

Từ công xưởng sản xuất đến trung tâm phát triển công nghệ

Ngô Huyền

Sau khi tập đoàn bán dẫn hàng đầu thế giới Nvidia tuyên bố mở Trung tâm R&D và Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam, giới chuyên gia công nghệ quốc tế nhận định vị thế công nghệ của Việt Nam đang thay đổi. Việt Nam đang trở thành điểm sáng nổi bật trong bản đồ công nghệ Đông Nam Á thời điểm hiện tại.

Với tầm nhìn và định hướng chiến lược mới của Chính phủ cùng những lợi thế cạnh tranh của nguồn nhân lực về năng lực, chi phí, số lượng, Việt Nam sẽ không còn chỉ là thị trường tiêu thụ hay sản xuất mà sẽ sớm chuyển mình thành trung tâm sáng tạo công nghệ tiếp theo trên bản đồ thế giới.
Với tầm nhìn và định hướng chiến lược mới của Chính phủ cùng những lợi thế cạnh tranh của nguồn nhân lực về năng lực, chi phí, số lượng, Việt Nam sẽ không còn chỉ là thị trường tiêu thụ hay sản xuất mà sẽ sớm chuyển mình thành trung tâm sáng tạo công nghệ tiếp theo trên bản đồ thế giới.

Trước khi thỏa thuận thành lập Trung tâm R&D (nghiên cứu và phát triển) và Trung tâm Dữ liệu AI giữa Chính phủ và Nvidia được ký kết, dư luận đã không ít lần nghi ngờ viễn cảnh Nvidia trở lại Việt Nam để hợp tác đầu tư. Dù nhà sáng lập của Tập đoàn Nvidia, ông Jensen Huang, từng chính thức tuyên bố chuyến thăm Việt Nam tháng 12 năm 2023 sẽ mở ra những chuyến đi tiếp theo của ông. 

Những nghi ngờ này không phải không có cơ sở. Không lâu sau khi đến Việt Nam, Nvidia bất ngờ công bố thỏa thuận đầu tư 200 triệu USD vào Indonesia để xây dựng một trung tâm trí tuệ nhân tạo. Trước chuyến thăm Việt Nam 1 tháng, CEO Jensen Huang cũng đã đồng ý rót 4,3 tỷ USD vào Malaysia để phát triển cơ sở hạ tầng siêu máy tính và đám mây AI. Còn Việt Nam, ngoại trừ đón tiếp một trong những nhân vật có tầm ảnh hưởng nhất thế giới, thì không có thêm bất kỳ đàm phán hợp tác nào với tập đoàn bán dẫn. Thế nhưng, những người trong nghề khi đó đã sớm tiên lượng rằng Nvidia và Việt Nam hợp tác chỉ là câu chuyện sớm muộn. 

THÀNH QỦA SAU MỘT NĂM CHỜ ĐỢI 

Ông Đỗ Cao Bảo, Thành viên Hội đồng Quản trị Tập đoàn FPT, từng bày tỏ quan điểm: “Chúng tôi, những người trong cuộc, hiểu rằng Nvidia hợp tác với Việt Nam còn hơn với Indonesia”. Tháng 4 năm 2024, FPT và Nvidia bắt đầu công bố hợp tác phát triển nhà máy AI với tổng vốn đầu tư lên đến 200 triệu USD. Gần một năm sau lời khẳng định chắc nịch sẽ trở lại Việt Nam, ông Jensen Huang đã thực hiện lời hứa, khiến cả giới công nghệ trong và ngoài nước bất ngờ. 

Giữa vô số lời mời hấp dẫn, nhà sáng lập Nvidia lại chọn Việt Nam làm “cứ điểm” R&D AI đầu tiên của Nvidia tại Đông Nam Á. Trong buổi làm việc với Chính phủ Việt Nam, ông Jensen Huang nói rằng Nvidia sẽ trở thành “đối tác, người bạn của Việt Nam” trên chặng đường phát triển, làm chủ công nghệ trí tuệ nhân tạo.

 
GS.TS. Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ,
GS.TS. Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ,

Trao đổi với Tạp chí Kinh tế Việt Nam / VnEconomy về sự kiện này, GS.TS. Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, nêu quan điểm: “Những năm 2000, Việt Nam lựa chọn thu hút nguồn vốn FDI bằng ngành công nghiệp, chấp nhận tận dụng lợi thế lao động giá rẻ để lắp ráp, gia công cho các doanh nghiệp nước ngoài. Sau này, chiến lược của chúng ta thay đổi. Trong thiết lập quan hệ đối tác với các chính khách quốc tế, Chính phủ luôn đề nghị các doanh nghiệp muốn đầu tư, mở rộng tại Việt Nam, cần hỗ trợ nhân lực Việt Nam tiếp cận, nghiên cứu và phát triển những công nghệ mới”.

“Thực tế, ban đầu doanh nghiệp nước ngoài cảm thấy bị áp đặt bởi yêu cầu này. Nhưng sau khi đầu tư, hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu và phát triển công nghệ, họ nhìn thấy lợi nhuận từ đó nên thậm chí hiện nay nhiều công ty công nghệ lớn đến Việt Nam không phải để mở rộng sản xuất mà đến chỉ để đầu tư thiết lập các trung tâm R&D. Khi Việt Nam tham gia ngày càng sâu vào chuỗi giá trị công nghệ cao hơn, vị thế của Việt Nam sẽ ngày càng được nâng cao”, GS.TS. Chử Đức Trình nhận xét. 

Bước chuyển mình này không phải chỉ xảy ra với mỗi Việt Nam. Số lượng các viện nghiên cứu, trung tâm phát triển công nghệ của một quốc gia khác trong khối ASEAN là Indonesia cũng đang tăng lên. Thậm chí,  Indonesia có thể thuyết phục Apple cam kết sẽ mở Học viện Apple thứ tư tại quốc gia này. 

MẮT XÍCH TRONG CHUỖI GIÁ TRỊ CÔNG NGHỆ CAO 

Những năm gần đây, Việt Nam thường xuyên được các chuyên gia quốc tế đặt lên bàn cân so sánh với Indonesia vì đều là những nền kinh tế mới nổi, hút vốn đầu tư  FDI hàng đầu khu vực. Trong đó, lĩnh vực công nghệ chiếm tỷ trọng không nhỏ. Các công ty công nghệ của Mỹ, châu Âu hay châu Á đều đang đổ xô đầu tư vào Việt Nam và Indonesia để tận dụng nguồn lao động trẻ, chi phí cạnh tranh và thị trường đang phát triển nhanh chóng. 

Một ngày trước tin vui của Việt Nam, Indonesia cũng đã nhận được cam kết đầu tư trị giá 1 tỷ USD từ ông lớn Apple để xây nhà máy sản xuất linh kiện điện thoại thông minh tại Indonesia. Trước khi đi đến kết quả này, Chính phủ Indonesia đã không ít lần “đàm phán giá cả” với Google. Có lẽ, không phải chỉ các doanh nghiệp “bên ngoài” mới so sánh hai thị trường Việt Nam và Indonesia. Trước đề nghị đầu tư của Apple, Bộ trưởng Indonesia, ông Kartasasmita, thẳng thắn yêu cầu nguồn vốn Apple đổ vào Indonesia cũng cần tương đương với khoản đầu tư 14 tỷ USD của Apple vào các cơ sở sản xuất tại Việt Nam. 

Trước những diễn biến sôi động của thị trường công nghệ Đông Nam Á gần đây, ông Marco FörsterMarco, Giám đốc ASEAN tại Công ty xúc tiến đầu tư Dezan Shira, nói vui trên một bài đăng rằng “Việt Nam rất buồn” khi Indonesia nhận được thỏa thuận Nvidia. Indonesia cũng cảm thấy như vậy khi Việt Nam nhận được khoản đầu tư của Apple, nhưng bây giờ Nvidia sẽ tập trung vào Việt Nam và Apple sẽ tập trung vào Indonesia. Họ đang tạo ra cuộc xáo trộn công nghệ lớn tại Đông Nam Á.  “Cả hai quốc gia dường như nỗ lực tận dụng thế mạnh độc đáo của mình để chào đón các khoản đầu tư toàn cầu”, ông Marco FörsterMarco đánh giá.   

Nhưng xa hơn những con số đầu tư, Việt Nam hay Indonesia đều đang tham vọng sẽ có một vị thế công nghệ mới thông qua những cam kết hợp tác với các tập đoàn công nghệ nước ngoài. Sự vươn lên của Việt Nam và Indonesia đang làm thay đổi cán cân công nghệ của khu vực. Mỗi nước có chiến lược khác nhau để mời gọi những tập đoàn lớn đến mở rộng đầu tư, nhưng sau cùng đều đang thúc đẩy Đông Nam Á trở thành điểm đến hàng đầu cho các công ty công nghệ toàn cầu, không đơn giản chỉ là những công xưởng sản xuất mà sẽ là cái nôi của những công nghệ tiến bộ mới.... 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 52-2024 phát hành ngày 23/12/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây :

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam 

Từ công xưởng sản xuất đến trung tâm phát triển công nghệ - Ảnh 1