15:02 05/07/2025

Tư duy chiến lược trong truyền thông doanh nghiệp thời đại AI

Dũng Hiếu

Trong kỷ nguyên AI, người làm truyền thông không chỉ cần thành thạo công cụ mà còn phải có tư duy chiến lược để dẫn dắt các chiến dịch truyền thông, lan tỏa những giá trị đích thực của doanh nghiệp.

Chương trình Truyền thông chuyên nghiệp tại BUV sẽ đào tạo người truyền thông không để bị công nghệ lôi cuốn.
Chương trình Truyền thông chuyên nghiệp tại BUV sẽ đào tạo người truyền thông không để bị công nghệ lôi cuốn.

Chính các giá trị đích thực của mỗi doanh nghiệp sẽ tạo nên thương hiệu bền vững của họ. Và bản lĩnh, đạo đức cùng tư duy chiến lược – với sự hỗ trợ của AI – mới tạo nên sự khác biệt trong những chiến dịch truyền thông hiện đại.

VAI TRÒ VÀ THÁCH THỨC CỦA AI TRONG CHIẾN LƯỢC TRUYỀN THÔNG XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU

Không thể phủ nhận, trí tuệ nhân tạo (AI) đang mở ra một chương mới cho ngành truyền thông doanh nghiệp. Công nghệ này giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất nội dung, phân tích hành vi người tiêu dùng, cá nhân hóa thông điệp và thậm chí dự đoán xu hướng tương tác trong tương lai.

Tuy vậy, AI cũng mang đến không ít thách thức. Từ kiểm soát thông tin, bảo vệ bản quyền, đến nguy cơ lạm dụng thuật toán để thao túng thông điệp – những điều này đều có thể đẩy doanh nghiệp vào thế bị động nếu không kiểm soát tốt.

Truyền thông không hiệu quả, thiếu kiểm soát có thể khiến doanh nghiệp đánh mất cơ hội hợp tác, thậm chí gây khủng hoảng niềm tin. Ngược lại, những doanh nghiệp chủ động làm chủ AI, hiểu rõ cách vận hành của các thuật toán, có chiến lược kiểm soát thông tin chặt chẽ sẽ nắm giữ lợi thế cạnh tranh – không chỉ trong tiếp thị mà còn trong xây dựng lòng tin với cổ đông, nhân viên và công chúng.

Trong bối cảnh đó, người làm truyền thông không thể chỉ dừng ở mức thành thạo công cụ hay viết nội dung hấp dẫn. Họ cần hiểu rõ “hệ sinh thái thông tin” của doanh nghiệp: từ chiến lược phát triển đến cấu trúc tổ chức và văn hóa nội bộ. Một chiến dịch truyền thông thành công ngày nay là sự hòa quyện của dữ liệu, chiến lược, công nghệ và khả năng thấu cảm xã hội.

Nhiều chuyên gia AI cảnh báo, chỉ cần chatbot của một hãng hàng không trả lời sai chính sách bồi hoàn cho hành khách thì hệ quả không chỉ là vài dòng phàn nàn trên mạng xã hội, mà còn gây tổn thất lớn về niềm tin với những vụ kiện tụng kéo dài.

Công nghệ có thể mạnh mẽ, nhưng không thể thay thế vai trò giám sát, đạo đức và trách nhiệm của con người.

Vì thế, Đạo luật AI (AI Act) của Liên minh châu Âu (EU) đã có những quy định chuyên biệt cho trí tuệ nhân tạo. Hay các tổ chức quốc tế như OECD, UNESCO và G7 cũng đã công bố nhiều bộ nguyên tắc và khuyến nghị về phát triển AI có trách nhiệm.

Chính phủ Việt Nam cũng đã đặt trọng tâm yếu tố đạo đức, pháp lý và cơ chế quản trị minh bạch AI trong “Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 của mình”.

ĐÀO TẠO TRUYỀN THÔNG TỪ KỸ NĂNG CÔNG CỤ ĐẾN TƯ DUY DẪN DẮT

Bối cảnh số hóa toàn diện đặt ra yêu cầu mới, người làm truyền thông phải bước lên vai trò hoạch định chiến lược, từ thụ động vận hành sang chủ động dẫn dắt gắn với đạo đức của con người làm truyền thông. Điều này cũng đặt ra thách thức cho các chương trình đào tạo truyền thông hiện nay làm sao có thể đáp ứng tối đa nhu cầu học tập tăng cao của người học và nhu cầu tuyển dụng thực tế của xã hội.

Nhiều trường đại học trong nước đã xây dựng chương trình đào tạo ngành Truyền thông đa phương tiện dựa trên kết quả nghiên cứu thực tiễn của chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực truyền thông dựa trên các trụ cột tư duy chiến lược, năng lực sáng tạo và khả năng làm chủ công nghệ dựa trên thực tế của Việt Nam.

Các Chương trình đào tạo không chỉ còn chú trọng vào kỹ năng vận hành công cụ – làm nội dung, chỉnh sửa video, chạy quảng cáo – mà còn phải chuyển trọng tâm sang tư duy chiến lược, khả năng phân tích và thích ứng với biến động của môi trường số.

Các nghiên cứu khảo sát của Học viện báo chí và truyền thông về đào tạo ngành truyền thông gần đây cũng đưa ra những kết luận tương tự về đổi mới chương trình giảng dạy của ngành.

Chương trình Truyền thông chuyên nghiệp tại Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV), hợp tác với Đại học Arts University Bournemouth (Vương quốc Anh) cũng rất đáng được chú ý bởi mục tiêu sẽ đào tạo người truyền thông có nền tảng đủ sâu về tư duy, kỹ năng và đạo đức nhằm trở thành người dẫn dắt – không để bị công nghệ lôi cuốn.

Ngoài lý thuyết, sinh viên còn được tham gia thực tế tại các đài truyền hình, cơ quan báo chí và các đơn vị truyền thông sáng tạo.

Sự kết nối giữa nhà trường – doanh nghiệp – chuyên gia tạo nên môi trường đào tạo đa chiều, thực tiễn và giàu cảm hứng. Về ứng dụng AI, các chuyên gia chỉ ra rằng dù AI có thể mô phỏng phong cách viết, phân tích dữ liệu hay đề xuất dàn ý, nhưng chưa thể xác định đâu là thời điểm cần im lặng, đâu là lúc cần lên tiếng.

Không có thuật toán nào thay thế được trực giác nghề nghiệp và trải nghiệm của con người khi đối diện với các tình huống truyền thông nhạy cảm.

Giáo dục truyền thông hiện đại không chỉ dừng lại ở việc “dạy sử dụng công cụ”, mà quan trọng hơn, giúp người học hiểu giới hạn và trách nhiệm của mình khi làm việc trong không gian công nghệ cao.

Các Chương trình đều không khuyến khích sinh viên “dựa hoàn toàn vào AI”, mà chỉ hướng dẫn cách đánh giá, kiểm chứng thông tin từ công nghệ và nhận thức rõ hậu quả nếu để xảy ra sai sót trong truyền thông công chúng.

Muốn làm truyền thông hôm nay, người làm truyền thông không chỉ học cách kể chuyện về thương hiệu, mà còn phải học cách nghĩ, cách gìn giữ bản sắc doanh nghiệp.

Đúng như bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Trưởng phòng Truyền thông của Tập đoàn Hoà Bình, nhận xét: “Về phía doanh nghiệp, chúng tôi luôn mong muốn tuyển dụng được những sinh viên đã tiếp cận tốt môi trường làm việc, có thể thích ứng ngay những công việc được giao mà không phải đào tạo lại.

Chương trình đào tạo ngành Truyền thông đa phương tiện hiện nay được thiết kế không chỉ chú trọng vào các học phần thực hành mà còn xây dựng hệ thống đề cương chi tiết với cơ cấu nội dung thực hành cao, cho sinh viên tiếp cận tối đa với thực tế doanh nghiệp và các cơ quan truyền thông. Đó là điều những doanh nghiệp cần nhất”.