Từ nay tới cuối năm lãi suất sẽ không tăng
Quyết định liên quan đến các mức lãi suất hiện nay là một trong những bài toán khó nhất trong việc điều hành chính sách tiền tệ
Đây là phát biểu của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tại buổi thông tin về kết quả hoạt động ngân hàng quý 3/2019 vào sáng 1/10.
Cụ thể, phát biểu khai mạc buổi thông tin, Phó Thống đốc khẳng định, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường tiền tệ, ngoại tệ và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.
Các số liệu được công bố đến ngày 24/9/2019 và so với thời điểm cuối năm 2018: tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 8,58%, thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng được đảm bảo; huy động vốn tăng 9,03%; dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 8,64%, tập trung hướng vào sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, tín dụng với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được tăng cường kiểm soát.
Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, từ ngày 16/9, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành.
Liên quan đến quyết định giảm lãi suất điều hành trên, ông Tú chia sẻ: "Lãi suất điều hành giảm là thông điệp về nền kinh tế Việt Nam ổn định, tạo điều kiện hỗ trợ cho những doanh nghiệp trong lĩnh vực được ưu tiên. Cùng với đó, các ngân hàng thương mại sẽ tham chiếu với lãi suất điều hành để điều chỉnh lãi suất cho vay".
Phó Thống đốc cũng cho rằng, quyết định liên quan đến các mức lãi suất hiện nay là một trong những bài toán khó nhất trong việc điều hành chính sách tiền tệ để hài hoà lợi ích của người đi vay và người cho vay, hài hoà cả chỉ số lạm phát.
"Hỗ trợ lãi suất cho người đi vay nhưng cũng phải đảm bảo lợi nhuận của các ngân hàng thương mại để giữ hiệu quả trong hoạt động. Từ giờ đến cuối năm, lãi suất sẽ không tăng, còn có giảm nữa hay không sẽ phụ thuộc vào kinh tế vĩ mô và các chỉ số kinh tế", ông Tú nói.
Cũng tại buổi thông tin, ông Nguyễn Trọng Du, Phó Chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng cho biết, việc xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng đang được đặt ra một cách tích cực. Luỹ kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 6/2019 toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 224,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu theo Nghị quyết 42 (không bao gồm sử dụng dự phòng rủi ro). Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 6 là 1,9%.
Với kết quả đạt được, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát; duy trì ổn định vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.
Trong đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành nghiệp vụ thị trường mở, điều tiết thanh khoản ở mức hợp lý để ổn định thị trường tiền tệ. Điều hành dự trữ bắt buộc đồng bộ với công cụ chính sách tiền tệ khác, phù hợp với diễn biến thị trường.
Đồng thời, điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu; can thiệp thị trường linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý và củng cố dự trữ ngoại hối khi có điều kiện thuận lợi. Phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2%.