08:37 15/05/2007

Tuấn ''hoa quả''

Một lời gợi ý đã thúc đẩy Tuấn thành lập trang trại trồng hoa dù chẳng có chút kiến thức gì về lĩnh vực này

Công nhân Công ty Hoa Nhiệt Đới đang làm sóc hoa tulip.
Công nhân Công ty Hoa Nhiệt Đới đang làm sóc hoa tulip.
Từng thành lập công ty tại Nga chuyên kinh doanh quần áo và giày dép, sau năm năm ăn nên làm ra, Phạm Ngọc Tuấn đưa cả gia đình về Việt Nam để bước vào cuộc phiêu lưu mới với nghề trồng hoa… ở tận vùng Tây Bắc.

Phạm Ngọc Tuấn sinh năm 1970 tại Hà Nội, năm 18 tuổi anh sang Liên Xô du học tại trường Đại học Bách khoa Kiev, khoa Kỹ thuật âm thanh. Học đến năm thứ ba, vì muốn theo nghề kinh doanh, Tuấn chuyển lên Moscow học ngành kinh tế tại trường Đại học Tổng hợp Thương mại.

Sau khi tốt nghiệp đại học năm 1995, Tuấn thành lập công ty ở Moscow kinh doanh quần áo, giày dép nhập từ Việt Nam và Trung Quốc. Công việc kinh doanh đang ăn nên làm ra thì năm 2000 anh quyết định đưa vợ con về nước trong sự tiếc nuối của bạn bè.

Lận đận

Năm 2002, Tuấn hùn vốn với bạn thành lập Công ty Hoàng Minh tại Hà Nội chuyên kinh doanh phần cứng máy tính. Vào thời điểm đó thị trường máy tính bắt đầu sôi động và cơ hội tích lũy vốn lại đến với anh. Không dừng lại ở đó, nhóm của Tuấn lại chuyển hướng sang đầu tư bất động sản. Đất mua ở các tỉnh lân cận Hà Nội đã có nhưng cả nhóm lại không nảy ra ý tưởng gì mới để sinh lợi thêm.

“Trong một lần tán gẫu, có người bạn nói với tôi, đất mua để hoang làm gì, sao chúng mình không thử trồng hoa”, Tuấn nhớ lại.

Chính lời gợi ý đó đã thúc đẩy Tuấn thành lập trang trại trồng hoa dù chẳng có chút kiến thức gì về lĩnh vực này. Tháng 4/2004, anh thành lập Công ty cổ phần Hoa Nhiệt Đới, với số vốn khoảng 7 tỉ đồng. Thời gian đầu Tuấn học nghề từ người bạn của bố là Viện trưởng Viện Sinh học nông nghiệp thuộc trường Đại học Nông nghiệp 1.

Vụ đầu tiên, Tuấn bỏ ra 900 triệu đồng mua 8.000 cây hoa hồng giống, đầu tư trang thiết bị và lắp đặt nhà trồng hoa nằm ngay trong Viện Sinh học. Đến tháng 7 năm đó, kết quả thu hoạch không được như Tuấn mong đợi vì hoa chỉ ra được một vụ, trong khi những người khác trồng thì thu hoạch quanh năm.

Sau thất bại này Tuấn sang nhượng lại toàn bộ nhà hoa rồi chuyển sang địa bàn khác để làm tiếp. Lần này anh đầu tư 300 triệu đồng, trồng 5.000 mét vuông hoa cẩm chướng tại huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc, vì nơi đây có khí hậu lý tưởng hơn Hà Nội. Bên cạnh đó anh còn hùn 300 triệu đồng với một đối tác Đài Loan trồng hoa lay ơn tại tỉnh Hưng Yên.

Đến kỳ thu hoạch, toàn bộ diện tích lay ơn chết hết do nhiễm khói từ lò gạch gần đấy, còn vụ hoa cẩm chướng lại lỗ thêm 200 triệu đồng. Bài học thứ hai Tuấn rút ra là môi trường và khí hậu là điều kiện tiên quyết để trồng hoa thành công. Cuối năm 2004, anh rút vốn khỏi các dự án và chọn cao nguyên Mộc Châu, tỉnh Sơn La, làm “đại bản doanh” sau khi sang Hà Lan học nghề trồng hoa tulip.

Từ hoa tulip đến rau sạch

Khi đã nắm rõ thời tiết, thổ nhưỡng của vùng cao nguyên này, Công ty Hoa Nhiệt Đới thuê 5 héc ta đất của người dân bản Búa, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, với giá 16 triệu đồng/1 héc ta/1 năm. Công việc trồng hoa phát triển thuận lợi và được tỉnh Sơn La đánh giá cao nên đã cho công ty thuê thêm 4 héc ta đất để nhân rộng diện tích ở khu Nông nghiệp công nghệ cao.

Tổng vốn đầu tư ban đầu của trang trại này là 1 tỉ đồng. Với tổng diện tích 9 héc ta, công ty trồng các loại hoa ly ly thu hoạch quanh năm; còn 15 loại tulip có các màu như cam, đỏ, vàng, đen (duy nhất ở Việt Nam)… chỉ trồng vào tháng 12 Âm lịch để cung cấp cho thị trường Tết.

Theo anh Tuấn, trước khi Hoa Nhiệt Đới trồng hoa tulip thì ở thị trường Việt Nam chỉ có mỗi Đà Lạt Hasfarm là trồng loại hoa này, trong khi nhu cầu về loại hoa này lại rất lớn.

“Vụ Tết vừa rồi, công ty cung cấp cho thị trường miền Bắc tới 300.000 cành tulip các loại. Riêng hoa ly ly thì mỗi ngày thu hoạch 1.000 cành. Tại chợ hoa Quảng Bá, Hà Nội, công ty còn có một quầy hàng để cung cấp hoa cho các đầu mối”, anh Tuấn nói.

Ngoài hoa, từ tháng 9/2006, tại hai trang trại này còn trồng thêm các loại rau củ quả cao cấp để cung cấp cho thị trường Hà Nội. “Cà chua bán ngoài chợ giá chỉ 4.000-5.000 đồng/ki lô gam, trong khi đó Công ty Hoa Nhiệt Đới bán 10.000 đồng ký nhưng vẫn hút hàng. Từ đó tôi mới nghiệm ra một điều: nhu cầu sử dụng rau sạch, an toàn của khách hàng rất cao và hoàn toàn nằm trong khả năng đáp ứng của công ty”, anh Tuấn nói.

Đến nay nguồn thu từ hoa, rau, củ đã đủ bù đắp tất cả chi phí mà công ty đã đầu tư và bước đầu công ty đã có lãi. Anh Tuấn cho biết trong thời gian tới công ty sẽ xuất khẩu rau cao cấp sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và đặc biệt là vùng Vladivostock của Nga. Các đối tác này đã đặt vấn đề nhập hàng của Hoa Nhiệt Đới.