10:09 12/04/2023

Túi xách xa xỉ sẽ thu lợi nhuận khổng lồ từ thị trường Trung Quốc?

Minh Nguyệt

Công ty tư vấn Bain and Company mới đây dự đoán rằng, thị trường hàng xa xỉ của Trung Quốc sẽ phục hồi trong nửa đầu đến nửa cuối năm 2023. Đặc biệt là khi các ông lớn trong ngành hàng xa xỉ sẽ luôn luôn có những chính sách đặc biệt để giúp thị trường này hồi sinh mạnh mẽ…

Ảnh: Vogue Business
Ảnh: Vogue Business

Theo dự báo của Bain and Company, giá trị của ngành hàng xa xỉ cá nhân trong năm 2023 sẽ tăng từ 3% đến 5%; tính theo tỷ giá hối đoái cố định, nó nằm trong khoảng từ 6% đến 8%, và sẽ đóng góp 40% doanh số bán hàng của thị trường hàng xa xỉ toàn cầu. Bain and Company ước tính rằng, doanh số bán hàng xa xỉ toàn cầu có thể tăng từ 3% đến 8% trong năm nay.

Altagamma - Hiệp hội ngành sản xuất hàng xa xỉ của Ý nhận định với tạp chí Vogue Business, về lâu dài, Trung Quốc vẫn là thị trường hàng tiêu dùng cao cấp lớn nhất thế giới, được dẫn dắt bởi tầng lớp trung lưu và một nhóm người tiêu dùng thế hệ mới. Hiện tại, số người tiêu dùng có giá trị ròng cao của Trung Quốc lên tới 4,7 triệu người, trong đó khoảng 150.000 người có tài sản ròng vượt quá 100 triệu Nhân dân tệ (14,8 triệu USD), được gọi là người tiêu dùng siêu giàu. Mặc dù những người này chỉ chiếm 3/1000 dân số Trung Quốc nhưng lại đóng góp tới 80% tiêu dùng xa xỉ.

Sau 5 năm tăng trưởng theo cấp số nhân, lần đầu tiên nhu cầu của người Trung Quốc đối với hàng xa xỉ được ghi nhận giảm là vào năm 2022. Những người giàu có nhất Trung Quốc vẫn chưa thể quay lại châu Âu hoặc Hoa Kỳ nhưng họ bắt đầu được hoạt động tự do hơn trong nước do các biện pháp phòng chống Covid-19 bắt đầu được nới lỏng. Theo dữ liệu của trang Retviews Lecta, ngay từ đầu năm 2023, các nhãn hiệu thời trang xa xỉ đã xác định đặt cược vào sự phục hồi của nhu cầu trong nước, điều chỉnh giá cả tăng lên để thu về lợi nhuận khổng lồ từ thị trường này. 

Trung Quốc vẫn là thị trường hàng tiêu dùng cao cấp lớn nhất thế giới, được dẫn dắt bởi tầng lớp trung lưu và một nhóm người tiêu dùng thế hệ mới.
Trung Quốc vẫn là thị trường hàng tiêu dùng cao cấp lớn nhất thế giới, được dẫn dắt bởi tầng lớp trung lưu và một nhóm người tiêu dùng thế hệ mới.

Theo công ty tư vấn Bain & Company, nếu doanh số bán hàng xa xỉ ở nước này giảm 10% vào năm ngoái, thì chúng có thể tăng từ 25% đến 35% trong năm nay. Người tiêu dùng Trung Quốc không thể tiêu xài nhiều trong thời kỳ "Zero Covid", vậy nên các thương hiệu xa xỉ dự định sẽ đưa ra các chiến lược mạnh mẽ khiến khách hàng phải sử dụng khoản tiết kiệm này. Phản ứng đầu tiên đã đến từ lĩnh vực túi xách hạng sang. Với các thương hiệu hàng đầu, tăng giá túi xách giờ đây như tăng sức hấp dẫn một cách chủ động.

Nhờ nền tảng vững chắc về danh tiếng và làn sóng tiêu dùng xa xỉ mới từ Trung Quốc, sự gia tăng về giá cả và giá trị của những chiếc túi xách xa xỉ chưa có dấu hiệu dừng lại trong tương lai gần. Chanel, Hermès và Louis Vuitton là các hãng túi giới thượng lưu được ưa chuông nhất tại đất nước tỷ dân. Với kiểu dáng bắt mắt và không ngừng đổi mới, Dior cũng đứng vững trong danh sách này.

Thậm chí, một KOL của đất nước tỷ dân với cái tên Mr. Bags đã đều đặn đăng bảng xếp hạng túi xách hàng tháng của mình trong hơn hai năm qua. Theo báo SCMP, bảng xếp hạng được Mr. Bags đăng trên các nền tảng mạng xã hội đã tạo được sức ảnh hưởng lớn đến mức CEO của các thương hiệu thời trang nổi tiếng phải chú ý tới.

Phương pháp xếp hạng của KOL này rất đơn giản. 30% của bảng xếp hạng được anh và đội ngũ thu thập từ các bình luận, tin nhắn trao đổi với những người theo dõi trên mạng xã hội về những lần mua sắm gần đây của họ cũng như khi hỏi về những mẫu túi mà họ mong muốn có nhất. 30% tiếp theo đến từ việc theo dõi xu hướng thời trang của người nổi tiếng tại Trung Quốc. “Chúng tôi thường đi trước các nhãn hàng hai tháng. Vì vậy khi thấy mẫu túi của mình có trong bảng xếp hạng dù chưa được quảng bá nhiều, nhãn hàng sẽ hành động”, Mr.Bags nói.

KOL nổi tiếng được biết đến với cái tên Mr. Bags đã đều đặn đăng bảng xếp hạng túi xách hàng tháng của mình trong hơn hai năm qua.
KOL nổi tiếng được biết đến với cái tên Mr. Bags đã đều đặn đăng bảng xếp hạng túi xách hàng tháng của mình trong hơn hai năm qua.

“Dù mua sắm trong nước hay tại nước ngoài, những người giàu có và trung lưu vẫn có xu hướng yêu thích thương hiệu xa xỉ quốc tế vì họ khao khát trở thành công dân toàn cầu”, Mr. Bags nhận định. “Trong số nhiều người tiêu dùng trung lưu mà tôi từng phỏng vấn, tôi nhận thấy sự hiện diện rõ ràng của các thương hiệu nước ngoài trong nhà của họ. Đây là một phần của sở thích tạo ra “môi trường quốc tế” – bất chấp một thực tế là các mẫu túi được ưa chuộng có giá bán tại Trung Quốc cao hơn nhiều so với các thị trường khác”.

Quả thật, nhìn vào bối cảnh chung về giá cả trên thế giới, chúng ta có thể thấy các công ty xa xỉ thậm chí định vị giá ở Nhật Bản còn thấp hơn so với Trung Quốc. Thương hiệu Louis Vuitton có mức chênh lệch cao nhất (-50%), tiếp đó là Gucci (-14%), Celine (-6%), Bottega Veneta (-8%).

Trang web Retviews cho biết: "Ngoại trừ một số trường hợp ngoại lệ cụ thể của một số thương hiệu, Trung Quốc vẫn là thị trường châu Á ghi nhận mức giá cao nhất đối với đồ da. Các sản phẩm da sản xuất tại châu Âu nổi tiếng là có chất lượng cao và được gia công tỉ mỉ, vậy nên chúng là mặt hàng được tìm kiếm nhiều nhất”.

Ngân sách đầu tư vào Trung Quốc của các thương hiệu xa xỉ đã tăng lên đáng kể.
Ngân sách đầu tư vào Trung Quốc của các thương hiệu xa xỉ đã tăng lên đáng kể.

Ngoài ra, dữ liệu của Retviews cũng cho thấy sự khác biệt giá cả đáng kể giữa các mặt hàng da cao cấp ở Châu Âu, Anh, Mỹ và Trung Quốc. Ví dụ: giá một chiếc túi tote Celine Triomphe ở Pháp là 2.616 USD, Mỹ là 2.950 USD, Trung Quốc là 3.675 USD, nghĩa là người Trung Quốc phải trả nhiều hơn 40% cho mẫu túi này so với ở Pháp. Họ cũng phải trả thêm 42% cho chiếc túi da đan "Cabat" của Bottega Veneta, 30% cho chiếc Neverfull của Louis Vuitton và 20% cho chiếc Ophidia của Gucci.

Trước khi đại dịch bùng nổ, châu Âu là điểm đến yêu thích của các vị khách Trung Quốc giàu có bởi giả cả hàng hóa xa xỉ ở đây thấp hơn và chủng loại thì phong phú hơn. Tuy nhiên, tình hình thị trường hiện nay không còn giống như vậy nữa. 

"Ngân sách đầu tư vào Trung Quốc của các thương hiệu xa xỉ đã tăng lên đáng kể. Hai trong số những thương hiệu phổ biến nhất ở Trung Quốc, Gucci và Louis Vuitton, đều bày bán nhiều sản phẩm ở Trung Quốc hơn so với Pháp. Cụ thể, số lượng hàng da của Gucci ở Trung Quốc nhiều gần gấp ba lần so với ở Pháp, còn Louis Vuitton ở Trung Quốc thì nhiều hơn 19% so với ở Pháp", trang Retviews nhận định.