Từng khủng hoảng tồn kho, nay hàng tồn kho của Masan giảm còn 2 tuần
"Tăng trưởng của Masan thật sự ấn tượng, nhưng điều mà tôi tự hào hơn cả là cách mà chúng ta đã đạt được những kết quả này"
"Tăng trưởng của Masan thật sự ấn tượng, nhưng điều mà tôi tự hào hơn cả là cách mà chúng ta đã đạt được những kết quả này. Tăng trưởng này là kết quả của việc chúng ta đã giữ vững niềm tin vào chiến lược dài hạn từ 5 năm trước và tiếp tục đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh xuyên suốt trong thời gian thị trường khủng hoảng cũng như khi đối mặt với các khó khăn trong vận hành", ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Masan Group, chia sẻ.
Masan Group đạt doanh thu thuần 9.184 tỷ đồng trong quý 2/2018, tăng trưởng 11,0% so với quý 1/2018 với 8.274 tỷ đồng, nhưng giảm 3,1% so với quý 2/2017 do ảnh hưởng của khủng hoảng giá heo, vốn đã kết thúc vào tháng 4/2018. Do đó, doanh thu thuần hợp nhất trong nửa đầu năm 2018 giảm 3,1% xuống 17.458 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông công ty trong nửa đầu năm 2018 đạt 3.031 tỷ đồng, tăng 566% so với nửa đầu năm 2017, trong đó gần một nửa đến từ các khoản thu nhập một lần do giả định bán một phần tỷ lệ sở hữu trong Techcombank.
Hầu hết các lĩnh vực kinh doanh của đều đạt tăng trưởng ấn tượng với hai chữ số trong nửa đầu năm 2018. Cụ thể, Masan Consumer (MCH), công ty con của Masan Group đã hoàn tất chiến lược giảm tồn kho và dồn sức đầu tư vào thương hiệu và phát kiến mới.
Do đó, doanh thu thuần tăng lên 7.526 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2018 so với mức 5.496 tỷ đồng cùng kỳ năm 2017; và lợi nhuận EBITDA tăng 174,3% lên 1.908 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2018 so với 696 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2017.
Nhờ chiến lược xây dựng thương hiệu (chi phí marketing tăng 60%) thay vì tập trung vào chiết khấu và khuyến mãi (chi phí bán hàng giảm 40%), mức tồn kho tại các nhà phân phối trên cả nước chỉ là khoảng 15 ngày tính đến cuối tháng 6/2018, so với giai đoạn đỉnh lên đến 80 ngày vào cuối tháng 12/2016.
Nhớ lại vào những năm 2013-2016, MCH từng chạy theo các chỉ số tài chính, với mong muốn đem lại kết quả "đẹp" trong báo cáo kết quả kinh doanh, đã dồn dập tung ra hàng loạt các chương trình khuyến mãi, giảm giá cho nhà phân phối.
Điều này giúp cải thiện doanh thu bán hàng đến nhà phân phối, nhưng việc giảm đầu tư vào xây dựng hình ảnh thương hiệu đã đem lại những hệ luỵ làm ảnh hưởng đến doanh thu hợp nhất của MCH.
Nhận thấy điều đó, MCH đã triển khai các chiến lược xoay chuyển tình thế, giúp giảm hàng tồn kho thành công trong chỉ còn 122 tỷ đồng trong quý 1/2018, đồng thời đầu tư mạnh tay cho sản phẩm mới và quảng bá thương hiệu. Hiện nay, MCH đang chiếm đến 43,1% trong tổng doanh thu 17.458 tỷ đồng của Masan Group nửa nửa đầu năm.
Đóng góp nhiều nhất vào doanh thu của MCH là các ngành hàng chủ chốt như nước tương, nước mắm với nhãn hiệu Nam Ngư, Chin-su, Tam Thái Tử, Omachi. Các dòng cao cấp của các sản phẩm cốt lõi trên đang càng ngày trở nên quan trọng trong cơ cấu doanh thu của MCH.
Gia vị cao cấp đang đóng góp 25% vào doanh thu của ngành trong nửa đàu 2018 so với chỉ 20% trong nửa đầu 2017. Mì ly Omachi đang đóng góp đến hơn 10% vào doanh thu của nhãn hiệu Omachi. Do đó, biên lợi nhuận gộp của MCH lên đến mức 44,4%.
Đối với lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, do khủng hoảng giá heo chỉ vừa mới kết thúc nên doanh thu của Masan Nutri-Science (MNS) vẫn bị ảnh hưởng, dù giá heo đã lên đến mức 48.000 đồng/kg so với 30.000 đồng/kg vào giai đoạn giá xuống thấp nhất.
Giá heo được đánh giá là sẽ duy trì ở mức cao một cách bền vững do nguồn cung đang thiếu hụt. Người chăn nuôi đang bắt đầu quay lại chế độ chăn nuôi năng suất cao và cho heo ăn đầy đủ trở lại. Ban Điều hành kỳ vọng sẽ gia tăng thị phần với Bio-zeem "Đỏ" - dòng sản phẩm cao cấp của MNS, do người chăn nuôi chuyển sang các loại thức ăn chăn nuôi năng suất cao.
MNS đang đi trên đà thực hiện kế hoạch bán ra thịt tươi có thương hiệu vào cuối năm 2018. Với trang trại chăn nuôi heo tại Nghệ An đi vào hoạt động và việc khởi công tổ hợp chế biến thịt tại Hà Nam vào tháng 2/2018, MNS đang ở rất gần với mục tiêu giới thiệu các sản phẩm thịt tươi sống có thương hiệu và nguồn gốc rõ ràng cho người tiêu dùng vào quý 4/2018.
Với mô hình sản xuất thịt tích hợp hoàn chỉnh, MNS có thể đạt biên lợi nhuận gộp đến 35%. Nhằm đạt mục tiêu này, MNS đã tuyển dụng những chuyên gia hàng đầu để dẫn dắt mảng sản xuất thịt: Matthys van der Lely làm Giám đốc điều hành của MNS Meat với 30 năm kinh nghiệm trong các mô hình bán lẻ khác nhau và Stefan Henn làm Giám đốc R&D của MNS Meat.
Trong khi đó, Masan Resources (MSR) đạt tăng trưởng lợi nhuận kỷ lục với doanh thu thuần nửa đầu năm 2018 tăng 26,6% lên 3.239 tỷ đồng so với nửa đầu năm 2017. Lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông công ty cho nửa đầu năm 2018 tăng 377,4% lên 300 tỷ đồng so với cùng kỳ. MSR đạt được kết quả này là do giá vonfram tăng cao trong nửa đầu năm và các nâng cấp hệ thống giúp nâng cao hiệu quả hoạt động, giúp tăng tỷ lệ thu hồi vonfram trên quặng chế biến tăng 4,5%.
Về mặt chiến lược, MSR tiếp tục tìm kiếm các cơ hội để hiện thực hóa tầm nhìn trở thành nhà sản xuất hóa chất và kim loại công nghiệp cao cấp tích hợp hoàn toàn, có tầm cỡ thế giới. Ban Điều hành hiện đang trong quá trình thương thảo để lựa chọn nhà đầu tư chiến lược cả về sản xuất hóa chất và kim loại công nghiệp cao cấp tích hợp và đảm bảo nguồn cung.
Techcombank (TCB) đạt tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 90,1% lên 5.196 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2018 so với mức 2.734 tỷ đồng trong cùng kỳ năm 2017: Lợi nhuận trước thuế trong nửa đầu năm 2018 tăng nhờ tổng thu nhập hoạt động (TOI) tăng 20% từ 7.210 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2017 lên 8.659 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2018 mà đã bao gồm khoản thu nhập một lần 894 tỷ đồng.
Với những chuyển biến tích cực từ báo cáo nửa năm, Masan Group đặt mục tiêu doanh thu của cả Tập đoàn là 45.000-47.000 tỷ đồng, tăng gần 8.000-10.000 tỷ đồng so với cả năm 2017. Lợi nhuận phân bổ cho cổ đông có thể đạt 3.400-4.000 tỷ đồng so với mức 2.170 tỷ đồng năm ngoái.