06:00 08/11/2021

Tương lai xanh của ngành mỹ phẩm

Minh Nguyệt

Đang được định giá 532 tỷ USD, giống như mọi ngành công nghiệp khác, ngành công nghiệp làm đẹp toàn cầu cũng có xu hướng thay đổi và tăng trưởng liên tục...

“Upcycling” - tái sử dụng chất thải và sản phẩm phụ - là một hoạt động phổ biến trong lĩnh vực thời trang và ngày càng phát triển tại lĩnh vực làm đẹp. Bởi thực tế là, ngành công nghiệp mỹ phẩm là một trong những thủ phạm lớn nhất tạo ra chất thải nhựa đáng kể. Trên thực tế, mỗi năm có hơn 120 tỷ tấn vỏ bao bì được sản xuất bởi ngành công nghiệp mỹ phẩm toàn cầu, và phần lớn trong số đó thường kết thúc bằng việc vào thẳng thùng rác. 

HÀNH TRÌNH TỪ BAO BÌ TÁI CHẾ...

Vỏ hộp hay bao bì nhựa gắn chặt với sự phát triển của kỹ nghệ mỹ phẩm và sản phẩm chăm sóc cá nhân, từ dầu gội đến kem dưỡng da và chất khử mùi. Riêng tại Mỹ, số tiền chi ra cho việc sản xuất vỏ đựng bằng nhựa đã là 25 tỉ đô la. Điều gây đau đầu cho các nhà hoạt động môi trường là phần lớn số vỏ đựng bằng nhựa này không thể tái chế được. 

Trước khi mà tác hại của nhựa thải vượt quá tầm kiểm soát, ngành mỹ phẩm cần phải thay đổi nếu không muốn hứng chịu những phản ứng tiêu cực từ người tiêu dùng. Nhiều loại hình bao bì sản phẩm mỹ phẩm mới đang xuất hiện. Những thương hiệu quen thuộc vẫn giữ đường nét bao bì cũ, nhưng chất liệu bao bì nay đã khác. Các tập đoàn lớn như Unilever hay L’Oreal cho biết họ đang nỗ lực hoàn tất việc thay đổi bao bì cho những sản phẩm truyền thống.

L’Oreal đặt mục tiêu làm cho 100% bao bì của họ có thể tái sử dụng hoặc có thể tự phân hủy vào năm 2025 và sản xuất 50% bao bì từ vật liệu tái chế. Vừa qua, Innisfree, nhãn hàng mỹ phẩm đến từ Hàn Quốc đã cho ra mắt phiên bản Green Tea Seed Serum trong vỏ giấy vụn tổng hợp, phần chai bên trong giảm 51,8% nhựa so với thiết kế có cùng dung tích. Hãng mỹ phẩm thiên nhiên Aveda nổi tiếng với những sản phẩm cho tóc thì sử dụng tới gần 100% nguyên liệu tái chế cho bao bì của mình…

Bao bì bằng bìa cứng có thể trở thành giải pháp thay thế cho tương lai của hệ thống bao bì mỹ phẩm nói chung.
Bao bì bằng bìa cứng có thể trở thành giải pháp thay thế cho tương lai của hệ thống bao bì mỹ phẩm nói chung.

Hay như vừa qua, nhãn hàng dược mỹ phẩm La Roche-Posay đã ra mắt kem chống nắng Anthelios Body Milk Hydrating Lotion có bao bì dạng tuýp bằng giấy bìa cứng đầu tiên trên thế giới, sự kiện được xem là sự tiến bộ vượt bậc của ngành bao bì mỹ phẩm, làm giảm đến 45% lượng nhựa sử dụng trung bình trong các tuýp bao bì nhựa thông thường. Kiehl’s sẽ là thương hiệu tiếp theo sử dụng công nghệ bao bì mới này, dự kiến ra mắt các sản phẩm có bao bì thân thiện vào năm 2022.

Lợi ích môi trường của công nghệ này cũng được đánh giá bởi quy trình Phân tích Vòng đời Sản phẩm (Life Cycle Analysis – LCA), là một công nghệ hiện đại để đánh giá các tác động toàn diện đến môi trường của sản phẩm bắt đầu từ quá trình sản xuất cho đến khi sản phẩm được sử dụng và xử lý chất thải. Theo quy trình LCA, dấu chân sinh thái của tuýp kem chống nắng Anthelios 200ml dạng giấy của La Roche-Posay có mức tác động thấp nhất trong tất cả tiêu chí và nó có thể trở thành giải pháp thay thế cho tương lai của hệ thống bao bì mỹ phẩm nói chung.

... ĐẾN MỸ PHẨM TÁI CHẾ

Theo Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc, thế giới tiêu tốn 2,9 nghìn tỷ bảng Anh mỗi năm cho chất thải thực phẩm. Người ta ước tính rằng, ở Liên minh Châu Âu, có tới một phần ba tổng sản lượng nông nghiệp bị mất đi khi sản phẩm được phát hiện là "không hoàn hảo". Nhận thấy điều này, một sinh viên khoa thiết kế người Tây Ban Nha Júlia Roca Vera đã phát triển phương pháp biến những loại trái cây và rau không hoàn hảo thành mỹ phẩm.

Júlia Roca Vera đã tạo ra một dòng mỹ phẩm được đặt tên là Lleig, theo ngôn ngữ vùng Catalan có nghĩa là xấu xí. Lleig bao gồm bốn sản phẩm, từ kem dưỡng ẩm đến nước uống detox và xà phòng, tất cả đều được sản xuất bằng các loại trái cây đã bị nhà sản xuất loại bỏ vì không đạt đủ các quy định về chất lượng thẩm mỹ theo tiêu chí của các siêu thị. Mỗi sản phẩm này được đóng gói trong một bình gốm điêu khắc, có thể đổ đầy lại chứ không phải bỏ đi khi sản phẩm đã hết. 

 
Dù bằng cách nào, việc tận dụng được nguồn rau, củ, quả tươi (chỉ xấu xí về mặt hình thức) cho các mục đích xứng đáng, thật tuyệt vời. Mặc dù “upcycling” vẫn còn là khái niệm mới mẻ và chưa có nhiều dữ liệu trong mảng làm đẹp tái chế nhưng thị trường mỹ phẩm một vài năm trở lại đây đã ghi nhận thêm những trường hợp thành công cho các dòng sản phẩm đại trà. 

Chẳng hạn như sản phẩm sữa rửa mặt tái tạo năng lượng cho da từ thương hiệu Circumference trở thành một trong những sự lựa chọn yêu thích của phái đẹp Âu Mỹ năm 2020. Hay sáp tẩy trang từ thành phần táo của thương hiệu Farmacy đã bán được hơn 9.000 sản phẩm, thu về doanh số 500.000 USD trong vòng 30 ngày đầu tiên bán ra tại Sephora.

Vào năm 2020, thương hiệu nước hoa St. Rose đã ra mắt dòng hương mang tên “Vigilante”. Đây là sự kết hợp giữa các nguyên liệu đã qua sử dụng như gỗ từ Morrocan hay những cánh hoa hồng đã qua quá trình ép sẵn. Hầu hết chúng là những nguyên liệu sẽ bị vứt bỏ nhưng với sự kết hợp của St. Rose, mùi hương Vigilante lại có thể tiến vào vòng chung kết và đạt được giải thưởng Nước Hoa của Năm (Fragrance of the Year) tại cuộc thi Fragrance Foundation Indie Awards. 

Việc "biến hóa" những củ cà rốt Jeju Guiwa có vẻ ngoài xấu xí ấy thành những sản phẩm chăm sóc da tay là ý tưởng hay.
Việc "biến hóa" những củ cà rốt Jeju Guiwa có vẻ ngoài xấu xí ấy thành những sản phẩm chăm sóc da tay là ý tưởng hay.

Mới đây nhất là câu chuyện về dòng sản phẩm chăm sóc da tay Upcycled Carrot Hand Care của Hàn Quốc. Xuất phát từ việc tận dụng nguồn nguyên liệu là những củ cà rốt giàu dinh dưỡng nhưng thường bị bỏ đi vì vẻ ngoài không được đẹp mắt, không những phí phạm nguồn nguyên liệu tốt mà còn gây hại cho môi trường bởi rau củ thối rữa sẽ sinh ra khí Metan - loại khí gây hiệu ứng nhà kính nguy hiểm thứ hai sau khí CO2 và là tác nhân hàng đầu khiến toàn cầu ấm lên.

Chính vì vậy việc "biến hóa" những củ cà rốt Jeju Guiwa có vẻ ngoài xấu xí ấy thành những sản phẩm chăm sóc da tay là ý tưởng hay. Dòng mỹ phẩm tái chế sáng tạo này được Innisfree kết hợp với I’m Jeju - một thương hiệu sản xuất nước ép nổi tiếng tại Hàn Quốc từ việc thu hoạch cà rốt và thương mại hóa chúng cùng với bột cà rốt còn thừa sau khi ép nước. Đây tiếp tục là một nỗ lực nhỏ trên con đường “go green” đầy gian nan của các hãng mỹ phẩm.

Mặc dù phân khúc này vẫn đang gặp phải nhiều trở ngại, nhất là bài toán cân đối chi phí để phát triển lâu dài nhưng các chuyên gia vẫn đặt niềm tin vào sức sống của xu hướng này, vì những dấu hiệu khả quan về sự ủng hộ của người tiêu dùng. Trong tương lai, chắc chắn sẽ có thêm những cái tên mới trong ngành mỹ phẩm, những thương hiệu sở hữu nguồn vốn đầu tư dồi dào và cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện đại để tạo nên cú bứt phá cho phân khúc tiềm năng này.

 
Theo dữ liệu của Euromonitor, ngành chăm sóc cá nhân và làm đẹp tại Mỹ đã sản xuất ra 8 triệu đơn vị chất thải nhựa cứng chỉ trong năm 2019. Ước tính lượng nhựa thải ra này có thể xây dựng được 19 tòa nhà Empire State với kích thước thật. Chính vì vậy, bao bì thân thiện và mỹ phẩm tái chế đang trở thành xu hướng trong ngành công nghiệp làm đẹp.