19:20 30/04/2023

Tuyển sinh 2023: Nơi tăng học phí, nơi tung học bổng để thu hút thí sinh

Đỗ Như

Trong khi một số trường đại học rục rịch tăng học phí thì tại một số ngành, các trường cũng tung học bổng, các chính sách khuyến khích thí sinh…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, trong các lĩnh vực đào tạo thì ngành Kinh doanh và quản lý chiếm tỷ lệ tuyển sinh là 24,54%, sau đó là ngành Máy tính và công nghệ thông tin chiếm 11,79%, công nghệ kỹ thuật chiếm 9,18%,. Lần lượt tiếp đó là các ngành Nhân văn 8,68%; Sức khỏe 6,35%; Khoa học xã hội và hành vi 5,46%; Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên trình độ đại học 5,09%; Kỹ thuật 4,86%; Phát luật 3,99%....

Theo thống kê số liệu tuyển sinh, phần lớn cơ sở đào tạo đã tuyển được số lượng đạt tỷ lệ cao số với chỉ tiêu. Bên cạnh đó có một số cơ sở đào tạo tuyển sinh khó khăn, nhất là ở một số lĩnh vực và ngành đào tọa. Đặc biệt, trong 3 năm liền, 4 lĩnh vực là Nông lâm nghiệp và Thủy sản, Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên và Dịch vụ xã hội đứng đầu danh sách các lĩnh vực tuyển sinh kém nhất.

Nguyên nhân được xác định là do một số cơ sở đào tạo chưa đủ uy tín, thương hiệu để hấp dẫn thí sinh, do vị trí địa lý, sự cạnh tranh khi chỉ tiêu hàng năm tăng, lĩnh vực đào tạo thí sinh ít có nhu cầu theo trào lưu xã hội, ngành đào tạo hẹp, ngành mới thí điểm đào tạo, ngành thiếu hấp dẫn về cơ hội việc làm và phát triển nghề nghiệp.

RỤC RỊCH TĂNG HỌC PHÍ

Trong kỳ tuyển sinh 2023, một số trường đại học rục rịch tăng học phí. Đơn cử như, trong đề án tuyển sinh năm nay, Học viện Tài chính đưa ra mức học phí dự kiến năm học tới với chương trình chuẩn là 22-24 triệu đồng, tăng 10-20% so với hiện tại. Học phí với chương trình chất lượng cao tăng nhẹ lên 48-50 triệu.

Thông tin từ đề án tuyển sinh năm 2023 của Trường Đại học Ngoại thương, học phí dự kiến với sinh viên chính quy thực hiện theo quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo ban hành theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 27 tháng 08 năm 2021 của Chính phủ.

Cụ thể, học phí dự kiến năm học 2023-2024 đối với chương trình đại trà: 22 triệu đồng/sinh viên/năm; học phí chương trình chất lượng cao dự kiến là 45 triệu đồng/năm; học phí chương trình tiên tiến dự kiến là 70 triệu đồng/năm.

Học phí của các chương trình định hướng nghề nghiệp và phát triển quốc tế: Chương trình Logistics và quản lý chuỗi cung ứng định hướng nghề nghiệp quốc tế; chương trình kinh doanh quốc tế theo mô hình tiên tiến Nhật Bản; chương trình kế toán - kiểm toán định hướng nghề nghiệp ACCA; chương trình chất lượng cao luật kinh doanh quốc tế theo mô hình thực hành nghề nghiệp, dự kiến khoảng 45 triệu đồng/năm.

Học phí của chương trình quản trị khách sạn, marketing số, kinh doanh số, truyền thông Marketing tích hợp dự kiến là 60 triệu đồng/năm.

Theo nhà trường, mức học phí dự kiến trên đây với sinh viên chính quy thực hiện theo quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo ban hành theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 27 tháng 08 năm 2021 của Chính phủ.

Dự kiến học phí của các chương trình được điều chỉnh hàng năm không quá 10%/năm.

Đề án tuyển sinh của Trường Đại học Thương mại cũng vừa đưa ra mức học phí năm học 2023 - 2024 đối với sinh viên chính quy tuyển sinh năm 2023. Theo đó, học phí chương trình đào tạo chuẩn: Từ 2,3- 2,5 triệu đồng/tháng theo từng ngành (chuyên ngành) đào tạo.

Mức thu học phí hàng năm tăng tối đa 12,5% so với năm trước liền kề (Theo Nghị định 81/NĐ-CP ngày 27/08/2021 của Chính phủ).

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội cũng dự kiến tăng học phí chương trình đại trà không quá 10%/năm. Năm học 2022- 2023, học phí chương trình đại trà của trường dao động từ 500.000-1.900.000 đồng/tín chỉ, tức khoảng 16 triệu-24 triệu đồng/năm học tùy theo từng ngành.

Học phí chương trình chất lượng cao cao hơn khoảng 2 lần so với chương trình đại trà và dao động từ 40-60 triệu đồng/năm; học phí chương trình tiên tiến dao động từ 40-80 triệu đồng/năm tùy từng ngành. Mức học phí này có thể thay đổi mỗi năm nhưng không vượt quá 10% so với năm trước.

TUNG HỌC BỔNG ĐỂ THU HÚT THÍ SINH VÀO NGÀNH KHOA HỌC CƠ BẢN

Trước tình cảnh một số ngành khoa học cơ bản khó tuyển sinh, nhiều trường đại học đã tung các gói học bổng, ưu tiên nhằm thu hút thí sinh đầu vào.

Theo đó, từ năm học 2022 - 2023, Đại học Quốc gia Hà Nội đã triển khai thí điểm các suất học bổng cho sinh viên các ngành khoa học cơ bản thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn với gói học bổng gồm: miễn học phí, miễn phí chỗ ở nội trú, ưu tiên tham gia nghiên cứu khoa học và chương trình ươm tạo nhà khoa học, ưu tiên khi xét các học bổng khác và hỗ trợ sinh hoạt phí 20 triệu đồng/năm học.

Trong đó, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên có 9 ngành được hỗ trợ, gồm: Tài năng Toán học, Tài năng Vật lý, Tài năng Hóa học, Tài năng Sinh học, Địa lý tự nhiên, Địa chất học, Tài nguyên và môi trường nước, Hải dương học và Công nghệ kỹ thuật hạt nhân.

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn gồm 9 ngành: Hán Nôm, Lịch sử, Triết học, Tôn giáo học, Chính trị học, Nhân học, Việt Nam học, Ngôn ngữ học và Văn học.