17:30 10/02/2023

Cử tri kiến nghị nhiều vấn đề về học phí, lương và phụ cấp giáo viên

Đỗ Như

Một số ý kiến cử tri đã phản ánh về việc học phí của sinh viên các ngành khối kỹ thuật, sư phạm... cũng như về lương và phụ cấp của giáo viên...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang đề nghị xem xem xét, hướng dẫn nguồn kinh phí và việc lập dự toán đối với việc hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm đào tạo theo nhu cầu xã hội (không thuộc đối tượng giao nhiệm vụ, đặt hàng đấu thầu) để thuận lợi trong tham mưu, thực hiện.

BẤT CẬP CỦA NGHỊ ĐỊNH 116

Lý do cử tri đưa ra là vì hiện nay, Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ “quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm” đã quy định kinh phí hỗ trợ đóng học phí học tập đối với sinh viên sư phạm đào tạo theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu và sinh viên sư phạm theo nhu cầu xã hội (không thuộc đối tượng giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu) đều do ngân sách Nhà nước chi trả và được giao trong dự toán ngân sách Nhà nước hằng năm (quy định tại Điều 5 của Nghị định).

Tuy nhiên, Nghị định lại chưa quy định trách nhiệm của UBND tỉnh trong việc chi trả đối với sinh viên sư phạm đào tạo theo nhu cầu xã hội không thuộc đối tượng giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu); chưa quy định cụ thể việc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng dự toán kinh phí gửi Bộ Tài chính và các Bộ, ngành có liên quan để thẩm định, giao dự toán kinh phí để tổ chức thực hiện Nghị định số 116/2020/NĐ-CP.

Bên cạnh đó tại Quyết định số 30/2021/QĐ-TTg ngày 10/10/2021 của Thủ ướng Chính phủ về việc ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách Nhà nước năm 2022; Thông tư số 122/2021/TT-BTC ngày 2 24/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022 và các văn bản của Bộ Tài chính chưa có hướng dẫn cụ thể việc lập dự toán kinh phí đối với nội dung này.

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NÓI GÌ?

Trước vấn đề này, Bộ giáo dục và Đào tạo cho biết, tại Điều 5 Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm quy định cụ thể như sau:

Lập dự toán: Cơ sở đào tạo giáo viên lập dự toán kinh phí chi trả chế độ cho sinh viên sư phạm đào tạo theo nhu cầu xã hội (không thuộc đối tượng giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu) và gửi cơ quan cấp trên tổng hợp báo cáo cơ quan tài chính bố trí dự toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước (điểm b khoản 1 Điều 5). Định mức xây dựng dự toán theo quy định tại Điều 4 Nghị định 116.

Bố trí dự toán: Đối với kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm trong chỉ tiêu Bộ Giáo dục Đào tạo thông báo nhưng không thuộc đối tượng giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu, được bố trí trong dự toán hằng năm của cơ sở đào tạo giáo viên được cấp có thẩm quyền giao theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước (điểm b khoản 2 Điều 5).

Việc lập dự toán, chấp hành dự toán và thanh quyết toán kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm tại Nghị định 116 thực hiện theo quy định tại Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện (khoản 3 Điều 5).

Chi trả kinh phí: Cơ sở đào tạo giáo viên có trách nhiệm chi trả tiền hỗ trợ chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm thông qua tài khoản tiền gửi của sinh viên tại ngân hàng (điểm c, khoản 2, Điều 5).

Như vậy tại Điều 5 Nghị định 116 đã quy định cụ thể việc xây dựng dự toán và bố trí kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm.  

Còn theo cử tri tỉnh Thanh Hóa, nhiều trường đại học, nhất là các ngành kỹ thuật, khối ngành y, dược tăng học phí rất cao, ảnh hưởng đến nguyện vọng và nhu cầu của nhiều gia đình và chưa phù hợp với mức thu nhập bình quân thực tế của người dân. Cử tri kiến nghị điều chỉnh lộ trình thu học phí theo hướng tăng dần theo mức trần và quy định cụ thể về mặt thời gian để hoàn thành việc tăng học phí.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo để áp dụng từ năm học 2021 - 2022.

Theo đó mức học phí của các cơ sở giáo dục đại học công lập năm học 2021-2022 giữ ổn định, không tăng so với năm học 2020 - 2021 để chia sẻ khó khăn với phụ huynh, học sinh và người dân do ảnh hưởng của dịch Covid. Từ năm học 2022 - 2023, mức trần học phí điều chỉnh căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội của cả nước và các chỉ số lạm phát, tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm, dự kiến đến năm 2025 tính đủ chi phí đào tạo.

Thực hiện Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 08/6/2022 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2022 và ý kiến của Lãnh đạo Chính phủ, Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết số 165/NQ-CP ngày 20/12/2022 về học phí đối với cơ sở giáo dục và đào tạo công lập năm học 2022 - 2023. Theo đó giữ ổn định mức học phí năm học 2022 - 2023 của các cơ sở giáo dục công lập bằng mức học phí năm học 2021 - 2022 để góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ học sinh và gia đình phụ huynh giảm bớt gánh nặng, ổn định đời sống.

KIẾN NGHỊ VỀ LƯƠNG VÀ PHỤ CẤP GIÁO VIÊN

Cử tri tỉnh Tuyên Quang còn phản ánh, nhiều cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh đều thiếu giáo viên theo định mức quy định nhưng lại không có kinh phí để chi trả tiền dạy thêm giờ cho giáo viên. Do đó, đề nghị thực hiện cấp lương và phụ cấp theo lương cho giáo viên theo định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục do Bộ Giáo dục Đào tạo quy định, không cấp theo số giáo viên được giao trong chỉ tiêu biên chế.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, để bảo đảm số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, Bộ Giáo dục Đào tạo đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo tuyển dụng đủ số lượng giáo viên trong nhà trường theo định mức quy định. Trong trường hợp chưa đủ số lượng người làm việc theo định mức quy định được cấp kinh phí để hợp đồng giáo viên, sắp xếp để giáo viên dạy thêm giờ theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, nhằm giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, Bộ GDĐT đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang có ý kiến với Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang tập trung đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, hình thành trường phổ thông nhiều cấp học (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của phương.