08:25 14/01/2024

Tỷ lệ giải phóng mặt bằng của Thanh Hóa cao nhất từ trước đến nay

Nguyễn Thuấn

Năm 2023, diện tích đã hoàn thành giải phóng mặt của toàn tỉnh Thanh Hóa là hơn 2.286 ha, tỷ lệ đạt 96,49% so với kế hoạch gấp 1,47 lần so với năm 2022, đây là tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay của tỉnh này.

Năm 2023, Thanh Hóa có tới 10 đơn vị đã hoàn thành và vượt kế hoạch trong công tác giải phóng mặt bằng
Năm 2023, Thanh Hóa có tới 10 đơn vị đã hoàn thành và vượt kế hoạch trong công tác giải phóng mặt bằng

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa vừa tổ chức hội nghị tổng kết công tác tài nguyên và môi trường năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Theo thông tin tại hội nghị, năm 2023 diện tích đã hoàn thành giải phóng mặt của toàn tỉnh Thanh Hóa hơn 2.286 ha/2.369 ha, tỷ lệ đạt 96,49% so với kế hoạch gấp 1,47 lần so với năm 2022, để thực hiện 726 dự án đầu tư. Trong đó có 10 đơn vị đã hoàn thành và vượt kế hoạch, là năm có tỷ lệ giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh cao nhất từ trước đến nay.

Trong năm 2023, trên địa bàn toàn tỉnh Thanh Hóa đã đấu giá 70,3 ha đất, tổng số tiền trúng đấu giá là 4.486 tỷ đồng. Thẩm định phương án giá đất cụ thể 30 dự án, tổng giá trị quyền sử dụng đất 6.500 tỷ đồng. Số thu tiền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh năm 2023, đạt 7.600 tỷ đồng.

Trong năm 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa đã tăng cường việc rà soát các mỏ khai thác khoáng sản đang khai thác, đồng thời tổ chức đấu giá các mỏ mới để đảm bảo nguồn cung vật liệu xây dựng phục vụ thi công các công trình trọng điểm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là dự án Đường cao tốc Bắc - Nam, đoạn qua tỉnh Thanh Hoá.

Trong năm đã tổ chức đấu giá đối với 47 mỏ khoáng sản, tổng số tiền trúng đấu giá gần 200 tỷ đồng (năm 2022 không đấu giá được mỏ nào), trong đó nhiều mỏ được đấu giá theo hình thức trực tuyến, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật.

Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị

Đối với công tác bảo vệ môi trường, tỉnh này cũng đạt được nhiều kết quả tích cực, trên địa bàn tỉnh không phát sinh các điểm nóng về ô nhiễm môi trường, đặc biệt là Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý đạt cao nhất từ trước đến nay, đạt 91,8% (vượt 1,8% so với kế hoạch được giao và vượt chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh đến năm 2025).

Thời gian thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường cũng đã được Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa rút ngắn từ 30% trở lên so với quy định (quy định 50 ngày, rút ngắn còn không quá 35 ngày).

 Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa Lê Sỹ Nghiêm phát biểu tại hội nghị.
 Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa Lê Sỹ Nghiêm phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa cho biết, năm 2024,  đã xác định một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tập trung, phối hợp giải quyết hiệu quả các khó khăn, vướng mắc, bất cập cho UBND các huyện, thị xã, thành phố; trọng tâm là tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, cơ chế, chính sách cho phát triển, các vấn đề liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng, tính tiền sử dụng đất, tiến độ thực hiện các dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp, giải ngân vốn đầu tư công…

Đẩy mạnh cải cách hành chính, rà soát đơn giản hóa thủ tục hành chính, giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc cho các tổ chức, doanh nghiệp, công dân; tiết giảm tối đa thời gian và chi phí tham gia thực hiện các thủ tục hành chính, góp phần tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn.

Chú trọng công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chấn chỉnh tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Kịp thời động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; xử lý nghiêm các trường hợp gây khó khăn, phiền hà trong thực thi công vụ...