Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng vượt mức 2%
Dịch bệnh là nguyên nhân khách quan dẫn đến việc doanh nghiệp và người dân không trả nợ được ngân hàng
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng trong giai đoạn từ cuối năm 2017 đến tháng 7/2020 được duy trì dưới 2%. Tuy nhiên, từ tháng 8/2020 bắt đầu có xu hướng tăng nhẹ trên mức 2%.
Đây là thông tin được ông Nguyễn Trọng Du, Phó Chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước cho biết tại buổi Họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2021.
Thông tin thêm về tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, hiện nay, mục tiêu tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo Nghị quyết Quốc hội đầu năm hoàn toàn trong tầm tay. Tuy nhiên, dịch bệnh tác động ghê gớm đến sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu là nguyên nhân khách quan dẫn đến việc doanh nghiệp và người dân không trả nợ được ngân hàng.
"Đây là việc khách quan, không phải do doanh nghiệp cũng không phải do ngân hàng yếu kém. Hiện, nguy cơ nợ xấu cuối năm nay cũng như trong năm 2021 là vấn đề đặc biệt cần phải quan tâm", ông Tú nhấn mạnh.
Liên quan đến giải pháp cho vấn đề trên, ông Du cho biết, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động của tổ chức tín dụng, đặc biệt là đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao.
Bên cạnh đó, theo dõi, nắm bắt kịp thời các diễn biến bất thường có nguy cơ rủi ro để kiến nghị, khuyến nghị, cảnh báo tổ chức tín dụng xử lý kịp thời nhằm ngăn ngừa, hạn chế rủi ro trong hoạt động.
"Tiếp tục giám sát chặt chẽ và chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai quyết liệt, hiệu quả phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đã được phê duyệt", ông Du thông tin.
Chia sẻ bên lề, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho rằng, Nghị quyết 42 đang có một hiệu quả hết sức to lớn trong việc giúp các tổ chức tín dụng tái cơ cấu và xử lý nợ xấu.
Trong đó, tính bình quân từ 2012 đến 2017, thời điểm chưa có Nghị quyết 42, tỷ lệ nợ xấu các tổ chức tín dụng thu hồi được từ việc khách hàng tự giác trả khoảng 3,5 nghìn tỷ đồng. Thế nhưng sau khi có 42, khách hàng tự nguyện trả nợ 6,5 nghìn tỷ đồng/tháng.
Ngoài ra, nếu như trước đây, các tổ chức tín dụng tự thu hồi nợ đạt khoảng đạt trên 20%, nhưng khi có nghị quyết 42, thu hồi nợ được hơn 40%, tức gấp đôi.
Mặt khác, Nghị quyết 42 cũng khiến các ngân hàng phải nâng khả năng tài chính lên bằng cách nâng vốn điều lệ. Cụ thể, từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, các tổ chức tín dụng đã nâng vốn điều lệ từ 488.000 tỷ đồng lên 655.000 tỷ đồng; Tổng tài sản 8,5 triệu tỷ đồng lên 13 triệu tỷ đồng. "Đây là bước tiến vượt bậc", ông Hùng đánh giá.
Do đó, ông Hùng cho rằng, việc kéo dài Nghị quyết 42 là rất cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa dứt điểm hẳn, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng có động lực duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức cho phép.