Tỷ phú giàu nhất Thái Lan gặp khó
Là một người Hoa, ông Dhanin nổi tiếng là có mối quan hệ gần gũi với giới lãnh đạo ở Bắc Kinh
“Đế chế” kinh doanh của tỷ phú giàu nhất Thái Lan, ông Dhanin Chearavanont, đang gặp nhiều thách thức vì một số lý do, từ kinh tế Trung Quốc giảm tốc, đồng Rúp của Nga mất giá, cho tới bất ổn chính trị ở Thổ Nhĩ Kỳ - tờ Wall Street Journal cho hay.
Theo tờ báo này, ông Dhanin đã xây dựng cơ nghiệp đồ sộ từ kinh doanh thịt gà, lợn và tôm, tiếp đến là xây dựng một mạng lưới phủ rộng toàn cầu các cửa hiệu tiện ích, rồi đầu tư vào ngành viễn thông tại thị trường trong nước, bên cạnh sản xuất nhựa và dược phẩm tại Trung Quốc. Tỷ phú này cũng là người đã “mua hụt” Metro Việt Nam hồi đầu năm 2014.
Tập đoàn Charoen Pokphand Group (CP) do ông Dhanin nắm quyền kiểm soát đã vượt qua được “cơn bão” cúm gia cầm càn quét qua ngành kinh doanh thịt gà cách đây 1 thập niên, đạt doanh thu hàng năm lên tới 40 tỷ USD vào năm 2013.
Sau nhiều năm mở rộng với tốc độ mạnh mẽ, CP hiện có 300.000 nhân viên làm việc tại gần 200 chi nhánh ở 17 quốc gia. Không chỉ kinh doanh thực phẩm, tập đoàn này còn hoạt động trong nhiều lĩnh vực đa dạng, bao gồm sản xuất phụ tùng ôtô và ngân hàng. Nhiều công ty con của CP là các công ty tư nhân, nhưng cũng có một số công ty niêm yết ở Thái Lan, Hồng Kông, Đài Loan và Indonesia.
Năm nay 76 tuổi, tỷ phú Dhanin đang phải chứng kiến lợi nhuận của tập đoàn CP suy giảm do những khó khăn của nền kinh tế trong nước kể từ sau vụ chính biến ở Thái Lan hồi năm 2014.
Theo giới phân tích, tiêu dùng yếu đi đã ảnh hưởng mạnh tới chuỗi cửa hiệu tiện ích 7-Elevens của ông Dhanin ở Thái Lan, chưa kể bệnh dịch làm hao hụt khoảng 10% sản lượng chăn nuôi tôm của CP. Bên cạnh đó, tình trạng dư thừa nguồn cung thịt gà và thịt lợn - hiện vẫn là những mặt hàng kinh doanh chủ đạo của CP - đã khiến giá của những mặt hàng này giảm 10% từ đầu năm tới nay.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh công bố ngày 11/11, CP Foods, công ty con niêm yết lớn nhất của CP Group đồng thời là nhà sản xuất thịt và thức ăn chăn nuôi lớn nhất Thái Lan, chứng kiến lợi nhuận ròng giảm 14% trong quý 3 vừa qua, còn xấp xỉ 100 triệu USD.
Năm ngoái, lợi nhuận ròng của CP Foods đạt 294 triệu USD, giảm 44% so với mức đỉnh đạt được vào năm 2012. Giới phân tích dự báo lợi nhuận của CP Foods còn yếu trong ít nhất 2 năm tới. Trung Quốc và Việt Nam là hai thị trường nước ngoài hàng đầu của công ty này.
Tại các thị trường mới nổi mà CP lấy làm trọng tâm để phát triển kinh doanh ở nước ngoài, hiệu quả thu được cũng chưa đáng là bao. Đồng Rúp mất giá của Nga đã khiến doanh thu của CP từ mảng kinh doanh nông sản và thức ăn chăn nuôi giảm sút khi chuyển về nước. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, nơi CP có một cơ sở sản xuất thịt gà và trứng quy mô lớn, bất ổn chính trị đã dẫn tới nhu cầu tiêu dùng suy giảm.
Đồng Real của Brazil mất giá khiến thịt gà và thịt lợn của nước này xuất khẩu sang châu Âu và Đông Nam Á cạnh tranh tốt hơn các sản phẩm cùng loại của CP. Hiện Brazil là đối thủ chính của Thái Lan trong lĩnh vực xuất khẩu thịt gà và thịt lợn.
Tại Trung Quốc, nơi CP đầu tư vào nhiều lĩnh vực gồm nông nghiệp, bán lẻ, sản xuất và bất động sản, tập đoàn này hiện đang chật vật với sự giảm tốc tăng trưởng kinh tế.
Ông Dhanin nối nghiệp cha thân sinh, trở thành Chủ tịch của CP vào năm 1969. Trước đó, tập đoàn này chuyên kinh doanh hạt giống, nhưng từ khi ông Dhanin lên nắm quyền, hoạt động kinh doanh được mở rộng sang chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Là một người Hoa, ông Dhanin nổi tiếng là có mối quan hệ gần gũi với giới lãnh đạo ở Bắc Kinh trong suốt nhiều thập kỷ qua. CP cũng là công ty nước ngoài đầu tiên đăng ký hoạt động ở Trung Quốc vào năm 1979 sau khi nước này bắt đầu mở cửa nền kinh tế.
Năm ngoái, một tháng sau vụ đảo chính ở Thái Lan, ông Dhanin đã bán lại cổ phần 18% trong một nhà mạng di động ở Thái Lan cho tập đoàn viễn thông nhà nước China Mobile của Trung Quốc. Tháng 9 vừa qua, ông Dhanin được mời ngồi gần Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình theo dõi lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai ở Bắc Kinh.
Trong bối cảnh doanh thu từ mảng thức ăn chăn nuôi ở Trung Quốc giảm sút, ông Dhanin nhảy vào những lĩnh vực mới như tài chính và bảo hiểm. Năm 2013, CP Group mua cổ phần trị giá 9,4 tỷ USD trong công ty bảo hiểm lớn thứ nhì Trung Quốc là Ping An Insurance. Đầu năm nay, tập đoàn này hợp sức với một công ty Nhật mua cổ phần 10,4 tỷ USD trong Citic Ltd., một trong những công ty tài chính quốc doanh lớn nhất Trung Quốc.
Việc Dhanin nhảy vào lĩnh vực tài chính đã khiến một số nhà phân tích cảm thấy khó hiểu và cho rằng CP đầu tư quá dàn trải. Giới đầu tư cũng không cảm thấy thuyết phục trước chiến lược này. Giá cổ phiếu của CP Foods đã giảm khoảng 1/3 trong vòng 1 năm trở lại đây.
Dù vậy, ông Dhanin vẫn là chủ nhân của khối tài sản ròng 22,1 tỷ USD tính đến ngày 10/11, giàu thứ 37 thế giới theo xếp hạng của tạp chí Forbes.
Ngoài ra, nợ nần gia tăng cũng là một mối lo của CP Foods. Mức nợ của công ty này đã tăng gấp khoảng 4 lần trong 5 năm qua do mở rộng kinh doanh và các vụ thâu tóm ở nước ngoài, bao gồm vụ mua một nhà máy chế biến thịt gia cầm trị giá 680 triệu USD ở Nga.
Theo tờ báo này, ông Dhanin đã xây dựng cơ nghiệp đồ sộ từ kinh doanh thịt gà, lợn và tôm, tiếp đến là xây dựng một mạng lưới phủ rộng toàn cầu các cửa hiệu tiện ích, rồi đầu tư vào ngành viễn thông tại thị trường trong nước, bên cạnh sản xuất nhựa và dược phẩm tại Trung Quốc. Tỷ phú này cũng là người đã “mua hụt” Metro Việt Nam hồi đầu năm 2014.
Tập đoàn Charoen Pokphand Group (CP) do ông Dhanin nắm quyền kiểm soát đã vượt qua được “cơn bão” cúm gia cầm càn quét qua ngành kinh doanh thịt gà cách đây 1 thập niên, đạt doanh thu hàng năm lên tới 40 tỷ USD vào năm 2013.
Sau nhiều năm mở rộng với tốc độ mạnh mẽ, CP hiện có 300.000 nhân viên làm việc tại gần 200 chi nhánh ở 17 quốc gia. Không chỉ kinh doanh thực phẩm, tập đoàn này còn hoạt động trong nhiều lĩnh vực đa dạng, bao gồm sản xuất phụ tùng ôtô và ngân hàng. Nhiều công ty con của CP là các công ty tư nhân, nhưng cũng có một số công ty niêm yết ở Thái Lan, Hồng Kông, Đài Loan và Indonesia.
Năm nay 76 tuổi, tỷ phú Dhanin đang phải chứng kiến lợi nhuận của tập đoàn CP suy giảm do những khó khăn của nền kinh tế trong nước kể từ sau vụ chính biến ở Thái Lan hồi năm 2014.
Theo giới phân tích, tiêu dùng yếu đi đã ảnh hưởng mạnh tới chuỗi cửa hiệu tiện ích 7-Elevens của ông Dhanin ở Thái Lan, chưa kể bệnh dịch làm hao hụt khoảng 10% sản lượng chăn nuôi tôm của CP. Bên cạnh đó, tình trạng dư thừa nguồn cung thịt gà và thịt lợn - hiện vẫn là những mặt hàng kinh doanh chủ đạo của CP - đã khiến giá của những mặt hàng này giảm 10% từ đầu năm tới nay.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh công bố ngày 11/11, CP Foods, công ty con niêm yết lớn nhất của CP Group đồng thời là nhà sản xuất thịt và thức ăn chăn nuôi lớn nhất Thái Lan, chứng kiến lợi nhuận ròng giảm 14% trong quý 3 vừa qua, còn xấp xỉ 100 triệu USD.
Năm ngoái, lợi nhuận ròng của CP Foods đạt 294 triệu USD, giảm 44% so với mức đỉnh đạt được vào năm 2012. Giới phân tích dự báo lợi nhuận của CP Foods còn yếu trong ít nhất 2 năm tới. Trung Quốc và Việt Nam là hai thị trường nước ngoài hàng đầu của công ty này.
Tại các thị trường mới nổi mà CP lấy làm trọng tâm để phát triển kinh doanh ở nước ngoài, hiệu quả thu được cũng chưa đáng là bao. Đồng Rúp mất giá của Nga đã khiến doanh thu của CP từ mảng kinh doanh nông sản và thức ăn chăn nuôi giảm sút khi chuyển về nước. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, nơi CP có một cơ sở sản xuất thịt gà và trứng quy mô lớn, bất ổn chính trị đã dẫn tới nhu cầu tiêu dùng suy giảm.
Đồng Real của Brazil mất giá khiến thịt gà và thịt lợn của nước này xuất khẩu sang châu Âu và Đông Nam Á cạnh tranh tốt hơn các sản phẩm cùng loại của CP. Hiện Brazil là đối thủ chính của Thái Lan trong lĩnh vực xuất khẩu thịt gà và thịt lợn.
Tại Trung Quốc, nơi CP đầu tư vào nhiều lĩnh vực gồm nông nghiệp, bán lẻ, sản xuất và bất động sản, tập đoàn này hiện đang chật vật với sự giảm tốc tăng trưởng kinh tế.
Ông Dhanin nối nghiệp cha thân sinh, trở thành Chủ tịch của CP vào năm 1969. Trước đó, tập đoàn này chuyên kinh doanh hạt giống, nhưng từ khi ông Dhanin lên nắm quyền, hoạt động kinh doanh được mở rộng sang chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Là một người Hoa, ông Dhanin nổi tiếng là có mối quan hệ gần gũi với giới lãnh đạo ở Bắc Kinh trong suốt nhiều thập kỷ qua. CP cũng là công ty nước ngoài đầu tiên đăng ký hoạt động ở Trung Quốc vào năm 1979 sau khi nước này bắt đầu mở cửa nền kinh tế.
Năm ngoái, một tháng sau vụ đảo chính ở Thái Lan, ông Dhanin đã bán lại cổ phần 18% trong một nhà mạng di động ở Thái Lan cho tập đoàn viễn thông nhà nước China Mobile của Trung Quốc. Tháng 9 vừa qua, ông Dhanin được mời ngồi gần Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình theo dõi lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai ở Bắc Kinh.
Trong bối cảnh doanh thu từ mảng thức ăn chăn nuôi ở Trung Quốc giảm sút, ông Dhanin nhảy vào những lĩnh vực mới như tài chính và bảo hiểm. Năm 2013, CP Group mua cổ phần trị giá 9,4 tỷ USD trong công ty bảo hiểm lớn thứ nhì Trung Quốc là Ping An Insurance. Đầu năm nay, tập đoàn này hợp sức với một công ty Nhật mua cổ phần 10,4 tỷ USD trong Citic Ltd., một trong những công ty tài chính quốc doanh lớn nhất Trung Quốc.
Việc Dhanin nhảy vào lĩnh vực tài chính đã khiến một số nhà phân tích cảm thấy khó hiểu và cho rằng CP đầu tư quá dàn trải. Giới đầu tư cũng không cảm thấy thuyết phục trước chiến lược này. Giá cổ phiếu của CP Foods đã giảm khoảng 1/3 trong vòng 1 năm trở lại đây.
Dù vậy, ông Dhanin vẫn là chủ nhân của khối tài sản ròng 22,1 tỷ USD tính đến ngày 10/11, giàu thứ 37 thế giới theo xếp hạng của tạp chí Forbes.
Ngoài ra, nợ nần gia tăng cũng là một mối lo của CP Foods. Mức nợ của công ty này đã tăng gấp khoảng 4 lần trong 5 năm qua do mở rộng kinh doanh và các vụ thâu tóm ở nước ngoài, bao gồm vụ mua một nhà máy chế biến thịt gia cầm trị giá 680 triệu USD ở Nga.