13:55 01/12/2021

Tỷ trọng kinh tế số trong GDP năm 2022 sẽ đạt khoảng 11,5%

Phan Anh

Kế hoạch chuyển đổi số trong năm 2022 được đề xuất có nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ quan trọng trong đó có 18 nhiệm vụ, chỉ tiêu trọng tâm đột phá ưu tiên tập trung nguồn lực triển khai. Mục tiêu năm 2022, tỷ trọng kinh tế số trong GDP sẽ đạt khoảng 11,5%...

Khai mạc Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam 2021 (Vietnam DX Summit 2021) lần thứ 2
Khai mạc Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam 2021 (Vietnam DX Summit 2021) lần thứ 2

Với chủ đề tăng tốc Chuyển đổi số hướng tới một Việt Nam số, ngày 1/12/2021, Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam 2021 (Vietnam DX Summit 2021) lần thứ 2 đã chính thức khai mạc.

Chương trình do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) phối hợp với Viện Công nghiệp Phần mềm và Nội dung số tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Y tế.

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, năm 2021 là năm Việt Nam phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu và là một động lực mới để thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, góp phần đẩy lùi dịch bệnh và phục hồi kinh tế.

Ở tầm quốc gia, Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số đã được thành lập trên cơ sở kiện toàn Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử, đưa Việt Nam trở thành một trong số các quốc gia tiên phong trên thế giới có Thủ tướng Chính phủ trực tiếp là Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số. Điều này thể hiện ý chí, quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thúc đẩy chuyển đổi số từ Trung ương đến cơ sở, ông Dũng nhấn mạnh.

 
Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số được thành lập trên cơ sở kiện toàn Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử, đưa Việt Nam trở thành một trong số các nước tiên phong trên thế giới có Thủ tướng trực tiếp là Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số. Điều này thể hiện ý chí, quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thúc đẩy chuyển đổi số từ Trung ương đến cơ sở.

Tại phiên họp đầu tiên ra mắt Ủy ban, Bộ Thông tin và Truyền thông với vai trò của Cơ quan Thường trực đã cùng với các bộ ngành, địa phương xác định và đề xuất lên Ủy ban một Kế hoạch chuyển đổi số năm 2022 với khoảng 45 nhiệm vụ quan trọng, trong đó 18 nhiệm vụ phân công tới từng Thành viên Ủy ban. Kèm theo đó là hơn 50 tiêu chí định lượng, đo lường mức độ chuyển đổi số quốc gia.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã tham mưu Thủ tướng ban hành Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số và đã trình dự thảo Chiến lược phát triển Kinh tế số, Xã hội số. Chiến lược mang tính bao trùm, định hướng chuyển đổi số trong các lĩnh vực, đặc biệt là 8 lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số. Các Bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp sẽ căn cứ vào Chiến lược đã được ban hành để xây dựng Chiến lược, chương trình hành động phù hợp.

“Bộ Thông tin và Truyền thông cam kết tiếp tục đồng hành cùng các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp, cộng đồng trong công cuộc chuyển đổi số để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi này”, ông Dũng nói.

Thông tin về các chỉ tiêu, kế hoạch, nhiệm vụ chuyển đổi số trong năm 2022 được đề xuất, ông Đỗ Công Anh, Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, về hạ tầng số, tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh đạt khoảng 85% (hiện nay tỷ lệ này là 75%). Tỷ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng là 70%.

Mục tiêu chuyển đổi số đặt ra năm 2022
Mục tiêu chuyển đổi số đặt ra năm 2022

Về chính phủ số, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 sẽ phấn đấu đạt 100%. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ là 80%. Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến là 50%.

Về mục tiêu kinh tế số và xã hội số, trong năm 2022, tỷ trọng kinh tế số trong GDP chiếm khoảng 11,5%. Tỷ lệ doanh nghiệp SMEs sử dụng nền tảng số khoảng 30%. Cùng với đó, tỷ lệ hóa đơn điện tử sẽ đạt mức 100% và tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử khoảng 50%. Cũng trong năm 2022 sẽ phấn đầu khoảng 90% tỷ lệ dân số trưởng thành có tài khoản thanh toán điện tử và 10% dân số trưởng thành có chữ ký số cá nhân…

Theo các chuyên gia, năm chuyển đổi số Quốc gia 2020 đã đánh dấu sự khởi động đầy tích cực ở mọi cấp, mọi ngành, mọi lĩnh vực, mọi địa phương và toàn xã hội trong cuộc đua chuyển đổi số.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA khẳng định, chuyển đổi số đang tạo ra những sự thay đổi chưa từng có trong mọi lĩnh vực của sống kinh tế xã hội đất nước. Dù vậy, hành trình chuyển đổi số quốc gia để xây dựng kinh tế số, xã hội số mới đang ở giai đoạn khởi động cho một chặng đường dài với nhiều thách thức, cả sự lúng túng từ nhận thức đến hành động cụ thể.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đặt ra yêu cầu thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số để tạo bứt phá về nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế với những mục tiêu cụ thể là phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành xây dựng chính phủ số, kinh tế số đạt khoảng 30% GDP và Việt Nam đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN.