09:28 13/11/2007

Ứng xử khi xảy ra đình công

Dũng Hiếu

Theo thống kê, từ năm 1995 đến nay tại Việt Nam đã xảy ra hơn 1.000 cuộc đình công lớn nhỏ

Theo đánh giá của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, 98/103 cuộc đình công có nguyên nhân xuất phát từ mục đích kinh tế.
Theo đánh giá của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, 98/103 cuộc đình công có nguyên nhân xuất phát từ mục đích kinh tế.
Theo thống kê, từ năm 1995 đến nay tại Việt Nam đã xảy ra hơn 1.000 cuộc đình công lớn nhỏ.

Mặc dù đình công được pháp luật thừa nhận như một phản ứng hợp pháp trong nền kinh tế thị trường, tuy nhiên hầu hết các cuộc đình công lại diễn ra tự phát, không đúng luật định, gây thiệt hại cho cả người lao động, người sử dụng lao động và ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường thế giới.

Chỉ tính riêng trong quý 1/2007 đã xảy ra 103 cuộc đình công tại 14/64 tỉnh, thành phố với hơn 62.700 lượt công nhân lao động tham gia. Nhiều nhất là tại Đồng Nai với 35 cuộc, tiếp đến là Bình Dương 22 cuộc, Tp.HCM 26 cuộc...

Theo đánh giá của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, 98/103 cuộc đình công có nguyên nhân xuất phát từ mục đích kinh tế. Ngoài ra, do hạn chế về mặt nhận thức cũng như hiểu biết pháp luật của người lao động, nên cũng có những cuộc đình công xảy ra do bị kích động.

Theo báo cáo của Viện Khoa học lao động, cho đến nay đã xác định được một cách tương đối các tổ chức đại diện cho ba bên trong quan hệ ở cấp quốc gia, đó là: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - đại diện cho Chính phủ; Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - đại diện cho người lao động và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Liên minh Hợp tác xã đại diện cho người sử dụng lao động. Chính phủ cũng đã thành lập Uỷ ban Quan hệ lao động ở cấp quốc gia và chỉ đạo cơ chế phối hợp liên ngành ở cấp tỉnh về quan hệ lao động.

Mặc dù vậy, chúng ta vẫn còn gặp nhiều thách thức trong giải quyết mối quan hệ lao động do chưa có được một cách hiểu nhất quán từ Trung ương đến địa phương về vai trò đại diện của các tổ chức, nhất là vai trò của người sử dụng lao động, từ đó dẫn đến những yếu kém trong mối quan hệ hợp tác dựa trên cơ sở đối thoại, thông tin, tham vấn và thương lượng giữa người lao động và người sử dụng lao động ở cấp doanh nghiệp. Các thoả thuận và thương lượng này chủ yếu chỉ dựa vào quy định của luật, không có thoả ước tập thể cấp hiệp hội, cấp ngành...

Chính vì thế, đã dẫn đến phát sinh nhiều bất đồng trong tranh chấp lao động mà đỉnh điểm là đình công. Bên cạnh đó, năng lực giải quyết tranh chấp lao động của hội đồng hoà giải và hội đồng trọng tài còn hạn chế; công đoàn - đại diện cho người lao động - thiếu vị thế đàm phán, thiếu năng lực.

6 quy tắc ứng x

Ông Jan Jung- Min Sunoo, cố vấn trưởng Dự án quan hệ lao động ILO tại Việt Nam, cho rằng ứng xử của người sử dụng lao động rất quan trọng. Khi có một cuộc đình công xảy ra, người sử dụng lao động cần liên hệ ngay với cán bộ lao động địa phương, cán bộ liên đoàn lao động quận, tỉnh và đại diện VCCI tại địa phương. Thứ hai, thông báo cho công an địa phương ngay khi có biểu hiện bạo lực, phá hoại tài sản công ty.

Thứ ba, cố gắng phát hiện và đàm phán với người lãnh đạo đình công để tìm nguyên nhân đình công. Thứ tư, tránh đưa ra những lời lẽ đe dọa hay mất bình tĩnh. Trong hoàn cảnh đó, tất cả mọi người đều dễ trở nên nóng giận. Cách tốt nhất là đặt thật nhiều câu hỏi để tìm hiểu đúng yêu cầu của người lao động và làm dịu tình hình.

Thứ năm, đừng cố giải quyết vấn đề khi chưa hiểu được nguyên nhân vấn đề. Trong trường hợp này, phải đặt nhiều câu hỏi để thực sự hiểu bản chất của vấn đề rồi giải quyết vấn đề một cách nghiêm túc và mềm mỏng. Đặc biệt, đừng hứa những điều mà mình không làm được.

Thứ sáu, người sử dụng lao động cần hợp tác với hòa giải viên, hội đồng trọng tài và các cơ quan chức năng trong suốt quá trình giải quyết đình công.