14:23 09/06/2022

Ưu tiên dùng vốn đầu tư công, “xoá trắng” cao tốc tại nhiều vùng kinh tế động lực

Ánh Tuyết

Để xoá "trắng" cao tốc ở các vùng kinh tế động lực như phía Nam, miền Trung, Tây Nguyên, theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, hàng loạt tuyến đường vành đai, cao tốc được ưu tiên dùng vốn đầu tư công để hoàn thành nhanh, mang lại đột phá lớn cho các vùng này...

Khắc phục tình tình trạng “lệch pha” trong đầu tư cao tốc để khai thác tiềm năng thế mạnh của các vùng.
Khắc phục tình tình trạng “lệch pha” trong đầu tư cao tốc để khai thác tiềm năng thế mạnh của các vùng.

Thiếu thốn về hạ tầng giao thông khiến Đồng bằng sông Cửu Long vẫn là vùng trũng của cả nước là vấn đề được Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM, đưa ra chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể ngày 9/6.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho hay, không những tiến độ giao thông chậm mà các tuyến cao tốc ở Việt Nam phân bổ không đồng đều. Có tình trạng "trắng" cao tốc ở các vùng kinh tế động lực như Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, vùng có vị trí chính trị quan trọng như Tây Nguyên, Tây Bắc.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM. (Ảnh: Quochoi.vn).
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM. (Ảnh: Quochoi.vn).

Đáng quan ngại, vùng kinh tế trọng điểm Nam Bộ bao gồm 8 tỉnh thành phố chiếm 45% GDP cả nước đóng góp 42% ngân sách quốc gia nhưng chưa được đầu tư cao tốc tương xứng, có dấu hiệu phát triển lệch pha. Nếu như cả nước hiện có 1.160 km cao tốc thì khu vực phía Nam chỉ có chưa đầy 100km.

"Tình hình trên kéo dài hàng chục năm. Việc đầu tư hạ tầng giao thông tiêu tốn nguồn lực cực lớn hàng trăm tỷ USD nhưng lại tác động trực tiếp vào hiệu quả nền kinh tế", ông Nghĩa cho hay.

Không chỉ thiếu thốn về hệ thống đường cao tốc, cũng theo Đại biểu Lê Thanh Phong, Đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM, tuyến Trung Lương-TP. HCM, một trong những tuyến đường cao tốc trọng điểm của khu vực đi qua 3 tỉnh, thành phố là TP. HCM, Long An và Tiền Giang ngừng thu phí từ lâu, xuống cấp trầm trọng.

Liên quan đến việc triển khai thực hiện các tuyến đường cao tốc đang còn mất cân đối giữa các vùng, miền, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể thừa nhận việc bất cập trong hệ thống cao tốc. Trong danh sách bổ sung các tuyến cao tốc vào quy hoạch này, khu vực phía Bắc vẫn được ưu tiên với chiều dài chiếm gần 2/3, còn lại là khu vực phía Nam và miền Trung, Tây Nguyên.

Để khắc phục tình tình trạng “lệch pha” trong đầu tư cao tốc hiện nay, Bộ trưởng cho biết, sau khi quy hoạch được Chính phủ phê duyệt, Chính phủ chỉ đạo xây dựng đề án xây dựng 5.000km cao tốc và đưa ra một số tiêu chí.

 

"Một trong số đó là làm sao để cân đối cao tốc giữa các vùng miền, khai thác tiềm năng thế mạnh của các vùng hiện nay đang rất tốt, những vùng tiềm năng. Vì vậy, những tuyến đường vành đai như Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, Vành đai 3 TP. HCM được quyết tâm đầu tư và gần như là đầu tư công để chắc chắn hoàn thành nhanh", Bộ trưởng cho biết.

Còn vùng đồng bằng sông Cửu Long như các đại biểu phản ánh, hệ thống cao tốc còn yếu kém nên việc thu hút đầu tư, làm kinh tế khó khăn.

Chính vì vậy, Bộ Giao thông vận tải tham mưu để xây dựng cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có điểm đầu kết nối Quốc lộ 91 (thuộc TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang), điểm cuối tại cảng Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng), để kết nối liên vùng, liên vận quốc tế kết nối xuống cảng để mang lại đột phá lớn cho đồng bằng sông Cửu Long. 

Còn dự án Biên Hòa - Vũng Tàu là "cứu cánh" cho cả vùng Đông Nam Bộ. Nếu không có cao tốc này, sắp tới hàng hóa không xuống được cảng Cái Mép - Thị Vải. Công suất của Cái Mép - Thị Vải rất lớn, kinh tế khu vực này rất tốt nhưng Quốc lộ 51 lại trong tình trạng quá tải, không đủ điều kiện để đáp ứng. 

"Có nhiều ý kiến làm dự án Biên Hòa - Vũng Tàu làm theo hình thức PPP nhưng chúng tôi e ngại làm theo cách thức này sẽ chậm, không hoàn thành tiến độ, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế chung nên phải dùng đầu tư công cho dự án này", Bộ trưởng Thể cho biết.

Còn với khu vực Tây Nguyên, có dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột để kết nối toàn bộ các tỉnh thuộc Tây Nguyên với nhau và kết nối ra biển. Khi xong con đường này, ở Buôn Mê Thuột có thể hình thành các khu cận công nghiệp vì cự ly khoảng 117km như Hà Nội tới Hải Phòng, hoàn toàn có thể phát triển Tây Nguyên theo hướng công nghiệp.

Ngoài ra, sắp tới còn nhiều con đường, Hà Nội - Hòa Bình; Mộc Châu - Sơn La - Điện Biên, đường ven biển từ Hải Phòng - Quảng Ninh, từ Hải Phòng - Ninh Bình… 

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể tại phiên chất vấn.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể tại phiên chất vấn.

"Trong kế hoạch, Chính phủ nhìn thấy một số khu vực có tiềm năng lớn, cần có đường cao tốc đột phá để các nhà đầu tư đến. Những vùng phát triển tốt nhưng còn tắc nghẽn hạ tầng thì cần phải tập trung thực hiện", Bộ trưởng Thể chia sẻ.

Nhấn mạnh đây là nhiệm kỳ mà Quốc hội ủng hộ rất lớn cho các dự án trọng điểm quốc gia, Bộ trưởng Giao thông vận tải kỳ vọng: "Với các quy hoạch điều chỉnh thì mạng lưới đường bộ cao tốc tại khu vực miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ hoàn thiện hơn, nâng cao tính hấp dẫn khi thu hút đầu tư các tỉnh, thành trong khu vực".

Liên quan đến việc bỏ thu phí tại đường cao tốc Trung Lương - TP. HCM, Bộ trưởng giải thích, theo Luật Quản lý tài sản công, dự án làm từ vốn có nguồn gốc Nhà nước, ODA... không được thu phí. Do đó, một số dự án gần đây như cầu Cần Thơ, Thủ Thiêm... khi hoàn thành đều không thu phí.

Với dự án cao tốc Trung Lương – TP. HCM sau khi hoàn thành hợp đồng với chủ đầu tư trước đây là thu trong 5 năm, Bộ Giao thông rà soát và dừng việc thu phí để đảm bảo tuân thủ luật. Tuy nhiên, hiện Bộ đang trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phương án thu hoàn vốn dự án giao thông, theo hướng sẽ thu một khoản phí dịch vụ trên cao tốc. Việc này để có kinh phí bảo dưỡng, duy tu cao tốc và điều tiết lưu lượng xe lưu thông giữa quốc lộ và cao tốc.