10:33 24/10/2008

Ủy ban Kinh tế Quốc hội: Cần quản chặt tập đoàn, tổng công ty

Đức Long

Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, cần phải có đánh giá toàn diện về hệ thống doanh nghiệp Nhà nước

Giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước 9 tháng đầu năm tăng trưởng 20,9%, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 17,9% và khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng  có... 5,9%. - Ảnh: Việt Tuấn.
Giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước 9 tháng đầu năm tăng trưởng 20,9%, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 17,9% và khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng có... 5,9%. - Ảnh: Việt Tuấn.
Để bảo đảm sử dụng vốn và tài sản Nhà nước có hiệu quả cao và có chính sách phù hợp cho tập đoàn, tổng công ty hoạt động tốt trong thời gian tới, sau khi nghe Chính phủ báo cáo về tình hình quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định sẽ tiếp tục giám sát về vấn đề này trong năm 2009.

Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, cần phải có đánh giá toàn diện về hệ thống doanh nghiệp Nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước trong lĩnh vực quản lý tài chính, đầu tư để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước.

Trong năm 2008, mặc dù cùng chịu ảnh hưởng từ những khó khăn chung, nhưng giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước 9 tháng đầu năm vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng lên tới 20,9%, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 17,9%, trong khi đó khu vực doanh nghiệp Nhà nước chỉ tăng có... 5,9%!

"Các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước được Nhà nước giao quản lý, sử dụng một khối lượng lớn vốn và tài sản. Tuy nhiên, việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước chưa thực sự hiệu quả, có nhiều bất cập ảnh hưởng đến nhiệm vụ chính trị được giao. Có tình trạng một số tập đoàn, tổng công ty dùng vốn Nhà nước đầu tư vào các lĩnh vực nhạy cảm, không thuộc lĩnh vực ngành nghề theo chức năng, nhiệm vụ của mình như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản... nên tiềm ẩn rủi ro cao", ông Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhận xét.

Thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cho thấy, trong 8 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn ngân sách Nhà nước rất chậm, chỉ đạt khoảng 38,5% kế hoạch, vốn trái phiếu Chính phủ cũng chỉ đạt 32% kế hoạch đã điều chỉnh. Sự chậm trễ trong giải ngân các nguồn vốn này đồng nghĩa với việc chậm phát huy hiệu quả của vốn đầu tư trong việc góp phần tăng trưởng kinh tế.

Đặc biệt, Ủy ban Kinh tế khẳng định: "Việc cắt giảm, tạm đình hoãn các dự án đầu tư cần phải được rà soát, đánh giá thực chất, nhất là việc cắt giảm đầu tư ở các doanh nghiệp Nhà nước" (theo báo cáo của Chính phủ là 1.145 dự án với trên 31.000 tỷ đồng vốn đầu tư của 55 tập đoàn và tổng công ty nhà nước).

Không được đầu tư tràn lan

Để tiếp tục thực hiện kiểm soát chặt chẽ, nâng cao hiệu quả chi tiêu công, Ủy ban Kinh tế yêu cầu cần tập trung vốn từ ngân sách Nhà nước hàng năm, từ trái phiếu Chính phủ để hoàn thành các công trình giao thông quy mô lớn, các dự án điện, hệ thống y tế tuyến huyện, kiên cố hóa trường lớp học... đảm bảo đúng tiến độ đã được phê duyệt; tiến hành đẩy nhanh việc giải ngân các nguồn vốn, thực hiện điều chuyển nguồn vốn xây dựng cơ bản từ ngân sách, trái phiếu Chính phủ cho những công trình, dự án có hiệu quả và có khả năng đưa vào sử dụng trong năm 2009.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng cần xem xét tính khả thi của việc cân đối nguồn vốn trái phiếu chính phủ trong năm 2009 là 30.000 tỷ đồng (tăng khoảng 9,4% so với kế hoạch đã điều chỉnh của năm 2008 trong khi nguồn vốn này trong 2 năm 2007, 2008 đều không thực hiện được kế hoạch đề ra) đồng thời rà soát, cân nhắc việc cân đối nguồn vốn đầu tư ở khu vực doanh nghiệp Nhà nước khoảng 79.000 tỷ đồng (tăng 21,5% so với ước thực hiện năm 2008) để tiếp tục nghiêm chỉnh thực hiện ngay từ đầu năm 2009 nhóm giải pháp về kiểm soát chặt chẽ, nâng cao hiệu quả đầu tư công, không để tình trạng đầu tư tràn lan, không đúng với nhiệm vụ của các doanh nghiệp Nhà nước như đã xảy ra trong những năm vừa qua.

Chính phủ đã yêu cầu các doanh nghiệp Nhà nước tiếp tục thực hiện chủ trương tiết kiệm, chống lãng phí, kiên quyết đình hoãn, giãn tiến độ các dự án chưa thực sự cần thiết hoặc không hiệu quả.

Đồng thời, công tác cổ phần hoá sẽ là trọng tâm trong cải cách doanh nghiệp Nhà nước năm 2009 với việc thực hiện cổ phần hoá các tập đoàn và Tổng công ty Nhà nước theo kế hoạch; tiếp tục bán số cổ phần nhà nước trong các doanh nghiệp đã cổ phần hoá mà nhà nước không cần chi phối; phát huy vai trò của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) trong việc quản lý và phát triển vốn nhà nước, phục vụ cho nhu cầu phát triển; phân định rõ trách nhiệm của bộ quản lý ngành, UBND các địa phương, SCIC đối với doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phần hoá.

Song song với công tác này, ông Trần Văn Truyền, Tổng thanh tra Chính phủ cho biết, trong năm 2009 sẽ thanh tra hầu hết các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước lớn đã được cổ phần hóa, tập trung vào những đơn vị "đang có nhiều vấn đề" để tránh thất thoát tài sản của Nhà nước...