15:28 18/01/2022

Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp xem xét nhiều nội dung quan trọng

Lan Anh

Sáng 18/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 7. Dự kiến, phiên họp diễn ra trong 2 ngày, từ ngày 18-19/1/2022...

Ủy ban Thường vụ khai mạc phiên họp thứ 7 - Ảnh: Quochoi.vn
Ủy ban Thường vụ khai mạc phiên họp thứ 7 - Ảnh: Quochoi.vn

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ phiên họp kéo dài trong hai ngày để xem xét, quyết định các nội dung quan trọng.

Về công tác lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

Theo Chủ tịch Quốc hội, dự án luật này đã được Quốc hội thảo luận sôi nổi tại Kỳ họp thứ 2 với 268 đại biểu đã phát biểu tại tổ, 34 đại biểu phát biểu tại hội trường và 8 ý kiến góp ý bằng văn bản. Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đồng tình và đánh giá cao Dự án luật Chính phủ trình Quốc hội, đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét kỹ lưỡng cơ quan thẩm tra nhiều lần làm việc với cơ quan chủ trì soạn thảo.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau để trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 3 gồm: xem xét bổ sung danh hiệu Xã tiêu biểu, Phường, Thị trấn tiêu biểu; bổ sung Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang; về Huy hiệu kỷ niệm chương cấp tỉnh trong đó có Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, tổng kết khen thưởng thành tích kháng chiến; xử lý vi phạm trong thi đua, khen thưởng, Luật hiện hành chưa có quy định xử lý đối với pháp nhân.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét đề nghị của Chính phủ bổ sung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Về công tác giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét Báo cáo công tác dân nguyện tháng 12/2021 của Quốc hội.

Về quyết định vấn đề quan trọng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến việc bổ sung kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài từ số vốn chưa phân bổ và điều chỉnh, dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 cho danh mục dự án của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương (đợt 2).

"Nếu việc này được làm sớm thì việc phân bổ vốn hoặc điều chỉnh vốn sớm sẽ tạo điều kiện cho công tác giải ngân. Từ trước đến nay giải ngân là điểm nghẽn trong tổ chức thực hiện, lần này Chính phủ có điều chỉnh, dự kiến kế hoạch đầu tư 2021-2025 trong khung Kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được Quốc hội thông qua, chưa tính đến danh mục trong gói Chương trình chính sách tài khóa và tiền tệ để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Về xem xét quyết định các vấn đề theo thẩm quyền, Chủ tịch Quốc hội cho biết tại phiên họp lần này Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc thực hiện trang phục xét xử của Hội thẩm nhân dân.

Theo quy định, Hội thẩm nhân dân được Hội đồng nhân dân bầu ra để tham gia xét xử các vụ án theo quy định của pháp luật. Lần này, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét một số vấn đề liên quan đến trang phục xét xử, có cần thiết có đồng phục không, đồng phục như thế nào… là những vấn đề cần tính toán kỹ.

Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, khi xét xử, Hội thẩm nhân dân ngang quyền với thẩm phán, do đó điều quan trọng là vấn đề quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ đối với đội ngũ Hội thẩm nhân dân. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã có hướng dẫn kỹ lưỡng đối với Hội đồng nhân dân tại Kỳ họp thứ nhất thực hiện đề cử và phê duyệt nhân sự Hội thẩm nhân dân hết sức chặt chẽ bởi đây là một trong những nội dung liên quan đến hoạt động xét xử của Tòa án, thực hiện cải cách tư pháp.

Một nội dung khác được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định tại phiên họp lần này là Đề án sắp xếp cơ cấu tổ chức bên trong và biên chế của Văn phòng Quốc hội. Đây là nội dung đã được chuẩn bị kỹ lưỡng từ năm 2021 nhằm thực hiện Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; đồng thời, cũng nhằm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

"Mục tiêu của Đề án nhằm nâng cao năng lực, hiệu lực hoạt động Văn phòng Quốc hội và thiết chế Tổng Thư ký Quốc hội. Để Quốc hội tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động, phấn đấu theo mô hình ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực hiệu quả thì cơ quan giúp việc cũng phải theo hướng đó. Đây là Đề án lớn được chuẩn bị kỹ lưỡng, nhiều lần, nhiều vòng, cần quyết định sớm để triển khai thực hiện", Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Tại phiên họp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về tổng kết Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV.

Kỳ họp bất thường lần thứ nhất đã diễn ra theo hình thức trực tuyến trong 4,5 ngày. Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng đã công bố 4 Nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất này. Ngoài ra còn 1 Luật được Quốc hội thông qua cũng đã được Chủ tịch Quốc hội ký chứng thực và theo quy định Văn phòng Chủ tịch nước sẽ công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Luật.

Nhắc lại phát biểu bế mạc kỳ họp, việc tổ chức thành công Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, chúng ta có bài học quý để những kỳ họp “bất thường” trở thành hoạt động “bình thường” của Quốc hội nhằm đáp ứng kịp thời đòi hỏi cấp bách của thực tiễn, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, hàm ý đặt tên Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất là có thể có lần 2, lần 3 để xem xét những vấn đề bức xúc, quan trọng hoặc chuyên đề xây dựng luật, pháp lệnh.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, Kết luật số 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đặt ra nhiệm vụ lập pháp rất nặng nề với 137 nhiệm vụ lập pháp, nếu chỉ có hai kỳ họp một năm thì nhiều nhất cũng chỉ có 73 luật trong nhiệm kỳ.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh việc có tổ chức các kỳ họp còn phụ thuộc vào công tác chuẩn bị và phối hợp. Do đó, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để rút kinh nghiệm tổ chức kỳ họp khác nếu cần thiết.