13:30 09/08/2021

Vaccine - “chìa khoá” để thế giới thực hiện mục tiêu kép

Kiều Oanh

Hiện tại, các nền kinh tế lớn trên thế giới vẫn xem tiêm chủng là giải pháp hữu hiệu nhất để thực hiện mục tiêu kép vừa chống đại dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: SCMP.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: SCMP.

Đối với các nhà hoạch định chính sách, không có vaccine đồng nghĩa với thách thức lớn trong việc cân bằng giữa hai mục tiêu trên: khi số bệnh nhân Covid phải nhập viện tăng cao, hệ thống y tế đứng trước nguy cơ quá tải, họ buộc phải triển khai các biện pháp phong toả và giãn cách xã hội nhằm kiểm soát sự lây lan của virus để giảm tải cho y tế. Phong toả và giãn cách khiến các hoạt động kinh tế bị gián đoạn, sản xuất và tiêu dùng cùng chịu ảnh hưởng, chuỗi cung ứng có nguy cơ đứt gãy.

Đó là câu chuyện phổ biến tại hầu hết các nền kinh tế trên thế giới trong năm 2020, khi chưa có vaccine ngừa Covid. Năm 2021, chiến dịch tiêm chủng đã mở ra một chương mới trong cuộc chiến chống đại dịch của thế giới. Nhờ vaccine, tỷ lệ số ca mắc Covid phải nằm viện và tử vong đã giảm rõ rệt ở nhiều quốc gia, theo đó giảm sự cần thiết phải dựa vào phong toả và giãn cách để chống dịch.

Những gì đang diễn ra ở Mỹ minh chứng rõ rệt cho tác dụng của vaccine trong việc đạt cùng lúc hai mục tiêu vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

DỰA VÀO VACCINE ĐỂ THỰC HIỆN MỤC TIÊU KÉP

Theo dữ liệu từ Our World In Data, tính đến ngày 2/8, tỷ lệ dân số Mỹ đã tiêm đủ liều vaccine Covid-19 đạt 53,1%, so với tỷ lệ 14,8% của toàn thế giới. Với chiến dịch tiêm chủng vào hàng nhanh nhất thế giới, nền kinh tế Mỹ đã bắt đầu mở cửa trở lại từ tháng 5 và giữ đà phục hồi mạnh mẽ. Trong quý 2, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nước này đạt mức tăng hàng năm 6,5%, mạnh nhất kể từ quý 3/2020.

Kể từ khi xuất hiện biến chủng Delta, một đợt dịch mới đang bùng lên ở Mỹ. Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy số ca nhiễm mới ở Mỹ trong những ngày gần đây chủ yếu tập trung ở những bang có tỷ lệ tiêm chủng thấp và đại đa số những ca nhiễm phải nhập viện là những người chưa tiêm vaccine.

Theo Reuters, tại Florida, tâm dịch Covid hiện nay ở Mỹ,  90% số ca mắc Covid nhập viện là những người chưa tiêm vaccine. Ở thời điểm ngày 3/8, có 11.300 bệnh nhân Covid nằm viện ở Florida, chiếm 22% số giường bệnh của toàn bang. Trái lại, ở bang Vermont, bệnh nhân Covid chỉ chiếm 0,4% số giường bệnh. Tỷ lệ tiêm chủng của Florida mới đạt 49,1%, so với mức 67,7% ở Vermont.

Với sự sẵn có của vaccine, các nhà lãnh đạo Mỹ đang ứng phó với đợt dịch này bằng tiêm chủng và khẩu trang thay vì bằng cách yêu cầu các doanh nghiệp phải đóng cửa và người dân phải ở yên trong nhà như năm ngoái. Các cơ sở sản xuất và kinh doanh nhờ đó vẫn mở cửa, các nhà máy vẫn hoạt động, người dân vẫn mua sắm và đi ăn nhà hàng.

Vaccine cũng được xem là nhân tố đưa kinh tế châu Âu phục hồi mạnh trong quý 2 vừa qua. Tỷ lệ tiêm chủng đạt mức cao là cơ sở để các nước châu Âu nới lỏng các hạn chế chống Covid, nhờ đó niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp có sự cải thiện mạnh mẽ, đưa GDP tăng tốc.

Số liệu do cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu (EU) công bố ngày 30/7 cho thấy tổng sản phẩm trong nước (GDP) của các nền kinh tế thành viên tăng 13,2% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 1,9% so với quý trước. Kinh tế 19 nước sử dụng đồng Euro (Eurozone) thậm chí khởi sắc mạnh hơn, đạt mức tăng tương ứng 13,7% và 2%.

Tỷ lệ đã tiêm ít nhất một mũi vaccine ở những người từ 18 tuổi trở lên trong EU tính đến ngày 4/8 đạt 71,2%, tỷ lệ tiêm đủ hai mũi đạt 59,4%. Tỷ lệ dân số từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ hai mũi ở Đức là 62,6%, ở Pháp là 59,5%,  theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) châu Âu.

Theo dữ liệu từ IHS Markit, các nhà máy ở châu Âu đạt mức tăng trưởng sản lượng gần kỷ lục trong tháng 7. Tại Eurozone, các doanh nghiệp tuyển dụng lao động mạnh chưa từng thấy trong tháng 7, khi số đơn hàng mới vượt sản lượng của các nhà máy ở mức độ chưa từng thấy trong 24 năm khảo sát của IHS.

Vai trò của vaccine đối với mục tiêu kép vừa chống Covid vừa phát triển kinh tế cũng được thể hiện rõ qua những gì đang diễn ra ở châu Á - nơi chậm chạp hơn các nước phương Tây trong chiến dịch tiêm chủng.

CÒN CHẬM TIÊM CHỦNG, CHÂU Á CHỈ CÒN CÁCH PHONG TOẢ

Từng dẫn đầu thế giới về sự phục hồi kinh tế trong năm 2020, kinh tế châu Á hiện đang đuối sức rõ rệt khi phải chống chọi với làn sóng lây nhiễm do biến chủng Delta giữa lúc tỷ lệ tiêm chủng của các nước trong khu vực đều ở mức thấp.

Bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt dịch này phải kể đến khu vực Đông Nam Á. Với tỷ lệ tiêm chủng thấp, chẳng hạn mới đạt 8% dân số được tiêm đủ ở Indonesia và Philippines, khoảng 6% ở Thái Lan, và 23,3% ở Malaysia, phong toả và giãn cách nghiêm ngặt bắt buộc phải được triển khai tại các quốc gia này. Theo chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của IHS Markit, ngành sản xuất suy giảm trên toàn Đông Nam Á trong tháng 7, trong đó mức giảm mạnh nhất thuộc về Indonesia và Malaysia.

Cuối tháng 7 vừa qua, nhóm 5 nền kinh tế đang phát triển lớn nhất trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) -  gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam - bị Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cắt giảm 0,6 điểm phần trăm trong dự báo tăng trưởng năm nay xuống còn 4,3%.

Vaccine - “chìa khoá” để thế giới thực hiện mục tiêu kép - Ảnh 1

Trao đổi với tờ Wall Street Journal, ông Tan Thian Poh, Giám đốc Asian Brands Bhd., một công ty may mặc của Malaysia, nói rằng phong toả đồng nghĩa công ty của ông không thể sản xuất quần áo trong 2 tháng qua, dẫn tới phải hoãn việc thực hiện đơn hàng xuất khẩu.

“Phao cứu sinh” duy nhất của công ty lúc này sản xuất đồ bảo hộ y tế - một mặt hàng thuộc danh mục thiết yếu của Chính phủ, và công ty cũng chỉ được sử dụng 60% lực lượng lao động.

Ông Tan lo ngại nhiều khách hàng của ông có thể chuyển sang đặt hàng với nhà cung cấp ở các quốc gia khác. “Sự bấp bênh ảnh hưởng rất, rất tệ đến chúng tôi”, ông nói.

Giới chuyên gia nói rằng tất cả những thách thức kinh tế có thể sẽ khiến nhiều quốc gia ở châu Á phải đánh giá lại về hiệu quả của việc áp phong toả kéo dài, và thay vào đó, đẩy mạnh hơn nữa việc tiêm chủng - cách tốt nhất để mở cửa trở lại nền kinh tế. Singapore hiện đang có kế hoạch nới lỏng các hạn chế đi lại trong năm nay một khi đạt tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho khoảng 80% dân số. Nếu thành công, đảo quốc sư tử sẽ là một mô hình để các quốc gia khác học theo.

TIÊM VACCINE LÀ “TIÊN QUYẾT”

“Vấn đề quan trọng là các chính phủ sẽ phải kiểm soát đi lại và giãn cách xã hội bao lâu và nghiêm ngặt như thế nào để bảo vệ sức khoẻ cộng đồng. Nếu không đẩy nhanh việc triển khai vaccine, sẽ không có nhiều lựa chọn cho khu vực, ngoài việc chấp nhận các hạn chế đi lại được siết chặt”, chuyên gia kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương Steven Cochrane của Moody’s Analytics nhận định.

Bên cạnh nỗ lực tiêm chủng của chính phủ, doanh nghiệp tại nhiều nền kinh tế cũng triển khai những biện pháp của riêng mình để vừa góp phần chống dịch, vừa đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh.

Một số công ty công nghệ lớn của Mỹ như Facebook, Google và Twitter đã yêu cầu nhân viên các văn phòng tại Mỹ phải tiêm vaccine mới được đến văn phòng làm việc. Tập đoàn chế biến thực phẩm Tyson Foods cũng đưa ra chính sách tiêm chủng bắt buộc với toàn bộ nhân viên ở Mỹ.

Tại Hàn Quốc, các công ty công nghệ lớn gồm Samsung Electronics, Samsung Display, SK Hynix và LG Display cùng các nhà cung cấp đã bắt đầu chiến dịch tiêm vaccine tại chỗ cho nhân viên từ cuối tháng 7.

Nỗ lực tiêm vaccine cho công nhân của các doanh nghiệp chip Hàn Quốc được đánh giá cao trong bối cảnh cuộc khủng hoảng thiếu linh kiện bán dẫn toàn cầu ảnh hưởng đến các nhà sản xuất trên khắp thế giới, nhất là các hãng xe hơi. Samsung và SK Hynix là hai nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới.