18:23 12/05/2021

Vaccine Sinovac có hiệu quả phòng ngừa thực tế ra sao?

Phương Linh

Vaccine do công ty Sinovac Biotech của Trung Quốc phát triển có hiệu quả vượt xa các thử nghiệm lâm sàng trước đó...

Một người được tiêm vaccine của Sinovac tại Philippines - Ảnh: JP Times.
Một người được tiêm vaccine của Sinovac tại Philippines - Ảnh: JP Times.

So với các loại vaccine Covid-19 của phương Tây như Pfitzer hay Astrazeneca, vaccine CoronaVac do Công ty Sinovac Biotech Ltd. của Trung Quốc phát triển có hiệu quả phòng ngừa kém hơn trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng.

Tuy nhiên, kết quả theo dõi gần 25.400 nhân viên y tế được tiêm vaccine của Sinovac  tại Jakarta, Indonesia được công bố mới đây cho thấy hiệu quả phòng ngừa trên 90%.

KẾT QUẢ THỰC TẾ VƯỢT XA THỬ NGHIỆM LÂM SÀNG

Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg ngày 11/5, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết sau liều thứ hai 28 ngày, 100% người tiêm phòng ngừa được nguy cơ tử vong và 96% ngừa được nguy cơ nhập viện. Các nhân viên y tế trên được theo dõi tới cuối tháng 2/2021.

Ông Sadikin cũng cho biết 94% phòng ngừa được nguy cơ lây nhiễm, vượt xa kết quả ghi nhận được trong nhiều cuộc thử nghiệm lâm sàng trước đó (dù không rõ các nhân viên y tế trên có được sàng lọc đồng nhất để phát hiện trường hợp không rõ triệu chứng không). 

“Chúng tôi ghi nhận sự sụt giảm đáng kể các trường hợp nhập viện và tử vong trong số những nhân viên y tế được tiêm vaccine của Sinovac", ông Sadikin cho biết. 

Trước đó, kết quả tiêm chủng thực tế tại Brazil trước đó cũng cho thấy vaccine của Sinovac có hiệu quả phòng ngừa cao hơn so với trong giai đoạn thử nghiệm.

Dữ liệu thử nghiệm lâm sàng của vaccine này trước đó bị nhiều người đặt câu hỏi về tính minh bạch bởi hiệu quả phòng ngừa dao động trong khoảng quá lớn. Cụ thể, trong cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 lớn nhất tại Brazil, vaccine của Sinovac cho hiệu quả phòng ngừa chỉ trên 50%, mức thấp nhất trong số các vaccine Covid-19 thế hệ đầu tiên. 

Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg ngày 11/5, Yin Weidong, CEO của Sinovac, nhấn mạnh dù cho kết quả khác biệt lớn trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy vaccine CoronaVac có hiệu quả phòng ngừa tốt hơn khi được sử dụng trong thực tế. 

Ông Yin cho biết tại Chile, 89% những người được tiêm vaccine CoronaVac giảm được nguy cơ mắc Covid-19 nặng - trường hợp cần chăm sóc y tế đặt biệt. 

"Hiệu quả phòng ngừa của vaccine có thể thay đổi tùy từng nơi do các biến chủng virus. Tuy nhiên, vaccine của Sinovac có vẻ phản ứng tốt với các biến chủng mới đang gây quan ngại gần đây", CEO của Sinovac nói.

Ông Yin cũng nhấn mạnh rằng dù chưa thể chắc chắn vaccine của Sinovac có khả năng ngăn chặn hoặc giảm nguy cơ phòng ngừa ngay từ đầu, nhưng điều quan trọng hơn là vaccine này giúp giảm các triệu chứng nghiêm trọng và tử vong. 

"VACCINE TỐT NHẤT LÀ LOẠI CÓ THỂ ĐƯỢC TIÊM NHANH NHẤT"

Hiện tại, hai vaccine sử dụng công nghệ mRNA của Moderna và Pfizer/BioNtech đều cho hiệu quả phòng ngừa lây nhiễm trên 90% tại Israel. Trong khi đó, các vaccine không sử dụng công nghệ này không đạt được kết quả đó. mRNA là công nghệ vaccine tiên tiến, sử dụng RNA thông tin để kích hoạt phản ứng miễn dịch ở người. 

Một nhân viên y tế tiêm vaccine Sinovac ở Bali, Indonesia ngày 28/2 - Ảnh: Bloomberg.
Một nhân viên y tế tiêm vaccine Sinovac ở Bali, Indonesia ngày 28/2 - Ảnh: Bloomberg.

“Kết quả khi ứng dụng vào thực tế và dữ liệu khoa học từ các cuộc thử nghiệm lâm sàng sẽ giúp thể giới đánh giá đầy đủ hơn về vaccine của chúng tôi. Chúng tôi khuyến nghị các đối tác và chính phủ tại các quốc gia nơi vaccine của Sinovac đang được sử dụng sớm công bố dữ liệu thực tế như vậy", ông Yin cho biết.

Indonesia là một trong những quốc gia đầu tiên sử dụng vaccine của Sinovac. Hồi tháng 1, Tổng thống Indonesia Joko Widodo là nguyên thủ quốc gia đầu tiên tiêm vaccine này, động thái nhằm dập tắt những hoài nghi về vaccine của Trung Quốc ở trong và ngoài nước. Từ đó đến nay, nước này đã triển khai tiêm hơn 22 triệu liều vaccine Covid-19, chủ yếu là vaccine của Sinovac, và đặt mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối năm nay. 

“Hiệu quả phòng ngừa tối thiểu phải là 50% và trên hết, vaccine tốt nhất là loại mà ta có thể được tiêm nhanh nhất để có thể ngăn ngừa tử vong", Bộ trưởng Y tế Indonesia Sadikin nhấn mạnh. “Điều quan trọng không chỉ là tiêm loại vaccine có hiệu quả cao nhất mà còn phải nhanh chóng tiêm phòng cho người dân".

Trong khi các nước láng giềng Malaysia và Thái Lan đang chứng kiến số ca lây nhiễm tăng lên, số ca nhiễm mới và tử vong tại Indonesia đã giảm xuống mức ổn định kể từ khi đạt đỉnh hồi tháng 1. Tuy nhiên, ông Sadikin dự báo kỳ nghỉ lễ Eid sắp tới có thể sẽ khiến dịch bệnh bùng phát trở lại tại nước này khi người dân đoàn tụ gia đình và đi lại nhiều bất chấp các lệnh hạn chế của chính phủ.

Hiện tại, vaccine của Sinovac đang được sử dụng tại hơn 30 quốc gia trên thế giới, trong đó chủ yếu là các nước đang phát triển tại Mỹ Latin, Trung và Đông Âu, châu Phi, Đông Nam Á. Tại Đông Nam Á, các nước đang sử dụng vaccine này gồm Lào, Campuchia, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Philippines.