VAFIE đề nghị nâng cấp chính sách thu hút và sử dụng vốn FDI
“Để thực hiện có kết quả định hướng FDI, cần nâng cấp chính sách thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài nhằm mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững, chuyển đổi số và kết nối chuỗi cung ứng sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam, nhất là SME với các tập đoàn đa quốc gia tại nước ta”, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) nêu quan điểm…
Chia sẻ tại Lễ công bố Báo cáo thường niên đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2022, GS.TSKH Nguyễn Mại cho rằng tác động của cuộc xung đột Nga – Ukraine đã vượt ra ngoài phạm vi khu vực, làm đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng sản phẩm, gây ra cuộc khủng hoảng toàn cầu về lương thực, năng lượng do giá cả leo tháng và tài chính, dẫn đến lạm phát và vòng xoáy nợ ngày càng trầm trọng.
“Điều này đang làm gia tăng tình trạng rủi ro, làm giảm niềm tin kinh doanh và đầu tư, ảnh hưởng đáng kể tới đà phục hồi FDI toàn cầu trong ngắn và trung hạn”, ông Mại nhấn mạnh.
VỐN FDI TOÀN CẦU SUY GIẢM
Theo báo cáo, ASEAN đã chứng kiến sự bùng nổ FDI giai đoạn 2010-2019 với 127 tỷ USD/năm, gấp gần 3 lần so với 41 tỷ USD/năm giai đoạn 2000-2009. Đặc biệt, theo TS.Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực VAFIE, Tổng biên tập Tạp chí Nhà Đầu tư, FDI vào châu Á gia tăng trong 3 năm liên tiếp và lên mức cao nhất mọi thời đại vào năm 2021, đạt 619 tỷ USD.
Năm 2021, các nước đã ban hành 109 chính sách mới liên quan đến FDI, giảm 28% so với năm 2020; trong đó, tỷ lệ các biện pháp kém thuận lợi hơn chiếm 42% (cao hơn một điểm phần trăm so với năm 2020).
“Trong đó, Việt Nam là một trong những câu chuyện thành công về các nền kinh tế ASEAN được thúc đẩy bởi FDI và được đánh giá là một ngôi sao trong chuỗi cung ứng toàn cầu, chiếm được thị phần đáng kể trong nhiều lĩnh vực, bao gồm dệt may, giày dép và điện tử tiêu dùng”, báo cáo cho biết.
Tuy vậy, theo Hội nghị Liên hiệp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), vốn FDI toàn cầu năm 2023 sẽ suy giảm khi các nước phát triển có xu hướng hạn chế FDI ra ngoài để tập trung nguồn lực ứng phó với tình trạng suy thoái kinh tế, gia tăng số người thất nghiệp, bảo đảm an ninh quốc gia đối với công nghệ nguồn.
Chẳng hạn, Mỹ đã giảm thuế thu nhập từ 25% xuống 21%, cải cách thủ tục cấp phép đầu tư, đưa ra các tiêu chuẩn linh hoạt hơn nhằm nâng cao tính cạnh tranh của một số ngành công nghiệp Mỹ như năng lượng, ô tô, nhôm, thép, áp thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu…
Các nước EU thúc đẩy kinh tế “tự chủ chiến lược” thông qua kiểm soát nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài. Đức, Italia quy định kiểm soát chặt chẽ hơn đối với FDI trong các ngành quan trọng, Pháp lại triển khai chiến lược “sản xuất tại Pháp” nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao.
Trong khi đó, Nhật Bản dành ngân sách 2,2 tỷ USD trong đó có 2 tỷ USD để hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản đưa nhà máy sản xuất từ Trung Quốc về nước và khoảng 200 triệu USD để hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản di chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang nước thứ ba…
Đặc biệt, theo GS.TSKH Nguyễn Mại, tỷ suất lợi nhuận trung bình của doanh nghiệp FDI tại các nền kinh tế phát triển chỉ đạt từ 4% đến 6,7% trong giai đoạn 2007-2018, tại các nền kinh tế đang phát triển từ 11,5% xuống 7,8% trong giai đoạn 2011-2018 cũng khiến FDI có xu hướng giảm.
HÚT VỐN VÀO TĂNG TRƯỞNG XANH VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ
Trong bối cảnh này, GS.TSKH Nguyễn Mại cho rằng để thực hiện có kết quả định hướng FDI, cần nâng cấp chính sách thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài nhằm mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững, chuyển đổi số và kết nối chuỗi cung ứng sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam, nhất là SME với các tập đoàn đa quốc gia.
“Điều này là cần thiết nhất là trong bối cảnh một số nước lớn trong khu vực như Ấn Độ, Indonesia ban hành chính sách hấp dẫn đối với các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới để tiếp nhận dự án tăng trưởng xanh, công nghệ nguồn, năng lượng tái tạo, đào tạo nhân lực, chăm sóc sức khỏe, ứng phó dịch bệnh để tận dụng có hiệu quả lợi thế về dân số đông, đội ngũ lao động có tay nghề cao nhưng tiền công thấp hơn nhiều nước”, ông Mại nêu quan điểm.
Tuy vậy, vấn đề đặt ra là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) Việt Nam chưa đủ năng lực để chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh theo kinh tế tuần hoàn, kinh tế số phù hợp với xu thế mới, chưa có nhiều doanh nghiệp làm công nghiệp hỗ trợ và kết nối có hiệu quả với doanh nghiệp FDI, phần lớn doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu các khâu có giá trị gia tăng thấp. Thực trạng này dẫn tới hạn chế tính lan tỏa của các dự án FDI đối với phát triển các doanh nghiệp Việt Nam.
Để thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, theo GS.TSKH Nguyễn Mại, “đổi mới – sáng tạo” giữ vai trò rất quan trọng trong việc thay đổi các thiết chế cứng nhắc, lỗi thời. Các bộ ngành cần rà soát các quy định hiện hành để sửa đổi, bổ sung những nội dung có liên quan trong quá trình hoàn thiện thể chế, luật pháp với chính sách phát triển các mô hình đa dạng trong cộng đồng dân cư và doanh nghiệp.
Từ nay tới cuối năm 2025 hoàn thành chuyển đổi mô hình khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái với sự hỗ trợ của chính quyền. Những tỉnh, thành phố đang lập quy hoạch xây dựng thêm khu công nghiệp mới nhất thiết phải theo mô hình khu công nghiệp sinh thái, phải đạt được tất cả tiêu chí khi trình dự án lên Chính phủ.
“Đặc biệt, để hút nhiều hơn các tập đoàn đa quốc gia, Chính phủ cần đề ra các quy định mới về chính sách ưu đãi, thủ tục đầu tư, phương thức tiếp cận nhà đầu tư thích ứng với yêu cầu của từng đối tác và từng dự án. Chính sách ưu đãi đầu tư cần được sửa đổi, bổ sung để thích ứng với định hướng FDI mới và cuộc cạnh tranh trong khu vực”, ông Mại nhấn mạnh.
Để các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các SME kết nối có hiệu quả với các tập đoàn đa quốc gia theo chuỗi cung ứng sản phẩm, theo đại diện VAFIE, Chính phủ cần từ một số mô hình thành công trong việc hợp tác giữa tập đoàn FDI với doanh nghiệp trong nước như Samsung để nhân rộng ra nhiều địa phương.
Báo cáo thường niên 2022 về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam gồm 3 chương, được xuất bản cả bằng tiếng Việt và tiếng Anh.
Trong đó, chương I là tổng quan về FDI toàn cầu và ASEAN.
Chương II được dành cho việc đánh giá tổng quan tình hình thu hút và sử dụng vốn FDI tại Việt Nam, cũng như môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Chương III của báo cáo đề xuất định hướng, chính sách và giải pháp thu hút, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn FDI năm 2023.