17:06 21/11/2023

Vai trò cán bộ ngân hàng trong vụ "rút ruột" hàng trăm ngàn tỷ đồng

Đỗ Mến

Bị can Trương Mỹ Lan biến các lãnh đạo SCB và một số đối tượng có vai trò, vị trí quan trọng tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thành "Người thực hành" để thực hiện hành vi tham ô tài sản số tiền đặc biệt lớn...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) vừa đề nghị truy tố bị can Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát với 3 tội danh: Đưa hối lộ, Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và Tham ô tài sản.

Ở tội danh "Tham ô tài sản", bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc chiếm đoạt hơn 304.000 tỷ đồng của ngân hàng SCB, thông qua các hợp đồng vay khống.

Theo cơ quan điều tra, về bản chất, việc đưa tài sản bảo đảm vào SCB chỉ là phương thức, thủ đoạn phạm tội, có nhiều tài sản đảm bảo không có giá trị pháp lý, không đủ điều kiện để thế chấp tại ngân hàng này nhưng vẫn được định giá, nâng khống giá trị làm phương án vay; 684/1.284 khoản vay chưa có thủ tục thế chấp khi giải ngân; nhiều khoản vay được giải ngân trước, sau đó mới hợp thức hồ sơ; 201/1.284 khoản vay chưa có phê duyệt cho vay của cấp có thẩm quyền.

Theo kết luận, bà Lan chiếm đoạt số tiền hơn 415.666 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo cơ quan điều tra, 982 mã tài sản đảm bảo cho 916 khoản vay được giải ngân, có 424 mã đủ pháp lý đã được định giá (có tổng giá trị hơn 111.570 tỷ đồng. Do đó, cơ quan điều tra áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị can, để xác định Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã chiếm đoạt hơn 304.000 tỷ đồng của SCB và còn gây thiệt hại hơn 129.000 tỷ đồng tiền lãi phát sinh từ tiền gốc chiếm đoạt.

Trong vụ án này, cơ quan điều tra đã chỉ ra các cá nhân giúp sức cho bà Lan có các cựu lãnh đạo của SCB gồm ông Đinh Văn Thành, Bùi Anh Dũng - đều là cựu Chủ tịch HĐQT; Võ Tấn Hoàng Văn - cựu Tổng Giám đốc; Trương Khánh Hoàng - cựu quyền Tổng Giám đốc; Trần Thị Mỹ Dung - cựu Phó Tổng Giám đốc; Tạ Chiêu Trung - cựu Phó Chủ tịch HĐQT.

Theo kết luận điều tra, các cá nhân này là người quản lý, có quyền định đoạt tài sản của SCB trong việc xét duyệt, cấp tín dụng cho khách hàng vay vốn. Với chức vụ, quyền hạn này, họ phải nhận thức được việc cho tạo lập, phê duyệt, rút các khoản tiền của SCB theo phương thức nêu trên không phải hoạt động cho vay. Đó chỉ là các hồ sơ, chứng từ khống nhằm hợp thức việc rút các khoản tiền này ra khỏi SCB, phục vụ cho mục đích của Trương Mỹ Lan.

Tuy không phải là người trực tiếp sử dụng số tiền đã rút, nhưng hành vi của họ là nguyên nhân trực tiếp gây thiệt hại cho SCB. Do đó, cơ quan điều tra buộc họ phải chịu trách nhiệm đối với hậu quả trên.

Kết luận thể hiện, Trương Mỹ Lan tuy không giữ chức vụ tại SCB nhưng chính là người chi phối, lũng đoạn và chỉ đạo điều hành toàn bộ hoạt động tại ngân hàng này và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để thực hiện chuỗi hành vi phạm tội với vai trò là "Người tổ chức", chủ mưu, cầm đầu.

Bị can Trương Mỹ Lan biến các lãnh đạo SCB và một số đối tượng có vai trò, vị trí quan trọng tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thành "Người thực hành" để thực hiện hành vi tham ô tài sản số tiền đặc biệt lớn.

Hành vi phạm tội của Trương Mỹ Lan và đồng phạm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp, có dự mưu từ trước, được chuẩn bị, tổ chức hết sức công phu, tỉ mỉ và có kịch bản.

Cơ quan điều tra cũng đánh giá, đây là tổ chức tội phạm có quy mô rất lớn, hoạt động hết sức manh động, tinh vi, xảo quyệt. Hậu quả mà tổ chức tội phạm này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động ngành ngân hàng, uy tín của Nhà nước trong quản lý kinh tế.

Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã xây dựng hệ sinh thái với hơn 1.000 doanh nghiệp gồm các công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước, được chia thành nhiều tầng lớp, với hàng trăm cá nhân được thuê đứng tên đại diện pháp luật hoặc là người có quan hệ họ hàng, cán bộ, công nhân viên Tập đoàn; được chia làm 4 nhóm chính có quan hệ chặt chẽ với nhau.

Nhóm 1 - nhóm định chế tài chính tại Việt Nam gồm: SCB, Công ty Chứng khoán Tân Việt, Công ty CP Đầu tư Tài chính Việt Vĩnh Phú, trong đó SCB có vai trò đặc biệt quan trọng, được sử dụng như một công vụ tài chính để cấp vốn cho các công ty trong hệ sinh thái VTP.

Nhóm 2 - nhóm công ty có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam phần lớn hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh BĐS, nhà hàng, khách sạn... đều là công ty có vốn điều lệ lớn, nắm cổ phần chỉ phối các công ty con, công ty thành viên, như Công ty CP Tập đoàn Sài Gòn Peninsula vốn điều lệ 18.000 tỷ đồng, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng...

Nhóm 3 - nhóm các công ty được gọi công ty "ma" tại Việt Nam được thành lập để lấy pháp nhân góp vốn đầu tư vào các dự án, vay vốn ngân hàng, thực hiện việc đảo nợ hoặc ký hợp đồng hợp tác, thi công...

Nhóm 4 - mạng lưới công ty tại nước ngoài, bà Lan xây dựng mạng lưới nhiều công ty vỏ bọc, tại các vùng lãnh thổ, quốc gia "thiên đường thuế" phục vụ hoạt động đầu tư, kinh doanh tại nước ngoài hoặc sử dụng danh nghĩa "nhà đầu tư nước ngoài" đầu tư vào Việt Nam có nhiệm vụ quản lý nguồn vốn, tài sản của gia đình bà Lan tại nước ngoài.

Cũng theo kết luận điều tra, bà Lan tổ chức các công ty "ma" để phục vụ cho mục đích cá nhân. Việc thành lập các công ty "ma" được bà Lan giao cho các đồng phạm thực hiện, gồm: đặt tên công ty, tìm thuê người đứng tên thành lập công ty dưới các vai trò là người đại diện theo pháp luật, cổ đông, thành viên Công ty TNHH, tìm địa chỉ đặt trụ sở công ty, chọn ngành nghề kinh doanh... cho phù hợp với yêu cầu của bà Lan và đồng phạm.

Với phương thức này, bà Lan đã chỉ đạo nhóm đối tượng tại Tập đoàn thành lập/nhận chuyển nhượng sử dụng hàng nghìn pháp nhân để: Đứng tên khoản vay; Chuyển/nhận tiền từ nước ngoài; Phát hành trái phiếu; Đứng tên dự án; Cơ cấu lại sở hữu cổ phần giữa các công ty, chuyển nhượng cổ phần, tài sản cho các cá nhân theo mục đích cá nhân và đồng phạm (chuyển nhượng nhiều lần để nâng giá trị tài sản, hoặc chuyển nhượng để lập phương án rút tiền ra khỏi SCB...).

Điển hình của việc đưa tài sản không đủ pháp lý và nâng khống giá trị là các khoản vay liên quan đến tài sản bảo đảm là dự án Mũi Đèn Đỏ. Cụ thể, tài sản bảo đảm trên sổ sách là 584.487 tỷ đồng. Trong đó, tài sản bảo đảm là phần vốn góp, cổ phần là 433.473 tỷ đồng; quyền tài sản phát sinh từ dự án Mũi Đèn Đỏ là 147.650 tỷ đồng; các BĐS, quyền tài sản khác là 3.363 tỷ đồng. Trong khi, Công ty Thẩm định giá Hoàng Quân chỉ định giá trị 22.003 tỷ đồng; tài sản bảo đảm là phần vốn góp, cổ phần không định giá được; quyền tài sản phát sinh từ dự án Mũi Đèn Đỏ là 18.317 tỷ đồng; các bất động sản khác là 3.686 tỷ đồng.

Còn SCB đánh giá về tài sản bảo đảm đủ căn cứ pháp lý để trích lập dự phòng rủi ro với giá trị là 17.597 tỷ đồng, trong đó, quyền tài sản phát sinh từ dự án Mũi Đèn Đỏ là 17.597 tỷ đồng, các BĐS khác là 0 đồng.