VAMC mua thêm gần 21.000 tỷ đồng nợ bằng trái phiếu đặc biệt trong năm 2021
Bên cạnh đó, VAMC cũng mua nợ theo giá thị trường đạt 2.116 tỷ đồng, tăng 41,32% so với năm 2020...
Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) vừa tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2021 nhằm đánh giá tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh doanh năm 2021 và triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2022.
Theo đại diện VAMC cho biết, trong bối cảnh đại dịch kéo dài sang năm thứ 2 liên tiếp, diễn biến phức tạp, VAMC vẫn nỗ lực cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao năm 2021.
Cụ thể, cơ quan này đã mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt đạt 20.999 tỷ đồng, mua nợ theo giá trị thị trường đạt 2.116 tỷ đồng, tăng lần lượt 43,35% và 41,32% so với năm 2020.
Như vậy, VAMC đã hoàn thành 100% chỉ tiêu mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt và hoàn thành 88% kế hoạch mua nợ theo giá trị thị trường. Đồng thời, xử lý nợ ước đạt 83% kế hoạch được Ngân hàng Nhà nước giao.
Đặc biệt, 100% các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động của VAMC năm 2021 hoàn thành vượt kế hoạch và tăng trưởng so với năm 2020. Điển hình như chỉ tiêu doanh thu tăng 9,06% kế hoạch (tăng 99% so với năm 2020); lợi nhuận vượt 21,7% kế hoạch (tăng 36% so với năm 2020) và tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu vượt 20% kế hoạch.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh ghi nhận, đánh giá cao các kết quả đạt được của VAMC, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chung của ngành.
Với các kết quả đạt được trong những năm qua và đặc biệt trong năm 2021, Phó Thống đốc tin tưởng VAMC sẽ tiếp tục phát huy những ưu điểm và thế mạnh của mình trong công tác xử lý nợ, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực làm lành mạnh hóa tài chính, đặc biệt trong việc khơi thông và thúc đẩy mở rộng tín dụng cho nền kinh tế một cách an toàn, hiệu quả, thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ của ngành ngân hàng năm 2022.
Chia sẻ về định hướng triển khai nhiệm vụ năm 2022, ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch HĐTV cho biết, VAMC sẽ tiếp tục triển khai thực hiện 7 nhóm giải pháp trọng tâm.
Thứ nhất, đẩy mạnh hoạt động mua bán và xử lý nợ theo giá trị thị trường.
Thứ hai, triển khai việc lựa chọn, tìm kiếm các khoản nợ, tài sản bảo đảm.
Thứ ba, tăng cường hoạt động Sàn giao dịch nợ trở thành trung tâm kết nối thị trường nợ xấu, hoàn thiện mô hình tổ chức và các quy chế nội bộ.
Thứ tư, tiếp tục mua nợ xấu thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.
Thứ năm, xây dựng hệ thống thông tin quản lý một cách có hiệu quả khối lượng lớn các khoản nợ xấu VAMC đã mua và đang quản lý. Đồng thời, đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả công tác mua nợ theo giá trị thị trường theo phương án được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.
Thứ sáu, triển khai các nghiệp vụ mới theo chức năng, nhiệm vụ của VAMC đã được quy định tại Nghị định số 53/2013/NĐ-CP.
Thứ bảy, tiếp tục phát huy vai trò của VAMC và phấn đấu hoàn thành mục tiêu, kế hoạch hoạt động kinh doanh năm 2022, góp phần đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, lành mạnh hóa tài chính cho doanh nghiệp, hoàn thành các mục tiêu của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước giao, góp phần ổn định nền kinh tế.