11:02 03/12/2007

Vẫn bàng quan với chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh

Vẫn còn không ít ý kiến tỏ ra bàng quan hoặc nghi ngờ về kết quả PCI 2007 mà VCCI vừa công bố

Một điểm tăng lên trong chỉ số PCI sẽ giúp địa phương có thêm tám doanh nghiệp đi vào hoạt động.
Một điểm tăng lên trong chỉ số PCI sẽ giúp địa phương có thêm tám doanh nghiệp đi vào hoạt động.
Tại hội thảo “Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh các tỉnh ĐBSCL” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ tổ chức tại Cần Thơ mới đây, vẫn còn không ít ý kiến tỏ ra bàng quan hoặc nghi ngờ về kết quả PCI 2007 mà VCCI vừa công bố!

Đòi có... giá trị pháp lý!


Giữa buổi hội thảo, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thốt lời... cảm ơn ông Trương Văn Sáu, Phó chủ tịch UBND Tỉnh Vĩnh Long: “Tôi rất mừng vì ông đã tham dự ngay từ đầu và đặt câu hỏi cho các diễn giả”.

Lời cảm ơn này không gây bất ngờ, bởi trước đó ông Doanh đã “than”: “Sao thấy các quan chức bận quá! Có khi, họ chỉ đến để đọc diễn văn khai mạc là... biến”. Tại cuộc hội thảo này, ngay cả đại diện lãnh đạo địa phương “chủ nhà” là Cần Thơ (năm 2007 tụt 4 bậc, đứng thứ 7/13 tỉnh, thành ĐBSCL) cũng không thấy hiện diện.

Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ, cũng góp ý: “Cần Thơ, Bạc Liêu thiếu quan tâm nên thứ hạng PCI không được cải thiện. Trong khi đó, từ năm 2005, một số tỉnh như An Giang... đã chủ động tìm hiểu về PCI, sau đó đã có cải thiện đáng kể về nhiều chỉ số. Có địa phương không được mời, nhưng cũng tự tìm hiểu để ban hành một số chỉ thị chấn chỉnh, hoặc tổ chức họp mặt lấy ý kiến doanh nghiệp...”. Và ông khẳng định: “Đã có quan tâm để cải thiện môi trường kinh doanh thì chỉ số PCI cũng sẽ cải thiện theo”.

Tuy nhiên, một cán bộ Sở Kế hoạch và Đầu tư Tỉnh Hậu Giang lại tỏ ra nghi ngờ về kết quả mà VCCI công bố vì tỉnh này có một vài chỉ số tăng cao so với năm 2006, nhưng vị trí trên bảng “xếp hạng” không được cải thiện. Nhưng điều mà ông này quan tâm nhất lại là giá trị pháp lý của kết quả điều tra này: “Theo tôi thì chưa có tính pháp lý gì cả” (!).

Bên lề hội thảo, một đại biểu đến từ Bạc Liêu - địa phương xếp vị trí thấp nhất về PCI trong các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, cũng không mấy tin tưởng vào những số liệu điều tra mà VCCI công bố. Lý do ông đưa ra là trong năm 2007, Bạc Liêu cũng có... tổ chức vài kỳ hội chợ nhưng VCCI lại không cập nhật trong cuộc điều tra (!)

Phải tự nhìn lại mình!

Ông Đậu Anh Tuấn, thành viên nhóm nghiên cứu PCI, cho rằng việc kiểm chứng độ chính xác của cuộc điều tra luôn luôn được tiến hành. Những kết quả nghiên cứu gần đây của Tổng cục Thuế, Tổng cục Thống kê cũng cho kết quả gần như trùng khớp với kết quả điều tra lần này.

Còn ông Doanh khẳng định, một cuộc điều tra xã hội học trên thế giới nếu đạt tỷ lệ 5% người được phỏng vấn trả lời là đã có thể sử dụng được kết quả. Trong khi đó, các phiếu thăm dò của VCCI gửi đi trong năm nay đạt tỷ lệ hồi âm đến 21%.

Ông Doanh thừa nhận, cũng có thể một số thông tin điều tra không phản ánh hết vấn đề. Như về giáo dục, có thể do số doanh nghiệp thành lập mới quá nhiều nên khả năng đào tạo nhân lực không theo kịp chứ không phải tự lĩnh vực giáo dục tụt hậu.

Cùng lý do đó, biên chế thanh tra không theo kịp nên đã không đến hết các doanh nghiệp cũ và mới khiến kết quả điều tra lần này cho thấy, tỷ lệ các đoàn thanh tra “thăm” doanh nghiệp vô tình đã giảm đi...

Tuy vậy, ông khẳng định: “Trên thế giới luôn chấp nhận rất nhiều các nghiên cứu, điều tra độc lập. Nếu để Tổng cục Thống kê thực hiện (để đảm bảo tính pháp lý - PV), e rằng có thể giảm độ tin cậy”.

Còn ông Tuấn thì cho biết thêm, tính độc lập và khách quan là điều mà VCCI mong muốn hơn là tính pháp lý. “Vậy mà vừa qua, tôi đã cảm nhận có chuyện một số tỉnh tìm cách tác động khi doanh nghiệp trả lời phiếu điều tra của VCCI”, ông nói.

“Chính quyền có thể nhìn vào kết quả điều tra của VCCI để xem những việc mình làm vừa qua được đánh giá khách quan như thế nào! Đó là đánh giá dân chủ và sòng phẳng của doanh nghiệp với chính quyền”, ông Dũng nói thêm.

Thực tế, đúng là không phải có vị trí xếp hạng PCI cao là có ngay vốn đầu tư, địa phương “phất” lên lập tức, nhưng đó chính là điểm số dành cho môi trường kinh doanh hiện tại... của địa phương mình để từ đó- nếu quan tâm, có biện pháp duy trì hoặc cải thiện cho thích hợp để đi đến cái đích cuối cùng là phát triển bền vững.

Theo tính toán của VCCI, một điểm tăng lên trong chỉ số PCI (chưa có trọng số) sẽ giúp địa phương có thêm tám doanh nghiệp đi vào hoạt động, lợi nhuận doanh nghiệp tăng bình quân 4,2 triệu đồng, đầu tư mới bình quân đầu người tăng thêm 2,5% và GDP bình quân đầu người tăng thêm 1%.

Theo ông Dũng, trong mười chỉ số để xếp hạng PCI, thì tính minh bạch và tiếp cận thông tin; chính sách phát triển kinh tế tư nhân; tính năng động tiên phong của lãnh đạo tỉnh... là những lĩnh vực lãnh đạo địa phương có thể chủ động thay đổi được.

Cũng theo ông Dũng, các địa phương cũng nên chú trọng đến việc giải quyết các bức xúc mà doanh nghiệp đặt ra tại các buổi họp mặt, diễn đàn... nhưng không phải trên quan điểm “chữa cháy” từng sự vụ mà phải kiểm tra thường xuyên, bảo đảm tính nhất quán. Có như vậy, môi trường kinh doanh mới đảm bảo bền vững.