10:40 17/11/2022

Văn phòng làm việc kết hợp giúp "giữ chân" nhân tài

Thanh Xuân

Trước đây, các công ty luôn thu hút nhân tài bằng chế độ đãi ngộ nhưng hiện nay lại tập trung vào xây dựng, cải tạo văn phòng, nhằm tạo ra một không gian làm việc thoải mái, hiệu quả, nơi mà nhân viên được coi trọng nhất. Đây là cách doanh nghiệp giữ chân và lôi kéo nhân tài trong xu hướng chuyển việc tăng cao…

 Văn phòng làm việc kết hợp tạo ra một không gian làm việc thoải mái, hiệu quả.
Văn phòng làm việc kết hợp tạo ra một không gian làm việc thoải mái, hiệu quả.

Sau Covid, yêu cầu đối với văn phòng từ khách thuê đã có sự thay đổi lớn. Cụ thể tiện ích và chức năng văn phòng phải đáp ứng được yếu tố xanh, cũng như về sức khỏe tinh thần, thể chất của nhân sự. Các nhóm ngành khác nhau thường có những yêu cầu chuyên biệt về văn phòng, để phù hợp với tiêu chí phát triển và mục tiêu ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị công ty) của mình.

Theo bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc cấp cao, Bộ phận cho thuê thương mại của Savills Hà Nội, đối với nhóm ngành Công nghệ thông tin do doanh nghiệp có đặc thù công việc liên quan đến máy móc và trang thiết bị phức tạp, nên yêu cầu khắt khe hơn về kỹ thuật như: trọng tải sàn lớn, tủ điện, tủ kỹ thuật công suất cao giúp đáp ứng nhu cầu tiêu thụ. Trong khi đó, nhóm ngành Tài chính ngân hàng lại yêu cầu về không gian làm việc lớn, sao cho thuận lợi tổ chức các sự kiện và buổi họp cần thiết. Đặc biệt với lực lượng lao động ở những doanh nghiệp này phần lớn gồm lao động trẻ, thì việc sở hữu không gian thoải mái, linh hoạt sẽ giúp đội ngũ nhân viên trở nên năng động, kích thích khả năng sáng tạo.

Vị chuyên gia này nhận định, thiết kế văn phòng hiện nay không chỉ chú trọng vào ấn tượng của khách thăm quan, hay đối tác của doanh nghiệp, mà còn cần tập trung đáp ứng nhu cầu sử dụng, trải nghiệm trực tiếp của nhân viên tại văn phòng.

Báo cáo Office Fit (khảo sát về xu hướng phát triển văn phòng) của Savills vào năm 2021 cũng cho thấy, nhu cầu đối với không gian làm việc đã thay đổi đáng kể từ sau đại dịch. Cụ thể 36% người được khảo sát chia sẻ họ cần bàn làm việc cố định, 36% cho rằng không gian làm việc nhóm có ý nghĩa hơn với họ, 34% cần các tiện ích để có thể giao lưu, học hỏi, và 30% cảm thấy nâng cấp hệ thống phòng họp phục vụ họp trực tuyến là yếu tố quan trọng đối với văn phòng.

Vì vậy, trước những thay đổi lớn và đa dạng hơn đối với nhu cầu sử dụng và không gian làm việc từ chính nội bộ công ty, doanh nghiệp cần sự hỗ trợ của đơn vị tư vấn có kinh nghiệm giúp thu thập thông tin. Qua đó sẽ hiểu rõ mong muốn, nhu cầu sử dụng diện tích của từng phòng ban. Đơn vị này sẽ đưa ra những gợi ý chuyên môn nhằm đảm bảo thiết kế văn phòng mang tới trải nghiệm tốt nhất và hỗ trợ doanh nghiệp theo đuổi mục tiêu về ESG.

Tuy nhiên, chuyên gia cũng khuyến cáo, trước khi xây dựng bản thiết kế văn phòng mới cần đánh giá nhu cầu sử dụng của từng bộ phận. Sau khi hiểu rõ nhu cầu thực tế của nhân viên mới đề xuất thiết kế với tỷ lệ bàn làm việc phù hợp, tiếp đó bổ sung thêm nhiều phòng họp cùng các khu vực chung khác. Lưu ý, khu vực đa năng như café lounge sẽ càng làm tăng hiệu quả của mô hình mới, khi cho phép mọi người vừa gặp gỡ, giao lưu, vừa phối hợp làm việc.

Được biết những năm qua, mô hình văn phòng trên thế giới đã không ngừng phát triển. Hiện nay văn phòng được sử dụng với nhiều chức năng khác nhau, công việc được thực hiện theo nhiều cách khác nhau, thay vì chỉ ngồi tại chỗ trong văn phòng. Hơn nữa, sự linh hoạt, tin tưởng và trao quyền cho nhân viên là chìa khóa mang lại cải thiện trong hiệu suất, tiến độ công việc.

Việt Nam là một nước có tỷ lệ nhân sự chuyển việc cao, vì vậy nếu trước đây, công ty luôn phải thu hút nhân tài bằng các chế độ đãi ngộ, thì nay, xu hướng công ty lại tập trung vào xây dựng, cải tạo văn phòng, nhằm tạo ra một không gian làm việc thoải mái, hiệu quả, nơi mà nhân viên được coi trọng nhất. Đấy cũng là cách doanh nghiệp giữ chân và lôi kéo nhân tài giữa lúc xu hướng chuyển việc tăng cao.