Dự án kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 chưa có đất xây dựng khu tái định cư
Dự án nạo vét, nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo nối các tỉnh miền Tây Nam Bộ với TP.HCM, đã được khởi công vào cuối năm 2021 và dự kiến sẽ hoàn thành sau hai năm thi công. Tuy nhiên, đến nay còn nhiều hạng mục triển khai rất chậm, trong đó có hạng mục xây nhà tái định cư cho hàng trăm hộ dân.
Dự án đầu tư nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo, giai đoạn 2 với tổng vốn 1.335 tỷ đồng, đã được Bộ Giao thông vận tải phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang tổ chức khởi công vào ngày 20/12/2021.
Dự án bao gồm nạo vét mở rộng luồng đường thủy gần 10 km, xây dựng công trình bảo vệ bờ nam kênh Chợ Gạo, cầu và đường dân sinh đi qua địa bàn các xã bờ phía nam, gồm: Bình Phục Nhứt, Bình Phan và thị trấn Chợ Gạo.
Sau khi cải tạo, đoạn luồng trên đạt quy chuẩn luồng đường thủy cấp II, với chiều sâu hơn 3,5 m, rộng hơn 50 m và bán kính cong lớn hơn 500 m, giúp tàu thuyền lưu thông thuận lợi hơn.
Uỷ ban nhân dân huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang được giao chịu trách nhiệm công tác tái định cư. Theo dó, huyện Chợ Gạo đã tiến hành áp giá bồi thường, giải phóng mặt bằng, xây dựng 5 khu tái định cư nhằm ổn định đời sống hơn 600 hộ ở ven bờ kênh, với tổng kinh phí giải phóng mặt bằng khoảng 683 tỷ đồng.
Về tiến độ thi công, đến nay tỉnh Tiền Giang vẫn chưa thực hiện xong phần giải tỏa mặt bằng để bàn giao cho các đơn vị thi công. Cụ thể, trong số 633 hộ dân ven kênh thuộc khu vực dự án phải di dời, có 21 hộ chưa chấp nhận bàn giao mặt bằng với các lý do chưa đồng ý với mức giá bồi thường, chờ xây xong nhà mới, chờ địa phương bố trí vào các khu tái định cư và một số trường hợp khác có đơn khiếu nại về công tác kê biên, áp giá,...
Ban quản lý các dự án đường thủy, Bộ Giao thông vận tải cho biết, đến nay, Uỷ ban nhân dân huyện Chợ Gạo bàn giao mặt bằng được gần 80%, tiến độ thi công của ba gói thầu số 1, 2 và 3 đạt 36% kế hoạch. Theo kế hoạch, dự án phải hoàn thành vào tháng 12/2023; nhưng với tiến độ như hiện nay rất khó để có thể đạt được. Cụ thể, gói thầu số 1 thuộc địa bàn xã Bình Phục Nhứt đến nay chưa thể giải tỏa các nhà dân khu vực chợ, công trình nhà lồng chợ; gói XL3 chưa di dời đường ống nước, đường điện gây khó khăn và nguy hiểm cho phương tiện thi công…
Theo quy định, các dự án thu hồi đất của dân phải xây khu tái định cư cho người dân có chỗ ở trước khi giải tỏa. Tuy nhiên, trên thực tế, địa phương tiến hành giải tỏa mặt bằng trước, xây dựng các khu tái định cư sau là bất cập, gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và an sinh của người dân trong vùng dự án, dẫn đến nhiều hệ lụy như đã nói.
Về phía huyện Chợ Gạo, Ủy ban nhân dân huyện cũng cho biết đang gặp một số khó khăn như quỹ đất xây dựng ba khu tái định cư cho 130 hộ dân đăng ký, chưa lập quy hoạch xây dựng. Nguồn kinh phí chi cho việc bồi thường, hỗ trợ, xây các khu tái định cư chưa đáp ứng được… Ngay cả một số cơ quan hành chính của huyện Chợ Gạo thuộc khu vực dự án cũng đã tháo dỡ để bàn giao mặt bằng nhưng đến nay vẫn chưa xây mới trụ sở làm việc…
Kênh Chợ Gạo có chiều dài 28,5 km, từ Rạch Lá đến rạch Kỳ Hôn, kết nối sông Tiền và sông Vàm Cỏ. Kênh đi qua huyện Châu Thành, tỉnh Long An và các huyện Chợ Gạo, thị xã Gò Công, huyện Gò Công Tây, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Theo thống kê, mỗi ngày đêm tuyến kênh này có khoảng 2.000 phương tiện thủy có trọng tải lớn, từ 200 tấn đến 1.000 tấn hàng hóa, qua lại.
Năm 2015, kênh Chợ Gạo đã được đầu tư gần 800 tỷ đồng để nạo vét, thông luồng. Sau khi hoàn thành việc nạo vét, thông luồng, làm kè kênh, tháng 6/2016 công trình được Bộ Xây dựng trao giải thưởng “Công trình chất lượng cao”. Nhưng chỉ sau ba năm, năm 2018 công trình đã xuống cấp hư hỏng nặng. Cùng với đó, vấn đề gây khó khăn cho tàu thuyền lưu thông trên kênh Chợ Gạo không phải do độ sâu không đáp ứng mà là do bề rộng đáy kênh vẫn chưa được cải thiện.
Tháng 9/2020, Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo giai đoạn 2.