09:57 08/02/2010

Vận tải biển: "Thất thu không có nghĩa là thất bại"

Khôi Minh

2009 là một năm thắng lợi lớn đối với các nhà khai thác cảng biển Việt Nam nhưng lại là một năm “mất mùa” của vận tải biển

Năm 2009, tổng sản lượng hàng hoá vận tải biển của các doanh nghiệp đạt xấp xỉ 80 triệu tấn - Ảnh: Việt Tuấn.
Năm 2009, tổng sản lượng hàng hoá vận tải biển của các doanh nghiệp đạt xấp xỉ 80 triệu tấn - Ảnh: Việt Tuấn.
Nếu như 2009 là một năm thắng lợi lớn đối với các nhà khai thác cảng biển Việt Nam thì đây  lại là một năm “mất mùa” của vận tải biển.

Tuy nhiên trong lúc “mất mùa”, doanh nghiệp vận tải biển lại gặt hái được những kết quả không thể tính được bằng tiền, đó chính là bài học kinh nghiệm trong đầu tư, phát triển kinh doanh và sự linh hoạt ứng phó với rủi ro có thể đến bất cứ lúc nào.

Năm 2009, tổng sản lượng hàng hoá vận tải biển của các doanh nghiệp đạt xấp xỉ 80 triệu tấn, trong đó sản lượng vận tải biển của tổng công ty hàng hải Việt Nam (Vinalines) đạt gần 33 triệu tấn. So với năm 2008, tổng sản lượng vận tải biển của các doanh nghiệp tăng 15% nhưng về doanh thu và lợi nhuận thì giảm đi rất nhiều.

Trụ vững là thắng lợi

Sở dĩ doanh thu và lợi nhuận không đạt kế hoạch đề ra là vì năm 2009, ngành vận tải biển gặp quá nhiều “sóng gió”.

“Sóng gió” theo nghĩa đen do bị ảnh hưởng nặng nề từ thời tiết diễn biến phức tạp, làm tăng thêm nhiều chi phí...  

“Sóng gió” theo nghĩa bóng là những khó khăn do giá cước vận tải biển giảm mạnh trong thời gian dài với mức thấp kỷ lục trong vòng hơn chục năm qua đã làm cho doanh nghiệp vận tải biển điêu đứng.

Trong khi mặt bằng giá cước quá thấp, luôn dưới mức hòa vốn thì năm 2009, doanh nghiệp vận tải biển còn phải đối mặt với lượng hàng hóa vận chuyển giảm mạnh, luôn trong tình trạng khan hiếm do sức ép cạnh tranh giữa các doanh nghiệp vận tải biển và tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Cùng với những khó khăn kể trên thì giá nguyên, nhiên liệu đầu vào, đặc biệt là giá xăng, dầu liên tục leo thang đã khiến cho các doanh nghiệp vận tải biển càng thêm khó khăn.

Vì thế, nhìn lại năm 2009, nhiều doanh nghiệp vận tải biển đã cho rằng: giữ vững được sự tồn tại, cân bằng, không bị thua lỗ và hao hụt tài sản, nguồn nhân lực là thắng lợi lớn.

Thất thu không có nghĩa là thất bại

Ông Dương Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Vinalines cho biết: năm 2009, mặc dù doanh thu, lợi nhuận trong lĩnh vực vận tải biển của Vinalines có giảm so với năm 2008 nhưng tất cả đều không bất ngờ và bị động.

"Chúng tôi đã cơ bản dự báo được khó khăn sẽ đến từ trước đó và lên phương án kinh doanh linh hoạt, ứng phó phù hợp với khó khăn. Tất cả các doanh nghiệp của Vinalines đều trụ vững, đảm bảo ổn định đời sống cán bộ, công nhân viên", ông Dũng nói.

Ông Dũng cũng cho biết thêm, trong khó khăn chính là lúc các thành viên của Vinalines hoàn thiện mình và rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quý giá cho giai đoạn phát triển kinh doanh sau này.

Bài học đáng quý nhất vẫn là củng cố thêm sự linh hoạt trong công tác điều hành, dự báo rủi ro, đầu tư phát triển đội tàu, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tiết kiệm nguyên, nhiên liệu và kinh nghiệm trong cạnh tranh, nâng cao năng lực, uy tín cho doanh nghiệp.

Tình trạng thừa tàu thiếu hàng cũng thực sự là một bài học quý giá cho doanh nghiệp trong chiến lược đầu tư. Trong đó, bài học sống động nhất là năm 2008, khi mà giá cước vận tải, sản lượng hàng hoá xuất nhập tăng cao, nhiều doanh nghiệp vận tải đổ xô mua sắm, đóng mới tàu. Nhiều doanh nghiệp chấp nhận đi vay nợ với lãi suất cao để mua tàu.

Thế nhưng, năm 2009 khi có khó khăn ập đến, giá cước vận tải xuống thấp, lượng hàng hoá khan hiếm đã làm cho nhiều doanh nghiệp vận tải rơi vào hoàn cảnh phá sản.

Từ quý 4/2009, kinh tế thế giới phục hồi mạnh kéo theo nhu cầu vận tải tăng lên nhanh chóng. Vận tải biển bắt đầu làm ăn có lãi nhưng kế hoạch mua sắm mới tàu thì hầu hết mọi doanh nghiệp đều không dám nghĩ đến.

Ông Vũ Hữu Chinh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Vận tải biển Việt Nam (Vosco) cho biết: hiện nay giá tàu trong và ngoài nước đang ở mức thấp nhưng hầu hết các doanh nghiệp vận tải biển đều rất dè dặt trong kế hoạch đầu tư mua tàu mới vì sợ rủi ro. Rõ ràng qua cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vừa qua, bài toán đầu tư, phát triển đội tàu, mở rộng sản xuất kinh doanh đã được các doanh nghiệp tính toán thận trọng, kỹ lưỡng hơn. Đây cũng là một bài học quý.

Nhìn vào đội tàu với độ tuổi trung bình là 15 của chúng ta hiện nay đang còn trong tình trạng thừa “tàu già”, thiếu “tàu trẻ”,  - đó là sự thật có căn cứ. Theo đó mà trong thời gian tới, bài học nữa ở đây là phải mua những loại tàu trọng tải lớn, hiện đại. Đó chính là cách tốt nhất để cạnh tranh thành công với các hãng tàu nước ngoài.  Đây chính là hậu quả của một tư duy đầu tư phát triển đội tàu thiếu tầm nhìn xa đã diễn ra từ nhiều năm trước.

Năm 2009 cũng là năm đánh dấu sự “vươn khơi” mạnh mẽ của ngành vận tải biển Việt Nam ra thế giới, trong đó nhiều doanh nghiệp vận tải biển đã liên tục mở các đại lý, chi nhánh tại nước ngoài để khai thác nguồn hàng; phối hợp các chân hàng ngắn để giảm chi phí, đón đầu kinh tế phục hồi. Đó cũng chính là một bài học kinh nghiệm hay cần phát huy.