Vàng chững lại trong lúc chờ số liệu Mỹ, giá trong nước chênh thế giới gần 13 triệu đồng/lượng
Vàng chững giá khi căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông xuống thang, khiến phần bù rủi ro đối với giá kim loại quý này không còn lớn như trước...
Giá vàng thế giới giằng co nhẹ trong lúc nhà đầu tư chờ các báo cáo kinh tế Mỹ quan trọng sắp được công bố. Giá vàng trong nước sáng nay (25/4) đi ngang hoặc tăng nhẹ, và giá vàng miếng đang chênh cao hơn gần 13 triệu đồng/lượng so với giá quốc tế quy đổi.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Tư tại thị trường Mỹ, giá vàng giao ngay giảm 6,3 USD/oz, tương đương giảm gần 0,3%, chốt ở mức 2.316,2 USD/oz - theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco. Lúc gần 9h sáng nay theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á tăng 1,9 USD/oz so với chốt phiên Mỹ, đứng ở mức 2.318,1 USD/oz.
Vàng chững giá khi căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông xuống thang, khiến phần bù rủi ro đối với giá kim loại quý này không còn lớn như trước. Giá vàng hiện đã giảm hơn 100 USD/oz sau khi lập kỷ lục mọi thời đại ở mức hơn 2.430 USD/oz vào hôm 12/4.
Cùng với đó, nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn trước khi Mỹ công bố loạt số liệu kinh tế được dự báo sẽ chi phối đường đi lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).
Vào ngày thứ Năm theo giờ địa phương, Bộ Thương mại Mỹ sẽ công bố báo cáo tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1. Tiếp đó, cơ quan này sẽ công bố báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng - vào ngày thứ Sáu.
“Giá vàng và bạc đang điều chỉnh do xung đột Trung Đông xuống thang. Câu hỏi quan trọng nhất bây giờ là liệu sự điều chỉnh này có biến thành xu hướng giảm giá trong ngắn hạn và báo hiệu thị trường đã qua đỉnh”, nhà phân tích cấp cao Jim Wyckoff của trang tin kim loại quý Kitco Metals nhận định.
“Tâm điểm chú ý của thị trường đang quay trở lại với các báo cáo kinh tế và Fed. Nếu số liệu lạm phát nóng hơn dự báo, Fed sẽ khó mà giảm được lãi suất và giá vàng có thể rớt xuống dưới 2.200 USD/oz”.
Thị trường hiện đang kỳ vọng đợt giảm lãi suất đầu tiên của Fed sẽ diễn ra vào tháng 9.
CEO Jonathan Rose của công ty Genesis Gold Group có cái nhìn lạc quan về triển vọng dài hạn của giá vàng. Ông cho rằng giá vàng còn tăng vì năm nay là một năm có số lượng kỷ lục các cuộc bầu cử trên thế giới, căng thẳng địa chính trị còn dai dẳng, và nợ của Chính phủ Mỹ đang rất lớn.
“Các ngân hàng trung ương đang rất ưu chuộng vàng, và sự ham thích này chắc chắc sẽ không giảm sút”, ông nói thêm.
Lúc gần 9h sáng nay, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 81,8 triệu đồng/lượng (mua vào) và 83,8 triệu đồng/lượng (bán ra), bằng mức giá của đầu giờ sáng qua.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý được Phú Quý báo giá ở mức 73,8 triệu đồng/lượng và 75,5 triệu đồng/lượng, tương ứng giá mua và bán, tăng 100.000 đồng/lượng ở mỗi đầu giá so với sáng hôm qua.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Rồng Thăng Long của Công ty Bảo Tín Minh Châu có giá 73,78 triệu đồng/lượng và 75,48 triệu đồng/lượng.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thuơng hiệu ở mức 81,5 triệu đồng/lượng và 83,8 triệu đồng/lượng.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu SJC có giá mua vào là 73 triệu đồng/lượng và giá bán ra là 74,8-74,9 triệu đồng/lượng tuỳ trọng lượng sản phẩm.
Giá vàng thế giới hiện tương đương khoảng 71,2 triệu đồng/lượng, thấp hơn 12,6 triệu đồng/lượng so với giá vàng miếng SJC bán lẻ và thấp hơn 4,3 triệu đồng/lượng so với giá vàng nhẫn.
Trong một thông cáo ngày 24/4, Ngân hàng Nhà nước vào lúc 9h sáng nay tiếp tục tổ chức đấu thầu bán vàng miếng. Khối lượng chào bán của phiên này là 16.800 lượng vàng miếng SJC, với giá tham chiếu là 82,3 triệu đồng/lượng.
Tỷ giá đồng USD trên thị trường quốc tế hồi phục trong phiên ngày thứ Tư, với chỉ số Dollar Index tăng lên gần 105,9 điểm, từ mức 105,7 điểm của phiên trước. Hiện chỉ số này đang ở gần mức cao nhất của 5 tháng là 106 điểm thiết lập gần đây.
Vietcombank đầu giờ sáng nay báo giá USD ở mức 25.137 đồng (mua vào) và 25.477 đồng (bán ra), giảm 10 đồng ở mỗi đầu giá so với sáng hôm qua.