Vàng lại tụt giá vì đồng USD lên đỉnh 20 năm
Giá vàng thế giới giảm đêm qua và sáng nay (6/5) vì đồng USD tăng mạnh trở lại. Giá vàng miếng trong nước cũng đi xuống, nhưng duy trì mốc 70 triệu đồng/lượng và cao hơn thế giới 18 triệu đồng/lượng...
Lúc gần 10h trưa nay, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 69,4 triệu đồng/lượng (mua vào) và 70,1 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cùng thời điểm ngày hôm qua, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện giảm 250.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 54,8 triệu đồng/lượng và 55,5 triệu đồng/lượng, giảm 400.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 69,45 triệu đồng/lượng và 70,15 triệu đồng/lượng, giảm 250.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá so với sáng qua.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ đang cao hơn 18 triệu đồng/lượng, từ chỗ cao hơn 17,4 triệu đồng/lượng vào sáng qua.
Lúc gần sáng nay theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á đứng ở mức 1.873,7 USD/oz, giảm 4,2 USD/oz so với đóng cửa phiên đêm qua tại Mỹ. Mức giá này tương đương gần 52,1 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank.
So với sáng hôm qua, giá vàng thế giới quy đổi hiện giảm 900.000 đồng/lượng.
Vietcombank sáng nay báo giá USD ở mức 22.810 đồng (mua vào) và 23.090 đồng (bán ra), giảm 20 đồng ở hai đầu giá so với sáng qua.
Trong phiên New York ngày thứ Năm, giá vàng giao ngay giảm 5,4 USD/oz, tương đương giảm 0,3%, chốt ở 1.877,9 USD/oz.
Đồng USD tăng giá mạnh trở lại đang gây áp lực mất giá lên vàng. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác vượt 103,8 điểm trong phiên ngày thứ Năm tại New York, mức cao nhất kể từ năm 2002, trước khi giảm nhẹ về mức 103,7 điểm trong phiên sáng nay tại châu Á.
Trước đó, chỉ số này sụt về mức 102,5 điểm trong phiên sáng hôm qua. Tuần trước, Dollar Index cũng đạt đỉnh 20 năm ở mức trên 103,8 điểm.
Ngoài ra, giá vàng còn đương đầu với áp lực giảm từ lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng. Do giá trái phiếu giảm, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm lại nhảy qua ngưỡng 3%, lên mức cao nhất kể từ năm 2018.
Những dễn biến của phiên này hoàn toàn trái ngược với phiên ngày thứ Tư – khi tỷ giá đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cùng tụt giảm, đẩy giá vàng tăng mạnh.
Đồng USD hồi phục về đỉnh và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng là do nhà đầu quay trở lại với thực tế là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang ở trong một chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh tay, với khả năng sẽ có thêm hai đợt tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm mỗi lần trong 2 cuộc họp tới đây của Fed.
Trước đó, trong phiên ngày thứ Tư, thị trường đã vui mừng khi Chủ tịch Fed Jerome Powell tuyên bố Fed không tính đến việc nâng lãi suất với bước nhảy 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 6.
Do vàng là một kênh đầu tư không mang lãi suất, nên môi trường chính sách tiền tệ càng thắt chặt thì càng gây bất lợi cho vàng. Ngoài ra, do vàng được định giá bằng đồng USD, nên đồng bạc xanh tăng giá thường gây áp lực giảm giá đối với kim loại quý này.
“Vàng sụt giá vì đồng USD và lợi suất trái phiếu cùng tăng mạnh và thị trường có thể đã nhận ra rằng Fed sẽ tiếp tục phải nâng lãi suất quyết liệt” – nhà phân tích Jim Wycoff của Kitco News nhận định. Tuy nhiên, ông Wycoff cho rằng dư địa giảm giá của vàng có thể hạn chế vì sự bán tháo trên thị trường chứng khoán có thể khuyến khích nhà đầu tư nắm giữ vàng để phòng ngừa rủi ro.