Vàng tụt giá nhưng có khả năng sớm tái lập mốc 2.000 USD/oz
Giá vàng thế giới đi xuống trong phiên giao dịch đầu tuần sáng nay (4/4) tại thị trường châu Á, kéo giá vàng miếng trong nước giảm theo...
Tuy nhiên, một số chuyên gia phân tích cho rằng giá vàng quốc tế có khả năng sớm tái lập ngưỡng chủ chốt 2.000 USD/oz.
Lúc gần 11h trưa, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 68,15 triệu đồng/lượng (mua vào) và 68,8 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cuối tuần, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện giảm 150.000 đồng/lượng.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 54,7 triệu đồng/lượng và 55,6 triệu đồng/lượng.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 68,1 triệu đồng/lượng và 68,8 triệu đồng/lượng.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ hiện đang cao hơn 15,7 triệu đồng/lượng.
Giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á lúc gần 11h theo giờ Việt Nam đứng ở 1.919,5 USD/oz, giảm 7,1 USD/oz so với đóng cửa phiên cuối tuần trước tại New York. Trước đó, trong phiên Mỹ ngày thứ Sáu, giá vàng giảm 11,6 USD/oz, tương đương giảm 0,6%, còn 1.926,6 USD/oz.
Giới đầu tư trên thị trường vàng quốc tế đang dõi theo sự đảo ngược của đường cong lợi suất giữa trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm và 10 năm. Đây là lần đầu tiên sự đảo ngược này xảy ra kể từ năm 2019. Lịch sử cho thấy, sự đảo ngược của đường cong lợi suất này là dấu hiệu suy thoái kinh tế có thể sắp xảy ra. Nếu có, suy thoái thường xuất hiện khoảng hơn 1 năm sau khi đường cong lợi suất trái phiếu đảo ngược.
“Sự đảo ngược đường cong lợi suất của trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm và 10 năm đã dẫn tới những dự báo cho rằng việc Fed quyết liệt tăng lãi suất sẽ nhanh chóng đẩy nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái”, chuyên gia kinh tế trưởng Paul Ashworth của Capital Economics phát biểu.
Khả năng xảy ra suy thoái kinh tế thường làm gia tăng tâm lý ngại rủi ro ở nhà đầu tư, đồng thời đẩy cao nhu cầu nắm giữ những tài sản an toàn như vàng. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, điều này chưa được phản ánh nhiều vào giá vàng – chuyên gia về kim loại quý Everett Millman của Gainesville Coins nhận định.
Đó là lý do vì sao giá vàng đang tiếp tục chịu áp lực giảm từ lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng và đồng USD tăng giá.
Hiện tại, vàng vẫn được hỗ trợ bởi nhu cầu phòng ngừa rủi ro do chiến tranh Nga-Ukraine và nhu cầu phòng ngừa lạm phát. “Xung đột địa chính trị đã kéo dài hơn 1 tháng và lạm phát tiếp tục tăng. Tâm lý chung trên thị trường là tìm kiếm sự an toàn”, chiến lược gia Bob Haberkorn của RJO Futures phát biểu.
Ông Haberkorn nói thêm rằng giá vàng có thể sụt giảm “nếu có tin tốt về chiến tranh Nga-Ukraine, nhưng tôi cho rằng các nhà giao dịch sẽ xem đó là cơ hội để mua vì nỗi lo lạm phát vẫn đang tăng lên”.
Một yếu tố bất lợi đối với giá vàng ở thời điểm này là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tăng mạnh lãi suất trong năm nay để chống lạm phát. Tuy nhiên, nếu Fed hành động quá tay, kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái, và vàng có thể tiếp tục phát huy vai trò kênh đầu tư an toàn trong một môi trường kinh tế sụt giảm.
Nói về triển vọng của giá vàng trong quý 2, chiến lược gia cấp cao Frank Cholly của RJO Futures cho rằng mốc giá 2.000 USD/oz là trong tầm tay.
“Giá vàng gần đây có xu hướng tích luỹ trước khi tăng. Một đợt tăng mạnh đã diễn ra từ tháng 2 đến giữa tháng 3. Giờ đây, giá vàng đang điều chỉnh một chút. Thị trường đang hình thành một vùng đáy ở ngưỡng giá đỉnh hồi giữa tháng 11 năm ngoái. 1.900-1.925 USD/oz sẽ là giá tốt để mua. Nếu giá vàng đạt tới vùng 1.950-1975 USD/oz, thì việc tái lập mốc 2.000 USD/oz sẽ không có gì khó khăn. Trong quý 2, chúng ta sẽ vượt được mốc 2.000 USD/oz”, ông Cholly nhận định.
Đồng USD trên thị trường quốc tế giảm giá nhẹ sáng đầu tuần, với chỉ số Dollar Index dao động quanh ngưỡng 98,6 điểm.
Giá USD tự do tại Hà Nội sáng nay phổ biến ở mức 23.330 đồng (mua vào) và 23.390 đồng (bán ra).
Ngân hàng Vietcombank báo giá USD ở mức 22.700 đồng và 22.980 đồng, tương ứng giá mua và bán.