14:11 20/02/2009

Vay vốn tiêu dùng: Cửa đã thực sự mở?

VnEconomy

Những nội dung chính của cuộc giao lưu trực tuyến với đại diện các ngân hàng trên VnEconomy chiều 20/2

Tại một số ngân hàng, các sản phẩm cho vay tập trung vào các nhu cầu cá nhân mua nhà, ôtô, cho vay tín chấp tiêu dùng… với các hạn mức từ 200 triệu tới 500 triệu đồng - Ảnh: Reuters.
Tại một số ngân hàng, các sản phẩm cho vay tập trung vào các nhu cầu cá nhân mua nhà, ôtô, cho vay tín chấp tiêu dùng… với các hạn mức từ 200 triệu tới 500 triệu đồng - Ảnh: Reuters.
Cơ chế đã được mở lại, cơ hội vay vốn đến với người tiêu dùng. Nhưng cơ hội đó có thực sự rộng mở trên thực tế?

Sau nhiều khuyến nghị từ các chuyên gia, tổ chức trong và ngoài nước, ngày 23/1/2009, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến đã ký ban hành Thông tư số 01/2009/TT-NHNN, hướng dẫn về lãi suất thỏa thuận của tổ chức tín dụng đối với cho vay các nhu cầu vốn phục vụ đời sống, cho vay thông qua nghiệp vụ phát hành và sử dụng thẻ tín dụng.

Văn bản trên chính thức tạo điều kiện để các ngân hàng thương mại nối lại và thúc đẩy hoạt động cho vay tiêu dùng, một hoạt động đã bị siết chặt trong hơn nửa năm trước đó.

Với cơ chế cho vay theo lãi suất thỏa thuận nói trên, với thực tế lãi suất trên thị trường liên tục giảm mạnh từ cuối năm 2008, cùng với nguồn vốn khả dụng thuận lợi…, từ đầu tháng 2/2009, nhiều ngân hàng thương mại đã chính thức công bố triển khai các sản phẩm cho vay tiêu dùng với những hạn mức khá cởi mở.

Tại một số ngân hàng, các sản phẩm cho vay tập trung vào các nhu cầu cá nhân mua nhà, ôtô, cho vay tín chấp tiêu dùng… với các hạn mức từ 200 triệu tới 500 triệu đồng. Nguồn vốn cho vay nhóm đối tượng này tại một số thành viên dự kiến từ 2.000 - 3.000 tỷ đồng trong năm 2009. Lãi suất cho vay được áp dụng thấp nhất 11%/năm, phổ biến từ 13% - 15%/năm.

Sự trở lại của tín dụng tiêu dùng được kỳ vọng sẽ góp phần hỗ trợ cải thiện đời sống của nhiều người dân, tham gia kích cầu tiêu dùng theo chủ trương của Chính phủ, gián tiếp góp phần tháo gỡ khó khăn trên thị trường bất động sản và các hoạt động thương mại khác, cũng như tạo cơ hội để các ngân hàng phát triển lĩnh vực bán lẻ…

Tuy nhiên, với định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2009 từ 21% - 23%, với lãi suất cho vay vẫn ở những mức khá cao, các điều kiện cho vay thận trọng hơn trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế… có thể sẽ hạn chế khả năng tiếp cận vốn vay trên thực tế.

Tập trung thông tin cụ thể về những vấn đề trên, 14h chiều 20/2/2009, VnEconomy đã tổ chức buổi giao lưu trực tuyến giữa bạn đọc với lãnh đạo một số ngân hàng thương mại trong và ngoài nước:

- Ông Ashok Sud, Tổng giám đốc Standard Chartered tại Việt Nam, Chủ tịch Nhóm ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.

- Ông Sumit Dutta, Giám đốc Khối bán lẻ, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương (Techcombank).

- Ông Bùi Trung Kiên, Phó tổng giám đốc và ông Đàm Thế Thái, Giám đốc Khối Khách hàng cá nhân, Ngân hàng An Bình (ABBank).

Vay vốn tiêu dùng: Cửa đã thực sự mở? - Ảnh 1
Vay vốn tiêu dùng: Cửa đã thực sự mở? - Ảnh 2
Vay vốn tiêu dùng: Cửa đã thực sự mở? - Ảnh 3
Vay vốn tiêu dùng: Cửa đã thực sự mở? - Ảnh 4
Ông Ashok Sud
Ông Sumit Dutta
Ông Bùi Trung Kiên
Ông Đàm Thế Thái
Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu nội dung cuộc giao lưu trực tuyến này:

Nguyễn Lương Bằng (bang.economist@yahoo.com.vn):

Xin được hỏi ông Bùi Trung Kiên như sau: hiện nay người lao động bị mất việc làm ngày càng tăng bên cạnh đó lãi suất ngân hàng còn rất cao và hình thức vay trả góp cả gốc lẫn lãi hàng tháng hình thức vay như này không hợp lý cho lắm chi phí vay sẽ cao, hơn nữa nếu ngân hàng cho vay theo hình thức trả lãi + gốc cuối kỳ hay cách khác... thì chi phí vay sẽ rẻ hơn cho người vay.

Ví dụ, nếu một khoản vay trị giá 30 triệu, lãi suất 12% năm, trả gốc và lãi hàng tháng, thời hạn vay 12 tháng, vậy hàng tháng tính sơ qua người vay cũng phải trả khoảng 1,4 triệu đến 1,5 triệu cả gốc và lãi. Với mức trả góp 1 tháng như thế sẽ không phù hợp với đại đa số người vay chứ chưa nói tới những khoản vay lớn hơn.

Xin hỏi ông nghĩ gì về việc này?

Ông Bùi Trung Kiên:

Xin chào bạn.

Hiện nay cho vay tiêu dùng đang được chúng tôi áp dụng các hình thức thanh toán gốc và lãi rất linh hoạt, có thể trả gốc đều hàng kỳ, lãi vay tính trên dư nợ giảm dần; trả góp đều hàng kỳ, lãi vay tính trên dư nợ giảm dần; trả góp đều hàng kỳ, lãi vay tính trên dư nợ ban đầu.

Mỗi hình thức đều có ưu điểm riêng, khách hàng có thể thỏa thuận với ngân hàng hình thức phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính của mình.

Trên thực tế một trong những điều kiện để ngân hàng xem xét cho vay là đảm bảo khả năng trả nợ, do đó chỉ những khách hàng có thu nhập đủ để trả nợ mới được vay. Bạn có thể liên lạc với các điểm giao dịch của ngân hàng chúng tôi  để được tư vấn cụ thể hơn.

Lê Văn Thành:

Trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp 2008, một số đánh giá chuyên ngành cho rằng tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam bị thui chột do cơ chế trần lãi suất. Các diễn giả có thể giải thích rõ hơn về đánh giá này không?

Ông Ashok Sud:

Kinh nghiệm ở các nước khác cho thấy rằng, trần lãi suất làm hạn chế cho tài chính tiêu dùng cá nhân. Tỷ lệ lãi suất phụ thuộc vào rủi ro ngân hàng chấp nhận hơn là vào trần lãi suất.

Trong buổi diễn đàn đó, chúng tôi đã nêu lên kinh nghiệm của các nước khác, trần lãi suất sẽ hạn chế tín dụng tiêu dùng khiến những người vay tiêu dùng sẽ chuyển từ vay qua kênh chính thức như ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, sang vay từ các tổ chức phi chính thức như các hiệu cầm đồ...

Ông Bùi Trung Kiên:

Chào bạn Thành,

Theo tôi nên nhìn nhận vấn đề trong bối cảnh chúng ta phải chống đỡ với lạm phát cao từ ngay từ đầu năm 2008.
 
Như nhiều thông tin mà bạn đã biết,  cơ chế trần lãi suất nằm trong tổng thể các giải pháp kiềm chế tăng trưởng tín dụng, thắt chặt chính sách tiền tệ. Để đạt mục tiêu tăng trưởng ổn định trong dài hạn, chúng ta đã phải chấp nhận đánh đổi với việc giảm ngắn hạn tín dụng trong đó có cho vay tiêu dùng. Bên cạnh đó, trong giai đoạn này, các ngân hàng cũng rất thận trọng trong việc cho vay ra.
 
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quy định cho phép cho vay tiêu dùng theo lãi suất thỏa thuận, đây là quyết định đúng đắn và phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng phát triển hoạt động này, định giá vốn (lãi suất cho vay) trên cơ sở chi phí, rủi ro.
 
Ngân hàng chúng tôi đang triển khai mạnh mẽ hoạt động cho vay tiêu dùng theo lãi suất thỏa thuận, và hy vọng có dịp được phục vụ bạn.

Hoàng Vũ:

So với tín dụng doanh nghiệp, tín dụng tiêu dùng thường có lãi suất cao hơn. Thời điểm này, các ngân hàng có chính sách ưu đãi nào không về lãi suất đối với các khách hàng cá nhân? Các diễn giả có thể dự báo về tình hình lãi suất trong thời gian tới?

Ông Đàm Thế Thái:

Chính sách cho vay của chúng tôi rất linh hoạt và tất nhiên ABBank luôn có chính sách ưu đãi về lãi suất dành cho người vay tùy thuộc vào từng lọai sản phẩm.

Với mong muốn trở thành ngân hàng đi đầu trong việc gia tăng các tiện ích cho người vay, ABBank đã tiên phong trong việc tặng kèm bảo hiểm nhân thọ cho người vay, áp dụng ở các sản phẩm tín dụng tiêu dùng của chúng tôi như YOUhouse-plus (vay mua nhà), YOUmoney (vay tín chấp với thời hạn vay tối đa 60 tháng và mức cho vay lên đến 200 triệu).

Dự báo về tình hình lãi suất, theo lý thuyết, lãi suất sẽ được tái lập 1 trật tự mới dựa theo tình hình cung cầu của thị trường mà trong đó cho vay được xem là một hàng hóa được cung ứng bởi thị trường đó.

Còn theo nhận định thực tế của chúng tôi thì lãi suất có thể sẽ hạ nhưng không nhiều, lãi suất hạ chủ yếu là do áp lực cạnh tranh trên thị trường, mà một trong những nguyên nhân chính là sự hiện diện của hệ thống bán lẻ của các ngân hàng 100% nước ngoài tại Việt Nam và sự phát triển mạng lưới của ngân hàng ttrong nước.
 
Tiêu Phong (tieuphong@yahoo.com):

Hiện nay, các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp vừa và nhỏ có Chính phủ, một số tổ chức bảo lãnh vay vốn. Vậy thì tại sao lại không có một tổ chức nào đứng ra xem xét, thẩm định để bảo lãnh cho các khách hàng cá nhân vay vốn ngân hàng? Tôi nghĩ Chính phủ nên xem xét kiến nghị này, qua đó hỗ trợ cải thiện đời sống người dân.

Theo các chuyên gia, điều đó có khả thi không? Trân trọng cảm ơn.

Ông Bùi Trung Kiên:

Chào bạn, tôi xin chia sẻ mong muốn của bạn. Tuy nhiên ở thời điểm này thì tôi nghĩ đề xuất của bạn chưa thực sự khả thi.
 
Bởi vì, việc làm của Chính phủ như bạn nói là nhằm tác động đến những đối tượng có ảnh hưởng và tác động lan truyền lớn nhất đến nền kinh tế. Trong đó các doanh nghiệp là những đối tượng có vai trò trực tiếp và quan trọng hiện nay để giảm suy thoái của nền kinh tế và kích thích tăng trưởng.

Do đó, các chính sách bảo lãnh vay vốn và hỗ trợ lãi suất  thời gian qua chủ yếu nhằm vào các đối tượng này.
 
Khi mà chính sách này phát huy tác dụng,  nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng thì sẽ tác động tích cực đến toàn bộ đời sống của nhân dân, trong đó có mỗi cá nhân.

Ông Ashok Sud:

Chào bạn Phong. Hầu hết ở các nước, cho vay cá nhân không được Chính phủ bảo lãnh. Ở Việt Nam, Chính phủ hoãn thu thuế thu nhập cá nhân trong 5 tháng, đó cũng là một cách để Chính phủ tăng lượng tiền cho tiêu dùng.

Việt Nam có thể lập một hệ thống thông tin tín dụng cá nhân mà các ngân hàng đều có thể truy cập để kiểm tra thông tin tín dụng của khách hàng.

Điều này sẽ tránh rủi ro cho các ngân hàng, ví dụ : khách hàng mang bảng lương đến Ngân hàng A vay tiền, khi vay tiền, thông tin này sẽ được chuyển vào dữ liệu chung. Điều này sẽ tránh tình trạng khách hàng có thể mang bảng lương đó đến Ngân hàng B vay tiếp...

Tôi cho rằng, Việt Nam nên sớm nhất có thể xây dựng hệ thống thông tin này.

P.Thúy:

Được biết ABBank có chính sách hỗ trợ khách hàng vay vốn mua nhà để ở. Vậy làm thế nào để chứng minh cho ngân hàng rằng khách hàng mua nhà để ở khi tôi đang sở hữu 1 căn nhà, còn căn hộ dự định mua đang trong thời gian xây dựng?

Ông Đàm Thế Thái:

Chính sách cho vay của chúng tôi dựa trên mục đích vay hợp pháp của người tiêu dùng (người vay). Mục đích vay nói chung trong trường hợp này là mua nhà để ở do ngân hàng thẩm định trên cơ sở sự việc đúng.

Trong trường hợp khách hàng thực sư mua nhà để ở thì đã kê khai  rõ ràng trên giấy đề nghị vay vốn và ngân hàng thẩm định dựa trên lời khai của khách hàng cũng như là cam kết sẽ thực hiện đúng mục đích ban đầu.

Ngân hàng chỉ thực hiện các biện pháp thu hồi khỏan nợ trước hạn nếu khách hàng sử dụng vốn vay không phù hợp với mục đích vay đã kê khai ban đầu.

Lan Ngọc:

Từ nửa cuối năm 2008, có nhiều khuyến nghị từ các chuyên gia, các tổ chức trong và ngoài nước đề nghị Ngân hàng Nhà nước mở lại cơ chế cho vay theo lãi suất thỏa thuận để thúc đẩy tín dụng tiêu dùng. Tuy nhiên, đến tháng 2/2009, yêu cầu này mới được đáp ứng. Theo các diễn giả, có phải trước đó các điều kiện của thị trường và của các ngân hàng không phù hợp?

Ông Bùi Trung Kiên:

Cảm ơn câu hỏi của bạn,
 
Một phần câu hỏi này tôi đã đề cập trong câu trả lời bạn Thành.

Ở đây, tôi chỉ xin nói rõ về điều kiện thị trường và điều kiện của các ngân hàng thương mại trong bối cảnh đó.
 
Về điều kiện thị trường, thời điểm đó khi mà chính sách tiền tệ đang được thắt chặt để giảm lạm phát thì các ngân hàng cũng phải thận trọng hơn với những quyết định cho vay.
 
Để cùng Chính phủ thực hiện mục tiêu lớn là kiềm chế lạm phát thì các ngân hàng, trong đó có An Bình cũng phải chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, và chúng tôi thấy điều đó là cần thiết. Vì lợi ích của mỗi ngân hàng phải được đặt trong lợi ích chung.

Ông Sumit Dutta:

Năm 2008, tôi nghĩ vấn đề lớn nhất Việt Nam phải đối mặt là lạm phát. Chính phủ đã phải có những biện pháp rất thận trọng để kiềm chế lạm phát và đã thành công trong việc giảm tỷ lệ lạm phát.

Cũng chính nhờ đó mà Chính phủ mới có thể giảm được lãi suất trần và lãi suất sàn. Như vậy, theo tôi, Chính phủ đã có những biện pháp hết sức kịp thời.
Vay vốn tiêu dùng: Cửa đã thực sự mở? - Ảnh 5

Ông Ashok Sud:

Do điều kiện của thị trường, cuối năm 2007, đầu năm 2008, Ngân hàng Nhà nước đã phải sử dụng phương pháp để giảm tỷ lệ lạm phát bằng cách hút bớt một phần tiền đang lưu thông, thông qua việc thu hẹp cho vay tín dụng.

Chính phủ muốn sử dụng biện pháp nhanh gọn và có hiệu quả, và đây là một biện pháp cho hiệu quả tức thì để giảm lạm phát. Tuy nhiên, chúng ta cũng đã thấy tác động ngược của nó tới thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản.

Vì điều kiện kinh tế thay đổi ở thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, từ quý 2/2008, lạm phát tăng cao, nhưng hiện nay lạm phát đã giảm và nhà nước phải có chính sách kích cầu. Vì vậy, đây là lúc ngân hàng Nhà nước thay đổi chính sách lãi suất áp dụng.

Vấn đề kích cầu cũng xảy ra với châu Á - các nước phụ thuộc vào xuất khẩu, do đó nhu cầu hiện tại là phải thúc đẩy tiêu dùng trong nước.

Ở Việt Nam đã sử dụng hai chính sách để kích cầu tiêu dùng, bỏ trần lãi suất vay tiêu dùng và hoãn thu thuế thu nhập cá nhân 5 tháng.

Tôi hy vọng hai chính sách này sẽ dần kích thích tiêu dùng trong nước.

Luong Thi Hoai (hoailt@sacombank.com):

Mục tiêu của chính phủ kích cầu nền kinh tế, nhưng chỉ hỗ trợ lãi suất cho các đối tượng sản xuất kinh doanh, còn tín dụng tiêu dùng của cá nhân thì không được hỗ trợ, và thực tế các ngân hàng thương mại đang thực hiện theo lãi suất thỏa thuận( thường trên 12%/năm), như thế vô hình chung có kích cầu được không khi mà các nhà sản xuất sản xuất ra sản phẩm giá rẻ nhưng nền kinh tế vẫn èo uột người tiêu dùng vẫn thắt chặt chi tiêu?

Ông Sumit Dutta:

Tôi nghĩ rằng Chính phủ Việt Nam đã làm rất tốt trong việc đưa ra các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong thời buổi khó khăn như hiện nay, những hỗ trợ đó sẽ giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động hiệu quả hơn và có thể tồn tại. Và việc các doanh nghiệp nhỏ vẫn hoạt động tốt là rất quan trọng trong tình hình hiện nay.

Bằng cách gỡ bỏ lãi suất trần và lãi suất sàn đối với các khoản vay cá nhân thì Ngân hàng Nhà nước đang tạo cơ hội cho các ngân hàng trong việc đưa ra các khoản vay với lãi suất cạnh tranh hơn và đẩy mạnh hoạt động cho vay.

Và khi được hỗ trợ, các nhà sản xuất sẽ có thể giảm giá hàng hóa, dịch vụ xuống thấp. Người tiêu dùng cũng có cơ hội tiêu dùng được nhiều hơn.

Kể cả ở nước ngoài cũng thế. Khi các chính phủ muốn hỗ trợ nền kinh tế thì cũng hướng tới doanh nghiệp vừa và nhỏ. Như vậy, những gì Chính phủ Việt Nam đang làm cũng nhất quán với những gì các chính phủ nước khác đã và đang làm.

Như vậy, việc Chính phủ gỡ bỏ lãi suất trần và lãi suất sàn sẽ tạo ra hai điểm mạnh. Thứ nhất là tạo ra lãi suất thị trường cạnh tranh hơn. Thứ hai là đẩy mạnh hoạt động cho vay.

Hoang Minh Tuan (tanhmb20@gamail.com):

Xin chào ông Ashok Sud, tôi muốn hỏi ông một câu: ông đánh giá thế nào về chính sách kích cầu của Chính phủ Việt Nam với gói 1 tỷ USD thông qua hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp và cá nhân vay vốn sản xuất kinh doanh?

So với các nước khác, chính sách kích cầu của Việt Nam là trực tiếp vào sản xuất kinh doanh, trong khi một số nước kích thích thẳng vào người tiêu dùng qua thuế và trợ giá. Đặc biệt, nếu Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thực hiện cơ chế lãi suất thỏa thuận với cho vay tiêu dùng, điều này là rất tốt.

Tuy nhiên trong bối cảnh suy thoái, các doanh nghiệp và cá nhân sản xuất kinh doanh thì lại được hỗ trợ lãi suất, trong khi đó người tiêu dùng lại không được hỗ trợ thì liệu có kích cầu được không?

Chưa nói sẽ xẩy ra tình trạng “lách luật” để vay với lãi suất ưu đãi (có nghĩa là sẽ núp bóng dưới dạng vay sản xuất kinh doanh nhưng thực chế sẽ vay tiêu dùng), như vậy ngân hàng và cơ quan quản lý khó kiểm soát.

Ông đề xuất giải pháp gì cho Việt Nam không trong trường hợp này?

Ông Ashok Sud:

Thực ra thì không phải Chính phủ hỗ trợ cho tất cả các doanh nghiệp hay cá nhân, mà chỉ hỗ trợ 4% lãi suất cho các tổ chức là công ty không kể lớn hay nhỏ nhưng không phải thuộc 13 lĩnh vực loại trừ như chứng khoán, bất động sản...

Cá nhân tôi, tôi ủng hộ chính sách này, vì nó sẽ giúp cho các công ty tăng khả năng cạnh tranh trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay.

Chính sách hỗ trợ này phổ biến ở hầu hết các nước chứ không riêng Việt Nam nhằm hạn chế đà suy giam kinh tế.

Nếu tôi được tư vấn cho Chính phủ, ngoài biện pháp này còn có thể có biện pháp nào để hỗ trợ nền kinh tế, thì tôi nghĩ rằng Chính phủ nên hỗ trợ cho các công ty tạo ra công ăn việc làm mới nhằm làm giảm tỷ lệ thất nghiệp.

Chính phủ đã phải cân bằng mức hỗ trợ, đối với các công ty thì Chính phủ đã hỗ trợ lãi suất, đối với cá nhân Chính phủ đã miễn thuế thu nhập cá nhân.

Ngân sách của Chính phủ hạn chế nên cần phải cân nhắc các giải pháp phù hợp. Chính phủ sẽ không thể để ngân sách bị thâm hụt quá 5-6%, nếu vượt quá mức này sẽ lặp lại tỷ lệ lạm phát cao và nhiền vấn đề khó khăn khác tiếp tục quay lại.

Trên thực tế, nhiều nơi sẽ có chuyện “lách luật”, nhưng tôi tin sẽ không có ở Việt Nam. Tất nhiên, Ngân hàng Nhà nước cũng cần có biệp pháp kiểm soát để điều này không xảy ra.

Nguyên Hương:

Các diễn giả có thể cho biết cụ thể chính sách ưu đãi của ngân hàng mình đối với khách hàng cá nhân vay vốn không, như về các hạn mức tín dụng, chính sách lãi suất, sự cởi mở hơn về các điều kiện vay vốn…?

Ông Ashok Sud:

Ngân hàng Standard Chartered tại Việt Nam bắt đầu cho vay tín dụng tiêu dùng 1 năm trước đây, đó cũng là lúc Chính phủ đưa ra trần lãi suất và chúng tôi đã tạm dừng việc cho vay tiêu dùng.

Trong 1 tháng tới, chúng tôi sẽ mở lại chương trình cho vay tiêu dùng. Do vậy, lúc này chưa thể đưa ra điều gì cụ thể.

Ông Sumit Dutta:

Techcombank có hai loại chính sách ưu đãi.

Loại thứ nhất là dành cho các khách hàng ưu tiên, có quan hệ thân thiết với Techcombank. Loại thứ hai là dành cho những khách hàng đã vay vốn tại Techcombank, trả đúng hạn và tiếp tục vay khoản khác.

Để biết thêm chi tiết, các bạn có thể đến các điểm giao dịch của Techcombank để được tư vấn cụ thể hơn.
   
Lê Quốc Bảo:

Kính gửi đại diện Ngân hàng An Bình. Tôi là công nhân, tôi có nghe An Bình có rất nhiều sản phẩm cho vay tieu dùng. tôi muốn mua đất mà tài sản thế chấp là bất động sản sẽ mua có được không, nếu có thì làm như thế nào, hoặc tôi có thể mượn sổ của người thân được không? Xin cảm ơn.

Ông Bùi Trung Kiên:

Hiện nay chúng tôi có sản phẩm cho vay mua nhà và thế chấp bằng bất động sản hình thành từ vốn vay, hoặc bất động sản thuộc sở hữu hợp pháp khác.
 
Nếu bạn thế chấp bằng bất động sản thì bạn có thể được vay tối đa 70% giá trị tài sản đảm bảo, kể với trường hợp bất động sản thuộc sở hữu của người  thân của bạn mà bạn đã được ủy quyền hợp pháp.
 
Để vay được tiền mua nhà thì bạn có thể đến bất cứ phòng giao dịch nào của chúng tôi làm thủ tục theo quy định, cũng không có gì phiền hà đâu bạn ạ.
 
Chúc bạn sớm có ngôi nhà như mong muốn.
    
Lê Đức Chiêu Minh (leducchieuminh2000@yahoo.com):

Theo tôi được biết, Chính phủ có quy định hỗ trợ 4% lãi suất vốn vay ngân hàng. Xin 3 vị lãnh đạo cho biết, điều này đã có tác động như thế nào lên các chính sách huy động cũng như cho vay của các ngân hàng? Tình trạng dư vốn đã được giải tỏa chưa?

Ông Bùi Trung Kiên:

Chào bạn,
 
Chính sách này đã tác động trực tiếp đến hoạt động cho vay của ngân hàng, các khách hàng có điều kiện tiếp cận nguồn vốn rẻ hơn và ngân hàng có điều kiện thuận lợi để tăng dư nợ tín dụng.

Khi cho vay tăng lên thì ngân hàng cũng sẽ chú trọng tăng nguồn vốn thông qua hoạt động huy động vốn để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
 
Trong thời gian qua Ngân hàng An Bình đã triển khai tích cực chính sách hỗ trợ của Chính phủ, khách hàng thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất có thể liên hệ với chúng tôi để được hướng dẫn thủ tục nhanh nhất với mức lãi suất (sau khi trừ hỗ trợ) chỉ còn 5-5,5%/ năm đối với vay bằng VND và 1,5% đối với vay xuất khẩu.

Hiện có nhiều khách hàng đang làm thủ tục để được vay theo cơ chế này và không tạo áp lực dư vốn với ngân hàng.

Nguyễn Thúy Hường (huong.t.n78@yahoo.com.vn):

Tôi là một độc giả thường xuyên của VnEconomy. Tôi có suy diễn thế này: chủ đề của hôm nay đề cập đến yếu tố “cơ hội”. Mà cơ hội thì thường không phải thường xuyên có. Vậy có phải đây là cơ hội sau một năm tín dụng tiêu dùng bị đóng cửa, lãi suất leo thang? Đó cũng có phải là cơ hội có tại thời điểm này, khi mà ai dám chắc nắm tới lạm phát trở lại, lãi suất lại tăng vọt lên? Các diễn giả có thể bình luận về suy diễn của tôi không? Xin cảm ơn.

Ông Bùi Trung Kiên:

Theo tôi thì đây là cơ hội nếu các ngân hàng biết khai thác tốt thị trường.
 
Với quy mô dân số trên 80 triệu dân, trong đó phần lớn là dân số trẻ, trình độ dân trí ngày càng cao, nền kinh tế tăng trưởng liên tục với tốc độ cao nhiều năm qua...thì Việt Nam là thị trường tín dụng tiêu dùng rất lớn.
 
Thực tế hiện nay cho vay tín dụng tiêu dùng chưa đạt mức 1 triệu đồng/người trong khi GDP bình quân đầu người đã đạt mức gần 17 triệu đồng.
 
Mặt khác, chưa đến 10% dân số tiếp cận với dịch vụ  ngân hàng. Do vậy có thể tin vào tiềm năng của thị trường tín dụng tiêu dùng của nước ta.
 
Còn lo lắng của bạn thì tôi xin chia sẻ, tuy nhiên theo chủ quan của tôi thì lạm phát không phải là lo lắng lớn nhất trong giai đoạn hiện nay, khi nhiều nền kinh tế trên thế giới và kinh tế Việt Nam đang đối mặt với tình trạng suy giảm.

Ông Ashok Sud:

Vấn đề lãi suất cao hay thấp thì không phải là yếu tố quyết định, quan trong là, nếu người tiêu dùng có khả năng thanh toán thì nên tận dụng cơ hội này.

Như ở Mỹ, lãi suất thấp trong những năm vừa qua và người dân vay quá nhiều vì so với khả năng thanh toán của họ. Kết quả là họ không trả được nợ. Đây là khởi nguồn cho cuộc khủng hoảng tính dụng, nhà đất - tài chính - suy thoái kinh tế.

Điều tốt ở Việt Nam là tổng số tiền vay tín dụng cá nhân chỉ khoảng 5% GDP trong khi đó, tổng số tiền vay tính dụng các nhân đạt hơn 100% so với GDP.

Hiện người dân Việt Nam vay quá ít so với các nước có cùng mức thu nhập cá nhân GDP/đầu người.

Theo tôi, mức tín dụng người dân vay tiêu dùng nên ở mức 15-20% nhập cá nhân GDP/đầu người.

Tôi cho rằng, dự đoán về lạm phát là rất khó vì hiện tại nền kinh tế thế giới trong tình trạng bất ổn, nếu giá lương thực, dầu thô, kim loại tăng lên thì rất có thể lạm phát sẽ quay trở lại.

Nhưng đó là các vấn đề thế giới, không liên quan nhiều đến Việt Nam vì Việt Nam không thể kiểm soát được những vẫn đề đó.

Tuy nhiên Chính phủ Việt Nam luôn cố gắng điều hành chính sách tiền tệ để kiểm soát giá cả trong nước.

Tống Quốc Bảo (baoquocsgn@yahoo.com.vn):

Xin hỏi ông Ashok Sud, ông nhận định thế nào về đời sống của người Việt Nam nói chung và thị trường bất động sản Việt Nam, khi mà rất nhiều người dân có nhu cầu nhà ở, vay vốn mua nhà nhưng thu nhập không thể đáp ứng được các điều kiện của ngân hàng? Bao giờ thì Việt Nam mới thoát khỏi được tình trạng khó khăn đó?

Ông Ashok Sud:

Hiện nay, ở Việt Nam có hai lực thúc đẩy đời sống và thị trường bất động sản.

Thứ nhất, cả vợ và chồng đều làm việc nên nguồn thu nhập nhiều hơn cho gia đình.

Thứ hai, các gia đình trẻ có nhu cầu có nhà riêng ngày một gia tăng,

Hai lực này về dài hạn sẽ làm tăng nhu cầu nhà ở, thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản Việt nnam.

Ở đây tôi không muốn nói đến giá đất ở Việt nam cao hay thấp, về dài hạn tôi thấy rằng nhu cầu về nhà ở sẽ gia tăng. Hiện nay cũng có nhiều tổ chức tín dụng đưa ra các chương trình cho vay thế chấp để mua nhà.

Tuy nhiên tôi cũng phải nhắc rằng, Việt Nam không nên đi vào lối mòn như thị trường cho vay thế chấp bất động sản ở Mỹ, tức là không cho vay quá 60-70% giá trị tài sản thế chấp.

Các ngân hàng cần phải xem xét khả năng trả nợ của từng các nhân để cho vay thế chấp mua nhà, nguồn trả nợ của cá nhân đó có thể từ lương hoặc từ hoạt động kinh doanh nhưng nó phải tương ứng với giá trị khoản vay.

Hien (hientn83@yahoo.com):

Xin hỏi ông Sumit Dutta: theo tôi được biết, Techcombank có định hướng phát triển thành ngân hàng bán lẻ. Hiện lãi suất bán lẻ (như cho vay mua ôtô tải) của các ngân hàng khác khá thấp, nhưng tại sao lãi suất cho vay bán lẻ để mua ôtô tải của Techcombank lại cao, đến 12,9%/năm (VND), và khách hàng còn phải nộp thêm phí quản lý tài sản bảo đảm khoảng 4 - 5%/năm (nếu tính theo dư nợ thực tế)? Với mức lãi suất cho vay cao như vậy, liệu có mâu thuẫn với định hướng phát triển là trở thành một ngân hàng bán lẻ hàng đầu ở Việt Nam không?

Bởi lãi suất cho vay cao thì khó thu hút khách hàng, là khách hàng vay chúng tôi đặc biệt quan tâm đến vấn đề lãi suất và phí. 

Ông Sumit Dutta:

Techcombank có tham vọng trở thành một trong những ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam và chúng tôi đảm bảo rằng lãi suất mà chúng tôi đưa ra là phù hợp với tình hinh thị trường và cạnh tranh so với các ngân hàng khác. Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục theo dõi lãi suất thị trường chặt chẽ và sẽ điều chỉnh lãi suất khi cần thiết.

Chúng tôi không tính phí quản lý tài sản đảm bảo đối với các khoản vay cá nhân cho mục đích tiêu dùng. Chúng tôi chỉ tính phí đối với các khoản vay cá nhân cho mục đích kinh doanh, và phí quản lý tài sản đảm bảo cho các khoản vay này đã giảm xuống chỉ còn 2%.

Là một ngân hàng bán lẻ hàng đầu không chỉ đơn thuần là lãi suất, Techcombank mang đến cho khách giá trị thông qua chất lượng dịch vụ và mạng lưới các chi nhánh, phòng giao dịch, các dịch vụ Internet Banking (giao dịch trên internet) và Mobile Banking (giao dịch qua điện thoại).
Vay vốn tiêu dùng: Cửa đã thực sự mở? - Ảnh 6

Nguyễn Xuân Khiết (khiet43b@gmail.com):

Cùng với chủ trương đẩy mạnh cho vay hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, cho vay tiêu dùng, năm 2009 tăng trưởng tín dụng sẽ tăng cao, cung tiền nhiều hơn, như vậy có kéo lạm phát tăng trở lại không? Xin các diễn giả cho biết nhận định. Trân trọng cảm ơn.

Ông Ashok Sud:

Cùng với chính sách hỗ trợ này, Chính phủ cũng kiểm soát lượng tiền đưa vào lưu thông và giá cả hàng hóa.

Như tôi đã nói trước đó, nguyên nhân làm tăng lạm phát một phần từ việc thâm hụt ngân sách, nên nếu Chính phủ duy trì tỷ lệ thâm hụt ngân sách phù hợp, thì sẽ không gây ra tình trạng làm tăng lạm phát.

Trên thực tế, hỗ trợ tín dụng không làm tăng lạm phát mà có thể tạo ra thiểu phát, vì khi doanh nghiệp được hỗ trợ lãi suất thì giá cả hàng hóa được sản xuất với chi phí thấp hơn, nên giá bán sẽ thấp hơn.

Nếu như chúng ta phân tích nguyên nhân gây ra lạm phát năm 2008, thì nguyên nhân có tới 60% là do tăng giá lương thực và xăng dầu, không liên quan hoặc ít liên quan đến sản xuất hàng hóa.
    
Phạm Việt Trung (hungtcb@gmail.com):

Tôi công tác công ty TNHH, vợ tôi công tác ở điện lực, tôi có dự định vay tiền để xây nhà, tôi được biết thời gian qua Ngân hàng An Bình chưa mở rộng cho khách hàng vay xây nhà. Vậy hiện nay Ngân hàng An Bình đã có chính sách cho vay xây nhà chưa? thời gian vay vốn, lãi suất cho vay? và điiều kiện ưu đãi?

Ông Bùi Trung Kiên:

Chào bạn, qua câu hỏi của bạn thì có thể bạn chưa biết thông tin đầy đủ về hoạt động của chúng tôi.
 
Hiện nay thì An Bình đã triển khai cho vay xây, sửa chữa nhà từ hơn 1 năm nay và rất sẵn lòng đáp ứng yêu cầu của các bạn.
 
Thời gian cho vay tối đa là 20 năm, lãi suất thấp nhất 12,%/ năm.
 
Tuy nhiên tùy theo đối tượng khách hàng ngân hàng cũng có những ưu đãi nhất định về lãi suất, tặng kèm bảo hiểm..
 
Rất mong sẽ đáp ứng được yêu cầu của bạn. Để biết thêm chi tiết bạn có thể liên lạc với trung tâm dịch vụ khách hàng qua số điện thoại 0838365365 hoặc website www.abbank.vn.

Nguyên Ngọc Sơn (hoanglan_111@yahoo.com):

Xin chào các diễn giả. Hiện nay tôi đang có nhu cầu vay vốn mua nhà. Theo tìm hiểu các điều kiện mà các ngân hàng công bố, tôi có thể đáp ứng được. Nhưng điều mà tôi lo là khi vay được vốn, được lãi suất có thể chấp nhận thời điểm này nhưng trong thời gian tới lãi suất có thể sẽ lại tăng cao như trong năm 2008. Các ngân hàng có chính sách gì để bảo vệ người vay trước rủi ro đó?

Ông Sumit Dutta:

Hiện nay, trên thị trường có hai loại lãi suất là thả nổi và cố định. Nếu như bạn lo lắng lãi suất có thể tăng sau một thời gian vay thì bạn có thể lựa chọn hình thức vay với lãi suất cố định.

Lãi suất vay cố định có thể thấp hoặc cao hơn lãi suất vay thả nổi, tùy thuộc vào dự báo xu hướng lãi suất của nền kinh tế.

Do vậy, tôi khuyên bạn nên cân nhắc kỹ trước khi lựa chọn một trong hai hình thức vay này.

Đỗ Tư (quyennang@vietstock.com.vn):

Xin hỏi lãnh đạo các ngân hàng, kế hoạch đẩy mạnh cho vay khách hàng cá nhân hiện nay có bao gồm các nhu cầu vay vốn đầu tư chứng khoán không? Tôi có tài sản thế chấp, vậy có thể dùng để vay vốn để đầu tư chứng khoán?

Ông Bùi Trung Kiên:

Hiện nay chúng tôi vẫn có sản phẩm cho vay đầu tư chứng khoán. Ngân hàng An Bình đã liên kết với Công ty Chứng khoán An Bình để phục vụ khách hàng tốt nhất.
 
Bạn có nhu cầu thì cứ đến làm thủ tục vay bình thường tại các điểm giao dịch của chúng tôi. Xin chúc bạn đầu tư thành công.

Ông Sumit Dutta:

Bạn có thể vay vốn nếu như có tài sản để đảm bảo cho khoản vay. Tuy nhiên, một số ngân hàng không khuyến khích cho vay với các khoản vay có mục đích đầu tư hoặc đầu cơ.

Bạn cũng nên đảm báo có nguồn thu nhập ổn định để có thể trả được nợ.

Nguyễn Thị Mộng Tường:

Xin chào các ông, trong tình hình khó khăn như hiện nay khi mà nguy cơ mất việc làm của đại bộ phận lao động đặc biệt là lao động phổ thông - những người có nhu cầu thực sự muốn vay tiêu dùng. Hiện tại các ngân hàng có chính sách và dành ra nguồn ngân quỹ hỗ trợ cho đối tượng này hay không?

Ông Bùi Trung Kiên:

Chào bạn, tôi rất thông cảm với nguyện vọng của bạn.
 
Tuy nhiên một trong những cơ sở để ngân hàng cho vay tiêu dùng là khách hàng có nguồn thu nhập đủ để hoàn trả vốn vay. Vì chúng tôi kinh doanh trên nguyên tắc đi vay để cho vay nên cũng phải đảm bảo khả năng hoàn trả vốn cho khách hàng của ngân hàng.
 
Vậy nên cho vay tiêu dùng chưa mở rộng được như nguyện vọng của bạn và các bạn khác có cùng hoàn cảnh.

Nguyễn Phan Hoàng Anh:

Các diễn giả đánh giá thế nào về vai trò của tín dụng tiêu dùng trong định hướng phát triển và trong cơ cấu nguồn thu của ngân hàng mình?

Ông Bùi Trung Kiên:

Cảm ơn sự quan tâm của bạn.
 
Tín dụng tiêu dùng là mảng quan trọng trong hoạt động ngân hàng, có khả năng tạo ra lợi nhuận rất lớn.
 
Ngân hàng An Bình trong thời gian qua đã rất chú trọng phát triển hoạt động này với nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Như: cho vay mua nhà, sửa chữa  nhà, sắm tiện nghi, mua xe, du học... với lãi suất hợp lý và thủ tục nhanh gọn.
 
Chúng  tôi định hướng trong những năm tới sẽ nâng cơ cấu hoạt động ngân hàng bán lẻ  trong đó có cho vay tiêu dùng với mục tiêu tăng trưởng gấp đôi hiện nay.

Ông Ashok Sud:

Hiện nay, cho vay tiêu dùng gồm hai đối tượng cho vay, có tổ chức và phi tổ chức.
 
Hiện tại chỉ khoảng 30% vay tiêu dùng là do các tổ chức tín dụng như ngân hàng, công ty tài chính cho vay, còn lại 70% là các khoản vay từ phi tổ chức, ví dụ gia đình, bạn bè.. và các tiệm cầm đồ.

Vậy chính sách của Chính phủ nên khuyến khích cá nhân vay từ các tổ chức sao cho tỷ lệ này càng cao càng tốt. Thực hiện được điều này sẽ có thể kiểm soát được lượng vay của các cá nhân.

Tín dụng cá nhân ở các tổ chức được chia làm hai mảng, một mảng là tín dụng có bảo đảm bằng tài sản như nhà cửa, chứng khoán... và tín dụng không có bảo đảm như thẻ tín dụng, vay tín chấp.

Chiến lược của các ngân hàng là cho vay có bảo đảm bằng tài sản là 80% và không có bảo đảm là 20%.

Vũ Tấn Tài:

Hiện nay, nhiều ngân hàng tại Việt Nam xác định chiến lược phát triển theo hướng mở rộng lĩnh vực bán lẻ. Các diễn giả đánh giá thế nào về tiềm năng của lĩnh vực này cũng như áp lực cạnh tranh liên quan?

Ông Sumit Dutta:

Lĩnh vực ngân hàng bán lẻ là lĩnh vực đang phát triển nhanh và hứa hẹn tại thị trường Việt Nam. Ước tính mới chỉ có 11 triệu trên tổng số 85 triệu người dân Việt Nam là có tài khoản tại ngân hàng. Như vậy, tiềm năng để phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam là rất lớn vì sẽ còn có nhiều người mở tài khoản hơn nữa.

Các yếu tố cơ bản để làm nên sự phát triển của dịch vụ ngân hàng bán lẻ bao gồm: dịch vụ Internet Banking (giao dịch qua internet), Mobile Banking (giao dịch qua điện thoại), sử dụng máy rút tiền tự động ATM, thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ trong nước và quốc tế.

Các dich vụ ngân hàng cũng sẽ mở rộng hơn để đưa ra các dịch vụ khác như bảo hiểm, đầu tư, quỹ tương hỗ, kinh doanh vàng và chứng khoán.

Điều đó có nghĩa dịch vụ ngân hàng bán lẻ ở Việt Nam phải chuyên nghiệp hơn nữa để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.

Techcombank rất tập trung vào mảng bán lẻ và cung cấp đầy đủ các dịch vụ nói trên. Chúng tôi cũng có tham vọng lớn trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu ở Việt Nam để cung cấp dịch vụ nhanh nhất, thái độ phục vụ thân thiện và chuyên nghiệp, mạng lưới rộng khắp và đầy đủ dịch vụ.

Ông Ashok Sud:

Theo tôi đây là lĩnh vực rất tiềm năng trong vòng 5 đến 10 năm nữa. Ngành ngân hàng Việt Nam đang trong giai đoạn đầu phát triển.

Hiện nay, ở Việt Nam có dưới 10% dân số có tài khoản tại ngân hàng và tỷ lệ cho vay cá nhân mới chiếm 5% GDP/đầu người. Trong khi đó ở các nước khác, tỷ lệ này là 15-20%.

Liên quan đến vấn đề cạnh tranh, nó là tốt và chúng ta nên khuyến khích cạnh tranh để khách hàng có sản phẩm tốt nhất. Nhưng các ngân hàng nên bắt tay nhau để cùng phát triển ngành ngân hàng một cách lành mạnh và bền vững.

Đã đến lúc phải tạm biệt các độc giả của VnEconomy. Cảm ơn các bạn đã gửi nhiều câu hỏi cho ngân hàng chúng tôi, rất tiếc không có đủ thời gian để có thể trả lời tường tận. Xin chúc các bạn có nhiều niềm vui trong cuộc sống.

Tientheq (tientheq@yahoo.com.vn):

Thực ra lãi suất đã được một số ngân hàng thương mại áp dụng lên đến 18%/năm!

Điều này nói rõ rằng hoặc ngân hàng đó không muốn cho vay hoặc chưa tìm được giải pháp cho vay phù hợp. Theo tôi thay vì cho vay bằng tiền mặt thì ngân hàng thương mại nên chuyển sang cho vay bằng hiện vật nhằm tránh hiện tượng vay tiền để xài đồ ngoại.

Ngân hàng cũng cần giảm lãi suất hoặc có thể áp dụng cho từng mục đích vay khác nhau, ngân hàng nên chủ động tiếp thị đến khách hàng đặc biệt là những nhân viên của những doanh nghiệp nằm trong diện ưu tiên tín dụng...

Ông Bùi Trung Kiên:

Hiện nay mức lãi suất thấp nhất của An Bình chỉ là 12%/ năm. Cụ thể các mức lãi suất  với mỗi sản phẩm cho vay tiêu dùng sẽ được thỏa thuận giữa khách hàng và ngân hàng tùy theo mức độ rủi ro và chi phí.
 
ABBank chúng tôi cũng đã liên kết với doanh nghiệp bán hàng để cho vay tiêu dùng khi khách hàng có nhu cầu mua sản phẩm của những nơi này.
 
Chúng tôi rất chú trọng chủ động tiếp cận khách hàng là cán bộ, công nhân viên - những người có nhu cầu sử dụng các sản phẩm cho vay tiêu dùng. Hiện chúng tôi có 71 chi nhánh và  phòng giao dịch ở trên 28 tỉnh, thành, có thể đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của khách hàng.

Nguyễn Vũ Hùng:

Trân trọng chào các ông! Tôi muốn vay vốn để bổ sung vốn kinh doanh nhưng không có hóa đơn đầu vào (vì các mặt hàng đầu vào là cá vụn phế phẩm mua lại của các ngư dân) vậy tôi có thể được hỗ trợ về lãi suất 4%/năm theo quy định hiện nay không? Cảm ơn các ông!

Ông Bùi Trung Kiên:

Những thông tin bạn nêu chưa đủ để chúng tôi có thể khẳng định điều bạn hỏi. Chúng tôi sẽ có câu trả lời cụ thể khi nhận được hồ sơ vay vốn của bạn.
 
Mong sớm nhận được hồi âm của bạn.
Vay vốn tiêu dùng: Cửa đã thực sự mở? - Ảnh 7

 Hoang Do:

Thưa ông Bùi Trung Kiên, trước đây tôi có sử dụng gói tài chính tín chấp, rút tiền ngày nào tính lãi suất ngày đó 0,049%/ngày. Sau một năm thì chương trình này sẽ được ký hợp đồng trở lại.

Tôi là người làm về tư vấn những căn cứ vào hợp đồng lao động, mức lương, thời gian công tác các điều kiên đó là cần thiết, nhưng sự cần thiết hơn là cảm nhận khách hàng.

Tôi nghĩ sản phẩm này rất phù hợp với những người cần tiền trong vài ngày hoặc một tuần, ông có thể ưu tiên hoặc thay đổi một số tiêu chí trong gói vay này không? Vì trên thực tế công ty có nhân viên đó không có vai trò hoặc trách nhiệm gì nếu số tiền ông cho vay bị biến mất và thay bằng điều kiện đó có thể có bản cam kết của người vợ hoặc bố mẹ sẽ trả nợ nếu người vay không trả được.

Ông Bùi Trung Kiên:

Rất cảm ơn những góp ý của bạn, chúng tôi sẽ ghi nhận và nghiên cứu để phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn.

Nguyễn Vân Anh (nguyenvananh271286@yahoo.com):

Gia đình tôi có một quầy kinh doanh nhỏ tại chợ từ năm 1990 và công việc kinh doanh diễn ra tốt đẹp. Trong năm nay tôi muốn mở một cửa hàng mới để mở rộng quy mô kinh doanh, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Tôi biết hiện nay ABBank có gói sản phẩm cho vay YOUshopplus giúp các hộ kinh doanh cá thể bổ sung vốn vì vậy ông có thể nói rõ hơn về sản phẩm cho vay này. Sản phẩm này của ABBank có đặc điểm cạnh tranh gì so với các sản phẩm cùng loại khác?

Ông Đàm Thế Thái:

Thân chào bạn.

Hiện nay chúng tôi có sản phẩm cho vay sản xuất kinh doanh với 2 sản phẩm chủ đạo là YOUshop và YOUshop-plus, YOUshop với thời hạn cho vay tối đa lên đến 60 tháng, YOUshopplus cho vay theo hạn mức tối đa là 12 tháng.

Tùy theo đặc điểm kinh doanh, nguồn tiền từ họat động kinh doanh cũng như khả năng hòan trả của khách hàng thì chúng tôi sẽ tư vấn với quý khách hàng để chọn lựa sản phẩm phù hợp nhất với nhu cầu vay vốn của mình. Trường hợp bạn Vân Anh có yêu cầu cụ thể hơn, xin vui lòng liên hệ với bất kỳ điểm giao dịch của ABBank trên tòan quốc. Chúng tôi hiện có 71 chi nhánh/phòng giao dịch phủ kín 28 tỉnh thành trên tòan quốc. Hoặc bạn điện thọai về trung tâm dịch vụ khách hàng: (08) 38365365, hoặc email về địa chỉ: info@abbank.vn để chúng tôi có thể tư vấn tốt nhất.

Nếu ngành nghề kinh doanh của bạn không nằm trong 13 ngành nghề thuộc diện lọai trừ hỗ trợ lãi suất theo quy định của Nhà nước và mục đích vay là để bổ sung vốn lưu động với thời hạn tối đa 12 tháng, quý khách hàng có thể sẽ được hỗ trợ lãi suất, ngòai ra các khách hàng vay tại ABBank còn được tặng bảo hiểm nhân thọ.

Hai Van Nguyen Duc (haivan_ngduc@yahoo.com):

Cho em hỏi ông Đàm Thế Thái. Em có người thân đang có nhu cầu vay vốn để mua nhà. ABBank có sản phẩm YOUhouse-plus phục vụ cho đối tượng này. Vậy cho em hỏi gói sản phẩm đó có những tính năng gì và có gì nổi bật so với các ngân hàng khác. Cám ơn.

Ông Đàm Thế Thái:

Hiện nay sản phẩm cho vay mua nhà YOUhouse-plus có mức cho vay tối đa là 70% giá trị tài sản theo định giá của ABBank.

Thời gian cho vay tối đa lên đến 20 năm. Lãi suất cho vay cạnh tranh; Phương thức trả nợ linh hoạt; Tài sản thế chấp bao gồm bất động sản đa hình thành thuộc sở hữu hợp pháp của người vay/người thân hoặc bất động sản dự định mua của khách hàng.

Đặc biệt khách hàng vay được tặng bảo hiểm tử kỳ dư nợ cá nhân (bảo hiểm nhân thọ). Có lẽ ABBank là ngân hàng duy nhất trên thị trường có tặng kèm bảo hiểm nhân thọ đối với người vay, theo đó, trong trường hợp xảy ra trường hợp rủi ro không mong đợi như tử vong hoặc thương tật vĩnh viễn, khách hàng sẽ được công ty bảo hiểm hòan trả khỏan vay tòan bộ.

thuhaibuon2004 (thuhaibuon_thuhaibuon@yahoo.com):
 
Em được biết An Bình đang tham gia chương trình giao lưu tực tuyến em xin được đặt câu hỏi như sau. Em muốn vay tiền để mua sắm phương tiện đi lại nhưng mức thu nhập của em chưa cao, mặc dù em đã công việc chính thức thì ngân hàng có hỗ trợ gì cho người đi vay trong trường hợp này không? Em biết mức cho vay tối đa là 200 triệu, nhưng em không vay nhiều như vậy chỉ muốn vay với số tiền nhỏ thôi thì ngân hàng có tạo điều kiện hỗ trợ cho khách hàng không? Cảm ơn rất nhiều.

Ông Đàm Thế Thái:

Rất khó để tư vấn cụ thể cho em vì em không nói rõ mức thu nhập. Hiện nay sản phẩm cho vay tiêu dùng tín chấp của An Bình đối với khách hàng có thu nhập ròng tối thiểu từ 5 triệu đồng/ tháng trở lên.
 
Nếu em muốn vay ít hơn mức 200 triệu đồng thì cũng phải đạt mức thu nhập trên mới đủ điều kiện.

Bùi Minh Chiến:

Tín dụng tiêu dùng, đặc biệt là cho vay tín chấp tiêu dùng, có nhiều rủi ro. Các diễn giả có dự báo hay khuyến nghị gì không khi thị trường đang có xu hướng cạnh tranh mạnh và mang tính “phong trào”?

Ông Sumit Dutta:

Hoạt động ngân hàng luôn chứa mối quan hệ rủi ro-lợi ích. Nghĩa là các ngân hàng cũng phải chịu rủi ro.

Trong môi trường hiện nay, các ngân hàng sẽ chú trọng tới những khoản vay ít rủi ro hơn như các khoản vay có tài sản đảm bảo để mua nhà, mua ô tô.

Do đó, các ngân hàng sẽ ưu tiên cho các đối tượng khách hàng có thu nhập hàng tháng ổn định bởi họ có khả năng trả nợ đúng hạn hơn. Và ngân hàng không khuyến khích cho vay với các khoản vay có mục đích đầu cơ.

Chứng nào các ngân hàng còn thận trọng và chỉ cho vay đối các khách hàng có mục đích vay thực sự thì tôi chưa thấy có vấn đề gì cả, và rủi ro là có thể chấp nhận được.

Xin cảm ơn các bạn độc giả đã tham dự cuộc giao lưu hôm nay. Thời gian có hạn, chúng tôi không thể trả lời tất cả các câu hỏi, xin thành thật thứ lỗi. Xin chúc các bạn sức khỏe và thành công.

Phạm Minh Sơn (heliots84@yahoo.com):

Xin hỏi đại diện Techcombank và ABBank: thực hiện theo gói kích cầu của Chính phủ, doanh nghiệp chúng tôi có thể dùng sổ tiết kiệm kỳ hạn lớn (16%/năm) để thế chấp vay vốn hỗ trợ lãi suất của Chính phủ được không? Ngành nghề doanh nghiệp là sản xuất kinh doanh mặt hàng thực phẩm và mục tiêu vay vốn là mua nguyên liệu sản xuất chủ yếu là đường trong thời gian tới (cả trong nước và nhập khẩu). Xin cám ơn các vị.

Ông Bùi Trung Kiên:

Chào bạn, xin được trả lời bạn như sau:

Bạn có thể dùng sổ tiết kiệm như bạn nói để thế chấp vay vốn tại Ngân hàng An Bình. Nhưng để được hỗ trợ lãi suất thì doanh nghiệp của bạn phải nằm trong diện được hỗ trợ theo quy định của Chính phủ.
 
Ngân hàng chúng tôi sẵn sàng hướng dẫn bạn làm các thủ tục cần thiết để có thể được vay vốn hỗ trợ lãi suất nếu bạn có đủ điều kiện. Chúc doanh nghiệp của bạn kinh doanh thành công.

Mặc dù còn nhiều câu hỏi của bạn đọc đã gửi về, trong đó có những ý kiến rất thiết thực và bổ ích , song do hạn chế về thời lượng của chương trình nên chúng tôi chưa thể đáp ứng trọn vẹn yêu cầu của các bạn. Xin cảm ơn sự quan tâm của các bạn đến cuộc giao lưu nói chung và Ngân hàng An Bình nói riêng.